Vì sao bạn không thể săn vé concert?

Mua vé concert dần trở thành một cuộc chiến khốc liệt, do có sự nhúng tay của các bot ảo. Chúng được lập trình để vượt qua các biện pháp bảo vệ và giao dịch như người thật.

Cơ hội mua vé của người hâm mộ chân chính rất mong manh. Ảnh: Shutterstock.

Ngày 12/11, khi hệ thống bán vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai mở ra, hàng trăm nghìn người hâm mộ đã nhanh chóng tập trung để “giành” vé. Dù chuẩn bị từ rất sớm và sẵn sàng “xếp hàng online”, nhiều người vẫn chỉ nhận được sự thất vọng khi trang web sập ngay khi mở.

30 phút sau khi mở bán, số người truy cập hệ thống để chờ mua vé lên tới 150.000. Nhiều người thừa nhận không còn hy vọng mua được vé khi có tới hàng trăm nghìn người đang chờ phía trước. Vé hết sạch chỉ sau 40 phút.

Ngay sau đó, các bài đăng hỏi mua lại vé hoặc pass vé được đăng tràn lan trên các hội nhóm. Giá vé chênh lệch thường khoảng 500.000 đồng tới 1 triệu đồng, nhưng cũng có trường hợp đội giá lên cao gấp nhiều lần.

Trên thực tế, “ôm vé" rồi rao bán rầm rộ với cái giá cắt cổ là tình trạng phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

Kẻ đứng sau đội buôn vé

Một lý do khiến việc mua vé concert ngày càng trở nên khó khăn chính là các bot xấu nhúng tay. Chúng là các phần mềm tự động được tạo ra để mua vé nhanh chóng trước khi người mua thật nhấn vào nút mua.

Theo báo cáo Bad Bot năm 2023 của Imperva, 83,4% lưu lượng truy cập vào các trang bán vé sự kiện trên toàn cầu năm 2022 là do bot tự động, có cả những bot tốt và xấu. Trong đó, 1/3 là các bot xấu tinh vi, được lập trình để vượt qua các biện pháp bảo vệ và giao dịch như người thật.

Reinhart Hansen, Giám đốc Công nghệ của Imperva, giải thích rằng những bot xấu này được sử dụng để mua vé hàng loạt, đặc biệt là các sự kiện hot như các buổi concert, sự kiện thể thao và sản phẩm giới hạn.

Chúng có thể “cướp” hàng loạt vé chỉ trong vài giây sau khi được bán ra. Vì thế, các tay đầu cơ sẽ dùng bot để mua vé với số lượng lớn, sau đó bán lại với giá cao gấp nhiều lần trên thị trường chợ đen, từ đó trục lợi trên chính sự yêu thích và đam mê của người hâm mộ.

San ve concert kho anh 1

Thông báo hết vé của concert Anh trai vượt ngàn chông gai. Ảnh: Ticketbox.

Trong nhiều trường hợp, các bot có thể bỏ qua các bước chọn chỗ ngồi và đi thẳng đến màn hình thanh toán, đồng nghĩa với việc chúng có thể hoàn tất giao dịch nhanh hơn người mua bình thường.

Theo TechWire, với mỗi đợt mở bán vé, các bot thường sử dụng chiến thuật "3 giai đoạn".

Ở giai đoạn đầu, bot liên tục rà soát các trang web bán vé, các mạng xã hội. Nhờ đó, chúng xác định thời điểm mở bán và các sự kiện sắp tới. Chúng còn có thể tạo ra hàng loạt tài khoản giả nhằm tối đa hóa cơ hội mua vé.

Sau đó, để đảm bảo có thể mua số lượng lớn vé mà không bị phát hiện, các bot sử dụng mạng proxy để lẩn tránh các rào cản, vượt qua những bước kiểm tra an ninh như CAPTCHA, tạo ra các yêu cầu từ nhiều địa chỉ IP khác nhau và mua ngay khi có cơ hội.

Cuối cùng là thanh toán tự động. Các bot thanh toán bằng nhiều phương thức, tài khoản và thẻ tín dụng khác nhau để tránh bị phát hiện.

Vì tạo ra khối lượng giao dịch lớn, những bot tự động này có thể khiến hệ thống bán vé dễ quá tải, thiếu ổn định và gặp lỗi kỹ thuật. Do đó, khán giả chân chính phải chờ đợi rất lâu và đôi khi không mua được vé.

Khi người hâm mộ chân chính bị đẩy ra khỏi “cuộc đua săn vé”

Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ vé, nhiều quốc gia châu Á đã có những luật lệ nhất định. Tại Nhật Bản, luật cấm đầu cơ vé có hiệu lực từ năm 2019, nghiêm cấm hành vi bán lại vé với giá cao hơn giá trị thực tế. Hình phạt lên tới một năm tù giam hoặc khoản phạt lên đến một triệu yên.

Ở Australia, luật giới hạn việc bán lại vé không được vượt quá 10% giá trị ban đầu, áp dụng với các “sự kiện lớn” . Những người vi phạm có thể bị phạt đến 50.000 USD, thậm chí bị tống giam.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã thành lập nhóm công tác đặc biệt với 8 biện pháp nhằm kiểm soát vé, bao gồm quản lý nguồn vé, hệ thống bán vé tên thật và giới hạn số vé mỗi người có thể mua cho một sự kiện.

TechWire đồng tình một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại "ôm vé" là áp dụng giới hạn số vé có thể mua trên mỗi tài khoản hoặc hộ gia đình. Bên cạnh đó, phát hành vé cá nhân hóa bằng cách in tên của người mua trên vé cũng giúp làm giảm khả năng vé bị bán lại.

Hansen gợi ý rằng việc xác thực danh tính người mua vé thông qua công nghệ KYC (Know Your Customer) có thể giúp kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng vé mà mỗi người có thể mua.

Song, Los Angeles Times chỉ ra một thực tế khó chối cãi là bản thân nền công nghiệp giải trí cũng đóng một vai trò không nhỏ gia tăng hiện tượng đầu cơ vé.

San ve concert kho anh 2

Concert Anh trai say hi tại Khu đô thị Vạn Phúc hôm 19/10. Ảnh: NSX.

Hệ thống của Ticketmaster bị tố là không thể đáp ứng nổi nhu cầu quá lớn. Đặc biệt là trong đợt mở bán vé cho chuỗi concert Eras Tour của Taylor Swift. Hàng triệu người hâm mộ không thể mua vé.

Các fan của nữ ca sĩ - "Swifties" - thậm chí còn đệ đơn kiện tập thể chống lại Ticketmaster và công ty mẹ Live Nation Entertainment với cáo buộc lạm dụng quyền lực cạnh tranh. Vụ kiện này tiếp tục nối dài chuỗi ít nhất 15 vụ kiện khác mà Ticketmaster đã đối mặt trong 5 năm qua.

Một nghiên cứu năm 2016 của Tổng chưởng lý bang New York chỉ ra hơn một nửa số vé tại một concert thông thường không bao giờ được bán cho công chúng. Thay vào đó, chúng dành cho các đợt bán trước, nhóm nghệ sĩ, câu lạc bộ người hâm mộ hoặc dùng làm đặc quyền cho chủ thẻ tín dụng.

Theo Los Angeles Times, Verified Fan - hệ thống của Ticketmaster để phân biệt người mua thực sự với các bot và bên đầu cơ vé - đã thành công trong nhiều concert trước đây của Swift. Nhưng lại không chịu nổi áp lực của lượng đăng ký khổng lồ từ Eras Tour.

Hàng nghìn người hâm mộ sau khi không thể mua được vé đã phải mua lại với mức giá cao gấp nhiều lần trên các trang chợ đen như StubHub. Tại đây, vé cho concert của Swift tại SoFi có giá khoảng 400 USD cho chỗ ngồi xa và 1.000 USD cho chỗ ngồi gần sân khấu.

Dù thế, thị trường chợ đen này vẫn tồn tại. Một phần là do người hâm mộ vừa ghét nhưng lại vừa yêu thích khi có nhu cầu bán lại vé. Eric Budish, giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago, cho biết: “Có cách ngăn chặn thị trường bán lại. Chỉ cần ghi tên trên vé, giống như cách các hãng hàng không làm”. Nhưng vấn đề là không ai muốn giải quyết triệt để.

Theo Los Angeles Times, chuyến lưu diễn nổi tiếng của Miley Cyrus/Hannah Montana năm 2007 từng khiến không ít người hâm mộ trẻ tuổi phải khóc bên ngoài cổng nhà thi đấu. Khi ekip Cyrus chuyển sang chính sách cấm bán lại, chuyến lưu diễn tiếp theo đã không bán hết vé ngay lập tức.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.