Từ bỏ làm việc 4 ngày/tuần vì nhân viên stress hơn

Sau một năm thử nghiệm không làm việc vào thứ 6, một công ty ở Mỹ nhận thấy mục đích cân bằng đời sống và sự nghiệp cho nhân viên, quản lý không đạt được như mong muốn.

Mùa hè năm ngoái, công ty Rock City Digital có trụ sở tại bang Arkansas (Mỹ) thu hút sự chú ý của người lao động khi là một trong những nơi sớm thực hiện tuần làm việc 4 ngày tại nước này, theo TVH11.

Tại thời điểm đó, mục tiêu của công ty là đem lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho toàn bộ nhân viên của họ. Tuy nhiên, sau hơn một năm áp dụng, nơi này cho biết họ đã chấm dứt theo đuổi mô hình làm việc 4 ngày/tuần.

Kelli Campbell, người nắm giữ vị trí giám đốc điều hành, giải thích phần đông thấy việc cắt giảm một ngày đi làm không phù hợp. Campbell nói thêm việc bắt buộc nghỉ vào ngày thứ 6 hàng tuần đã đi ngược lại với những gì mong đợi ban đầu.

lam viec 4 ngay/tuan anh 1

Công ty về truyền thông ở Mỹ quyết định dừng làm việc 4 ngày/tuần khi nhận ra nhân viên bị quá tải. Ảnh: TVH11.

Cụ thể, nó gây thêm căng thẳng cho nhân viên, về áp lực phải bắt kịp tiến độ, xong xuôi hết mọi đầu việc được giao phó khi thứ 5 kết thúc.

Khi Campbell hiểu được cách thức làm việc mới đã ảnh hưởng đến các nhóm và cả khách hàng của họ như thế nào, phía công ty quyết định dừng lại.

“Trong cuộc thảo luận cuối cùng về chuyện thay đổi này vào năm ngoái, tôi đã đề cập rằng nếu việc giảm giờ làm không hiệu quả, chúng tôi sẽ quay trở lại cách thức cũ”, Campbell nói.

Tuy vậy, bản thân Rock City Digital cũng chọn không quay trở lại tuần làm việc 5 ngày điển hình. Thay vào đó, mô hình hiện tại của họ là làm việc nửa ngày vào thứ 6.

"Chúng tôi làm việc như bình thường từ thứ 2 đến thứ 5, theo đúng giờ làm việc đã định. Ngày tiếp theo, nếu mọi người đều hoàn thành xong sớm, văn phòng có thể giải tán từ trưa thứ 6", cô nói.

Việc làm thêm nửa ngày này cũng không bắt buộc và được nhân viên hưởng ứng. “Có nhiều cách mà bạn có thể làm việc hiệu quả hơn mà không bắt mọi người phải ngồi vào bàn làm việc cho đến chiều muộn ngày thứ 6”, Campbell nói.

lam viec 4 ngay/tuan anh 2

Trong khi người Mỹ tin rằng họ đã sẵn sàng cho tuần làm việc ngắn hơn, các chuyên gia tin rằng văn hóa làm việc ở nước này sẽ thành rào cản lớn. Ảnh: Bloomberg.

Theo Giám đốc dự án của đơn vị này, Sarah Hamel, nửa ngày thứ 6 giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên, do bớt phải nhồi nhét khối lượng công việc của cả tuần với số lượng ngày ít hơn.

"Tôi thích cách thức mới này bởi tính linh hoạt của nó, như cho phép có thêm thời gian gặp mặt với khách hàng hoặc làm xong những phần việc lặt vặt khác", Hamel bày tỏ.

Jo Burns-Russell, Giám đốc điều hành của công ty sáng tạo Amplitude (Mỹ), cũng biến tuần 4 ngày làm việc thành tùy chọn: nhân viên hiện có thể chia 35 giờ làm việc thành 4 hoặc 5 ngày.

Kết quả thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày khả quan ở Vương Quốc Anh vào năm ngoái đã khiến đông nhân viên Mỹ háo hức được giảm giờ làm hơn bao giờ hết.

Nhiều người tin rằng bằng cách cho nhân viên thêm một ngày để giải quyết các vấn đề ngoài công việc, chẳng hạn như chăm sóc con cái, đưa thành viên gia đình đi khám bác sĩ, người lao động sẽ tập trung và hiệu quả hơn khi làm việc.

Tuy nhiên, văn hóa làm việc của Mỹ, tập trung vào sự chăm chỉ, tính cạnh tranh và thành tích, có thể là trở ngại lớn cho việc áp dụng.

“Người Mỹ thích làm việc. Nhiều người coi công việc là cách họ định hình giá trị bản thân, đem lại cho họ ý nghĩa, các mối quan hệ bạn bè cho đến yêu đương”, Lindsey Cameron, trợ lý giáo sư tại Trường Wharton, Đại học Pennsylvania, nói với Newsweek.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.