Vì sao dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam?

Hai tháng đầu 2025, tổng vốn FDI đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, khi đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Hấp dẫn dòng vốn đầu tư toàn cầu

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy kinh tế Việt Nam. Trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, 2 tháng đầu năm, Trung Quốc đang dẫn đầu với 679,8 triệu USD, chiếm 31% tổng vốn đăng ký mới. Tiếp theo là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điều này cho thấy Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và NVIDIA - tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ- đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm mới (R&D) về AI hàng đầu châu Á. Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp.

Vì sao dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam?- Ảnh 1.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics… FDI giải ngân trong năm 2025 có khả năng vượt 30 tỷ USD.

Ông Đoàn Hữu Hậu - Giám đốc dịch vụ chuyển đổi số và ứng dụng AI tại FPT Digital cho biết, nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định nhờ vào chính sách vĩ mô hợp lý, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, và sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp và thị trường tiêu dùng nội địa.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, số liệu thống kê 2 tháng đầu năm nay cho thấy, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, kéo theo mức cam kết và giải ngân có mức chuyển biến tích cực. Điều này có hai câu chuyện đằng sau. Đó là trong bối cảnh sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh phức tạp, đối đầu địa chính trị, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, của nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mà nổi bật là lĩnh vực công nghệ. Việc này gắn liền với cuộc cải cách của Việt Nam, việc duy trì vị thế của Việt Nam, tính ổn định kinh tế, phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đẩy mạnh công cuộc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về tinh gọn bộ máy đã nâng cao hiệu quả và giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Sự gia tăng niềm tin kinh doanh được cho là nhờ vào các cải cách kinh tế liên tục và vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam cũng đang duy trì chính sách ưu đãi thu hút FDI mạnh mẽ như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 15 năm hoặc 5% trong 37 năm cho các dự án đặc biệt.

Tuy nhiên, bối cảnh ngày càng có nhiều công nghệ mới và yêu cầu về tính minh bạch cao hơn, thủ tục hành chưa thật sự nhanh gọn, hệ thống thuế chưa đồng bộ, khó khăn trong việc cấp visa cho chuyên gia nước ngoài và năng lực phát triển cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, công nghệ thông tin  vẫn đang là một thách thức lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam.

Theo ông Hậu, Việt Nam cần có giải pháp đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo, tập trung vào nghiên cứu cơ bản, đào tạo tiếng Anh, để có nguồn nhân lực chất lượng hơn, xây dựng nguồn nhân lực cho AI và bán dẫn.

TS. Võ Trí Thành lưu ý, trong 2025, giai đoạn đầu năm tính bất định khá cao khi chính quyền Mỹ thực thi nhiều chính sách mà có thể ảnh hưởng đến dòng thương mại đầu tư. Nhà đầu tư còn nghe ngóng, xem xét, định hình và ít nhiều còn do dự. Đây là vấn đề có thực, nhưng nếu chúng ta xử lý khéo léo câu chuyện đối tác, đẩy mạnh công cuộc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phát triển thì dòng vốn FDI sẽ tiếp tục vào đúng như kỳ vọng.