TPHCM: Chuyên gia lưu ý các ca mắc Covid-19 nhập viện

() - Tại Bênh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, tất cả bệnh nhân nhập viện do mắc Covid-19 đều có bệnh nền hoặc người cao tuổi.

Đợt bệnh của người cao tuổi, người bệnh nền

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện, khoa điều trị cho 13 bệnh nhân, không có ca bệnh nặng.

Tất cả bệnh nhân nhập viện đều có bệnh nền hoặc do tuổi rất cao (trên 90 tuổi), trong số đó có hơn phân nửa nhập viện chỉ vì điều trị các bệnh nền chưa ổn kèm ho sổ mũi, xét nghiệm thì phát hiện bệnh Covid-19 đi kèm.

Bên cạnh đó, những trường hợp Covid-19 diễn biến nặng thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh nền gây ức chế miễn dịch như bệnh lý ung thư (đặc biệt bệnh bạch cầu cấp), bệnh nhân đã ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch mạnh.

TPHCM: Chuyên gia lưu ý các ca mắc Covid-19 nhập viện - 1

Một bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh gan đang điều trị tại khoa Nhiễm D (Ảnh: Diệu Linh).

“Ngay cả những ca nặng mắc Covid-19 ở các bệnh viện khác cũng chỉ cần hỗ trợ oxy mũi, không cần thở máy”, bác sĩ Thọ chia sẻ thêm

Theo chuyên gia này, Covid-19 đã được Bộ Y tế xếp loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự bệnh cúm thông thường. Bên cạnh đó, hầu hết người dân đã tiêm ngừa vaccine , miễn dịch cộng đồng tốt, đây cũng là một yếu tố bảo vệ giảm nguy cơ bệnh nặng. Do đó, người dân không nên quá hoang mang.  

Tuy nhiên, một số nhóm nguy cơ như người có bệnh nền, giảm miễn dịch, người cao tuổi… cũng không nên chủ quan, cần theo dõi sức khỏe kỹ càng. Khi có triệu chứng bất thường, cần đi khám sớm để có phương án theo dõi và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, người thân của những người mắc bệnh trên cũng cần chú ý theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người bệnh khi có các dấu hiệu sức khỏe bất thường.

Biến thể lưu hành tại TPHCM có nguy hiểm?

Mới đây, Sở Y tế TPHCM cũng thông tin, 83% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gen là biến thể NB.1.8.1. Đây là biến thể phụ của biến thể XDV.1, có nguồn gốc từ biến thể XDV được hình thành từ sự tái tổ hợp gen giữa biến thể JN.1 và XDE.

Biến thể NB.1.8.1 lần đầu được công bố vào đầu năm 2025, hiện chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại là biến thể được quan tâm hoặc biến thể đáng lo ngại.

Các dữ liệu khoa học cho đến nay vẫn chưa ghi nhận sự khác biệt về mức độ lây lan hoặc gây bệnh nặng hơn của biến chủng NB.1.8.1 so với các biến chủng lưu hành trước đây.

Mặc dù NB.1.8.1 dễ lây hơn do dễ bám được vào tế bào người, nhưng khả năng "né" hệ miễn dịch không cao hơn so với các biến thể trước.

Theo India Times, các bệnh nhân bị nhiễm biến thể NB.1.8.1 đã báo cáo một loạt các triệu chứng, một số trong đó khác với các triệu chứng liên quan đến các chủng virus trước đó. 

Hầu hết người bệnh có hiện tượng sốt nhẹ kéo dài khoảng (37,6-38,1 độ C) mà không đổ mồ hôi hoặc thở nhanh. Cũng như các biến thể Omicron khác, NB.1.8.1 thường biểu hiện với triệu chứng như đau họng, ho, chảy nước mũi...

Một số trường hợp còn có hiện tượng buồn nôn, chán ăn và khó chịu ở đường tiêu hóa; đau đầu, chóng mặt và khó tập trung; mệt mỏi và khó ngủ

Đáng chú ý là tình trạng mất vị giác hoặc khứu giác, thường gặp ở các biến thể trước đó như Delta, ít được báo cáo hơn ở NB.1.8.1.

Mới đây, Bộ Y tế cũng xác nhận, biến thể NB.1.8.1 chiếm 10,7% kết quả giải trình tự gen toàn cầu vào giữa tháng 5, có khả năng lây truyền cao hơn và đang dần phổ biến hơn. 

Tuy nhiên, các biến thể mới này không có nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể lưu hành khác.

Biến thể NB.1.8.1 được phát hiện vào đầu năm, hiện ghi nhận tại 23 quốc gia như Singapore, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Canada, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Tính đến ngày 26/5, Việt Nam ghi nhận rải rác 641 trường hợp mắc tại 39 tỉnh, thành phố, không có ca tử vong. Trong đó nhiều nhất là Hà Nội (153 trường hợp mắc), Hải Phòng (138), TPHCM (80), Quảng Ninh (46), Bắc Giang (24), Bắc Ninh (24), Thái Nguyên (23). 

Hiện nay không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây.