
Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu Thần Châu-20 của Trung Quốc được phóng lên ngày 24-4 - Ảnh: REUTERS
Vụ phóng ngày 24-4 đánh dấu cột mốc mới nhất trong cuộc đua của Bắc Kinh nhằm trở thành cường quốc hàng đầu về vũ trụ.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu Thần Châu-20 đã được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc vào 17h17 (16h17 theo giờ Việt Nam). Tàu Thần Châu-20 dự kiến sẽ kết nối với trạm vũ trụ Thiên Cung sau khoảng 6,5 giờ.
Theo kế hoạch, phi hành đoàn gồm 3 nhà du hành trên tàu Thần Châu-20 sẽ thay thế phi hành đoàn gồm 3 người, được đưa lên trạm vũ trụ Thiên Cung hồi tháng 10-2024.
Trong 6 tháng tới, phi hành đoàn sẽ tiến hành các thí nghiệm về vật lý và khoa học sự sống, lắp đặt thiết bị bảo vệ chống lại các mảnh vỡ không gian, theo Hãng tin AFP.
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành nghiên cứu về khả năng tái sinh phi thường của giun dẹp planaria trong môi trường không gian. Sinh vật mới này nổi tiếng với khả năng tái tạo các cơ quan bị tổn thương một cách kỳ diệu.
Các phi hành gia cũng sẽ thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian, bổ sung vật tư và tiến hành bảo dưỡng chung trên trạm vũ trụ.
Với phi hành đoàn giàu kinh nghiệm và chương trình thí nghiệm khoa học sự sống đầy tiềm năng, sứ mệnh Thần Châu-20 hứa hẹn sẽ mang đến những khám phá giá trị, đóng góp vào sự tiến bộ của chương trình vũ trụ có người lái Trung Quốc và mở rộng hiểu biết của nhân loại về sự sống trong môi trường khắc nghiệt của không gian.
Trung Quốc đã bơm hàng tỉ USD vào chương trình không gian của mình trong những năm gần đây trong nỗ lực đạt được điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "giấc mơ không gian" của người dân Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có kế hoạch táo bạo là đưa một phi hành đoàn lên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này và cuối cùng là xây dựng một căn cứ trên bề mặt Mặt trăng.
Trung Quốc cho các nước mượn đá Mặt trăng
Ngày 24-4, Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo sẽ cho phép các nhà khoa học từ Mỹ và một số quốc gia khác tiếp cận và phân tích các mẫu đá thu được từ Mặt trăng, trong sứ mệnh Thường Nga 5 vào năm 2020. Động thái này đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế trong lĩnh vực thám hiểm không gian.
Trong số các tổ chức được phép tiếp cận mẫu vật có hai trường đại học Mỹ là Đại học Brown và Đại học bang New York tại Stony Brook - đều nhận tài trợ từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Ngoài ra, còn có các đơn vị đến từ Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh và Pakistan.
Sứ mệnh Thường Nga 5 năm 2020 đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trong lịch sử thu thập mẫu đá từ bề mặt Mặt trăng, sau Liên Xô và Mỹ. Năm ngoái, sứ mệnh Thường Nga 6 đã đánh dấu cột mốc lịch sử mới khi Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên mang về đá từ phía xa Mặt trăng - vùng không thể quan sát từ Trái đất.
