Tổng Bí thư: "Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng"

Tổng Bí thư nêu rõ, xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chiều 29/3, tại TP. Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác T.Ư làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết đảng bộ hai địa phương nhiệm vụ 2020 - 2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thông tin những định hướng về sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18. Đối với Quảng Nam và Đà Nẵng, trong lịch sử, hai địa phương vốn là một nên việc hợp nhất hai địa phương cũng phù hợp nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ Đà Nẵng đang đứng trước nhiều thách thức, nền kinh tế vẫn quy mô nhỏ so với cả nước và nhiều địa phương khác, chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được chú trọng, nhưng chưa tạo thành động lực thật sự mạnh mẽ. Vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt với Quảng Nam và miền Trung chưa được phát huy đầy đủ.

Tổng Bí thư khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương, đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng.

"Đây là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho tầm nhìn trăm năm phát triển đất nước", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư nhìn nhận, một chủ trương lớn, mang tính đổi mới thể chế sâu sắc, chắn chắn sẽ tạo ra một số băn khoăn trong cán bộ và nhân dân. Người lo mất đi bản sắc văn hóa, tên gọi truyền thống, lo "bị gộp", mất vị thế địa phương, băn khoăn sau sắp xếp dịch vụ công có thuận lợi hơn không; cán bộ lo ngại ảnh hưởng đến công việc, thu nhập, vị trí,...

Ông đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần giải thich, đối thoại, đảm bảo công việc hành chính vận hành thông suốt, dịch vụ công nhanh chóng, thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, bảo tồn các tên gọi truyền thống dưới nhiều hình thức, thực hiện đúng chủ trương "cái mới phải tốt hơn cái cũ", "nhân dân phải được phục vụ tốt hơn".

Sắp tới, Trung ương và Quốc hội thảo luận về sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ với Đà Nẵng. Theo Tổng Bí thư, một Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của hai địa phương.

Tổng Bí thư nêu rõ, xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng Bí thư:

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác cùng Ban Thường vụ hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam - Ảnh: VGP/Minh Trang

Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện địa. Thành phố mới cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao...

"Phải quy hoạch tổng thể, phát triển cân bằng, không thể xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng, mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam", Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư đề nghị, định hình Đà Nẵng - Quảng Nam mới thành "trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia", tiên phong trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển; triển khai mô hình "Chính quyền số - Đô thị thông minh - Nền hành chính hiện đại"; tăng cường liên kết vùng - phát triển theo tư duy "không biên giới hành chính" giữa các địa phương.

Theo Tổng Bí thư, sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính mà là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực; phát huy thế mạnh đôi bên, quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển. Mục tiêu để vùng đất Quảng Đà thực sự phát triển ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.

“Có thể nói rằng việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh quốc gia trong thời đại mới. Chúng ta cần phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư khẳng định Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng-Quảng Nam mới, mà còn cho cả khu vực miền Trung và đất nước.