Trở lại sau 3 năm, liệu Lý Tử Thất có lấy lại được hào quang?

Sau 3 năm, thị trường đã xuất hiện thêm nhiều “bản sao” Lý Tử Thất mới. Đi cùng là sự trỗi dậy của livestream bán hàng, thứ chưa có trong phong cách làm video trước đây của cô.

Lý Tử Thất trở lại sau 3 năm vắng bóng.

Nổi tiếng với biệt danh "tiên nữ đồng quê", Lý Tử Thất là một trong những nhà sáng tạo nội dung đình đám nhất Trung Quốc. Cô vừa trở lại sau hơn 3 năm vắng bóng. Ngày 12/11, cô bất ngờ tung ra video làm tủ quần áo sơn mài. Chỉ trong vòng 24 giờ, Lý Tử Thất cập nhật 3 video liên tiếp và đạt tổng cộng 500 triệu lượt xem.

Hình tượng “tiên nữ đồng quê” khó thay thế

Trên Douyin, nữ YouTuber sở hữu hơn 55 triệu người theo dõi. Phần bình luận ngập tràn cảm xúc hoài niệm và niềm vui của người hâm mộ. “Chúng tôi đã chờ đợi chị lâu lắm rồi. Thật hạnh phúc khi chị trở lại, nhưng cũng muốn bật khóc”, trích một bình luận.

Kênh YouTube cũng xuất hiện nhiều lời chúc mừng từ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, tiếng Ả Rập. “Nhìn thấy cô khỏe mạnh và bà vẫn bên cạnh, tôi đã khóc vì nhẹ nhõm”, trích một bình luận. Một số người thậm chí còn đùa rằng: “Cô xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình”.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Lý Tử Thất tiết lộ về cuộc sống của mình trong 3 năm tạm rời xa ánh đèn sân khấu. Cô dành thời gian chăm sóc bà, bù lại những đêm mất ngủ do chỉnh sửa video. Cô đi qua hơn 20 tỉnh, gặp gỡ hơn 100 nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể để tìm hướng đi mới cho công việc. Quyết định trở lại chỉ được đưa ra cách đây hơn một tháng.

Từ khi nổi tiếng vào năm 2016 với những video mang phong cách "điền viên" - kết hợp giữa cuộc sống thôn quê và văn hóa truyền thống - Lý Tử Thất đã tạo ra một trào lưu mới, thu hút một loạt nhà sáng tạo nội dung khác làm theo.

Khi cô tạm ngừng hoạt động vào năm 2021, những “bản sao” xuất hiện tràn lan từ Trung Quốc đến các quốc gia châu Á khác. Nhưng không ai thực sự thay thế được cô. Một số kênh còn bị chỉ trích khi cố gắng sao chép từng khung hình của cô.

Một số nhà sáng tạo được cư dân mạng Trung Quốc gọi là "Anh chàng nông thôn đẹp trai" hay "Lý Tử Thất phiên bản thô" chỉ đạt được thành công nhất thời, còn nhiều người khác nhanh chóng bị lãng quên do nội dung lặp lại và thiếu sáng tạo.

Không giống những nhà sáng tạo khác bị cuốn theo xu hướng sản xuất nhanh để giữ chân người xem, nội dung của Lý Tử Thất lại nổi tiếng với phong cách "nhàn tản giữa làng quê".

Cô dành hơn một năm để hoàn thành một món đồ sơn mài hoặc xây một ngôi nhà nhỏ. Quá trình đó có thể cắt ra hàng chục video ngắn để cập nhật hàng ngày, nhưng cô chọn cách cô đọng nó vào một video 14 phút. The Paper gọi đây là một "xa xỉ phẩm" trong thời đại khi nội dung nhanh và ngắn ngày càng chiếm ưu thế.

Trên thực tế, từ cách quay phim đến nội dung, video mới nhất của cô không khác biệt nhiều so với những video đã ra mắt từ 7 năm trước, như "Làm quần áo từ vỏ nho" hay "Chế tạo son từ hoa".

Bài toán thương mại hóa nội dung

3 năm qua, khi ngành sáng tạo nội dung không ngừng thay đổi và thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, “tiên nữ đồng quê” vẫn giữ vững phong cách và chất lượng. Đó cũng là lý do cô trở thành biểu tượng khó thế chỗ.

Người hâm mộ vẫn trung thành với số lượng theo dõi lên đến hơn 80 triệu trên 4 nền tảng lớn như Weibo, Bilibili, Douyin và Kuaishou. Thậm chí, ngay cả khi không cập nhật, tài khoản của cô vẫn thu hút hàng triệu lượt xem mỗi ngày.

Theo The Paper, trong 3 năm, lượng người theo dõi trên YouTube của Lý Tử Thất tăng hơn 5 triệu người. Dù ngừng hoạt động, doanh thu quảng cáo từ các video cũ của cô vẫn đạt 785.000 nhân dân tệ trong năm 2023.

Sau khi trở lại, lượng người theo dõi trên Douyin, Weibo và Kuaishou đột nhiên tăng 3,8 triệu người chỉ sau một đêm.

Song, màn trở lại của “tiên nữ đồng quê” đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai thương mại hóa của cô. Trước đây, cô nổi tiếng vì giữ một khoảng cách giữa nội dung và thương mại, từ chối nhiều kế hoạch phát triển quá mức của đối tác kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi livestream bán hàng trở thành xu hướng và cách thức chính để hiện thực hóa giá trị thương mại, liệu Lý Tử Thất có “đầu hàng” trước áp lực này?

Theo The Paper, nhiều người tin rằng “cái kết của các hiện tượng mạng là livestream bán hàng”. Điều này không sai khi nhìn vào sự thành công của các tổ chức MCN (Multi-Channel Network) tại Trung Quốc. Đây là những công ty quản lý nội dung số - liên tục mở rộng quy mô, đào tạo hàng loạt KOLs (người có sức ảnh hưởng) và và khai thác ngành thương mại điện tử để duy trì lợi nhuận.

Nhưng với Lý Tử Thất, cô không quá tập trung vào thương mại hóa. Trước đây, mâu thuẫn giữa cô và công ty quản lý Vô Niệm Hàng Châu cũng xuất phát từ bất đồng về định hướng thương mại. Sau sự cố này, nữ YouTuber tự tách ra và kiểm soát hoàn toàn thương hiệu của mình.

"Khi được hỏi 'Con muốn trở thành ai?', tôi không muốn bọn trẻ trả lời 'Con muốn trở thành Influencer' hay 'Con muốn thành một người nổi tiếng'. Đó không phải là tương lai mà tôi hình dung. Tôi hy vọng họ sẽ nắm bắt được những giá trị đúng đắn, tập trung vào việc học và phát triển thành những cá nhân có thể nắm bắt mọi cơ hội", cô chia sẻ về mong muốn tác động đến giới trẻ.

Không thể phủ nhận, nội dung của Lý Tử Thất đã góp phần lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể. Các kỹ nghệ như sơn mài, thổ cẩm, hay chế tác hoa nhung - vốn là những giá trị văn hóa bị lãng quên của Trung Quốc - đã trở thành tâm điểm chú ý của giới trẻ qua các video của cô.

Theo báo cáo dữ liệu năm 2024 của Douyin, số lượt chia sẻ các video liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tăng 36% so với năm trước, trong đó các nội dung về quạt sơn mài, trâm cài tóc váy mã diện tăng hàng chục lần.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.