TP đáng sống nhất Việt Nam dự kiến sau sắp xếp sẽ có 1 đặc khu, vị trí ở đâu?

Dự kiến thành phố này sau sắp xếp còn 12 phường, xã và một đặc khu, giảm tới 75% đầu mối.

Đà Nẵng báo cáo phương án còn 12 xã, phường và 1 đặc khu

Chiều 29/3, tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết về triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp với Thành phố. 

Thành phố đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện. Theo đó, dự kiến Thành phố có 12 phường, xã và 1 đặc khu là Hoàng Sa, giảm 75% đầu mối. Hiện Đà Nẵng có 6 quận và 2 huyện; 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 phường và 11 xã.

TP đáng sống nhất Việt Nam dự kiến sau sắp xếp sẽ có 1 đặc khu, vị trí ở đâu?- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Minh Trang

Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất, kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương triển khai một số nội dung nhằm tạo cơ chế, động lực tiếp tục phát triển thành phố Đà Nẵng thời gian tới.

TP đáng sống nhất Việt Nam dự kiến sau sắp xếp sẽ có 1 đặc khu, vị trí ở đâu?- Ảnh 2.

Hiện Đà Nẵng có 6 quận và 2 huyện; 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 phường và 11 xã. Ảnh: Báo Người lao động

Về việc sáp nhập tỉnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị cho phép thành phố Đà Nẵng (sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/202 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề xuất một số cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam; cho phép Thành phố lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng để hình thành một đô thị mới với các chức năng của khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế; xây dựng tuyến đường sắt đô thị…

Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 01/1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km).

Huyện Hoàng Sa có diện tích: 305 km2, chiếm 23,76% diện tích thành phố Đà Nẵng. (Theo niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng năm 2010).

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ thị trấn, thêm đặc khu

Bộ Nội vụ mới đây đã đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (gồm: cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện) phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt.

Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), nhưng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời để mở rộng không gian phát triển.

Tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở (gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo; bỏ thị trấn) với diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của cấp xã theo quy định hiện hành.

Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở đều tổ chức HĐND và UBND. HĐND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; UBND hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND.

Theo khảo sát Expat Insider, một cuộc khảo sát thường niên của Tổ chức InterNations vào năm 2022, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 52 quốc gia được coi là đáng sống nhất cho người nước ngoài. Trong số đó, Đà Nẵng được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu. Năm 2018, Đà Nẵng đã được tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas bình chọn là một trong 10 địa điểm đáng sống nhất trên thế giới.