Bộ Nội vụ vừa chuyển Bộ Tư pháp thẩm định tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Dự kiến số lượng cán bộ, công chức sau sáp nhập tỉnh, xã
Trong dự thảo, Bộ Nội vụ đề nghị UBND cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Theo đó, số lượng biên chế cấp tỉnh mới không vượt quá tổng số hiện có của các đơn vị cũ. Tương tự, biên chế cấp xã mới không vượt quá tổng số của các đơn vị cũ cộng thêm cán bộ huyện được điều động. Số lượng lãnh đạo cấp tỉnh mới không vượt quá tổng số lãnh đạo của các đơn vị cũ. Số lãnh đạo cấp xã sẽ sắp xếp theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

(Ảnh: Lao động).
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức phải cơ bản được hoàn thiện theo quy định.
Đề xuất bảo lưu 6 tháng tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ đề xuất, bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới trong thời gian 6 tháng.
Sau thời hạn bảo lưu, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức,người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả nước sẽ sáp nhập tỉnh để giảm khoảng 50% tỉnh, thành phố; bỏ cấp huyện và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm 60%-70%.
Nội dung này đang được lấy ý kiến các địa phương, cơ quan, đơn vị, sau đó trình Bộ Chính trị, Trung ương và trình tại Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 4 tới đây.
Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến sẽ hoàn thành sắp xếp cấp xã trước 30/6, sáp nhập cấp tỉnh trước 30/8.
Duy Anh