Vì sao vùng đất 'Quảng Đà' sở hữu loạt dự án tỷ đô, tầm cỡ quốc tế dự kiến được tái hợp trong năm nay?

Việc sáp nhập tỉnh, thành này được nhận định là "cơ hội lịch sử" để 2 địa phương cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam chiều 29/3, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng.

Trước khi sáp nhập, vùng đất "Quảng Đà" từng có hơn 20 năm là một tỉnh với tên Quảng Nam - Đà Nẵng (từ 1975 đến năm 1996). Từ năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ông Nguyễn Sự (nguyên lãnh đạo TP Hội An) cho rằng Quảng Nam, Đà Nẵng "là một" và khẳng định thời điểm năm 1997, chia tách tỉnh là hợp lý và bây giờ, sáp nhập là cần thiết.

“Có thể nói rằng việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh quốc gia trong thời đại mới. Chúng ta cần phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Vì sao vùng đất 'Quảng Đà' sở hữu loạt dự án tỷ đô, tầm cỡ quốc tế dự kiến được tái hợp trong năm nay?- Ảnh 1.

Chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược - Ảnh minh hoạ: Người lao động

Liên quan đến việc sáp nhập tỉnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đề xuất một số cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam. Ngoài ra thành phố cũng đề xuất cho phép lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng để hình thành một đô thị mới với các chức năng của khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế; xây dựng tuyến đường sắt đô thị…

Đà Nẵng-Quảng Nam được định hướng xây dựng trên cơ sở hợp nhất bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về phát triển không gian đô thị sau khi sáp nhập, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực. Thống nhất nhất chủ trương cho đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ thành phố Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam.

Vì sao vùng đất 'Quảng Đà' sở hữu loạt dự án tỷ đô, tầm cỡ quốc tế dự kiến được tái hợp trong năm nay?- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam - Ảnh: VGP/Minh Trang

Quy mô dự án lấn biển khủng ở vịnh Đà Nẵng

Liên quan đến dự án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhắc đến, hồi cuối tháng 12/2024, UBND TP Đà Nẵng đã có Tờ trình về việc phê duyệt đề án thành lập Khu thương mại tự do gửi Bộ KH&ĐT (từ 1/3/2025 sáp nhập với Bộ Tài chính lấy tên Bộ Tài chính).

Theo tờ trình, quy mô diện tích của Khu thương mại tự do Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng hơn 2.317ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300ha; bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng.

Trong đó có khu chức năng logistics, khu chức năng logistics và sản xuất, khu chức năng sản xuất, khu chức năng thương mại dịch vụ và kinh tế số - công nghệ thông tin – đổi mới sáng tạo.

Đối với vị trí lấn biển và cảng biển Liên Chiểu, TP đang triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện để đưa ra định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển phù hợp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện trước khi đưa vào hoạt động.

Vì sao vùng đất 'Quảng Đà' sở hữu loạt dự án tỷ đô, tầm cỡ quốc tế dự kiến được tái hợp trong năm nay?- Ảnh 3.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng đạt khoảng hơn 2.317ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300ha - Ảnh minh họa: Người lao động

Theo lộ trình đầu tư xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng gồm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đến năm 2029, xây dựng mới Khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn. Khái toán tổng mức đầu tư bên trong Khu thương mại tự do ở giai đoạn 1 khoảng hơn 35.000 tỷ đồng, gồm chi phí giải phóng mặt bằng hơn 20.000 tỷ đồng, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng hơn 15.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 của dự án là sau năm 2029 sẽ định hướng mở rộng Khu thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa, khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm TP. Theo tờ trình, giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng với vốn ngoài ngân sách Nhà nước ước tính hơn 4.300 tỷ đồng.

Chia sẻ trên TNO hồi cuối năm 2024, Theo TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm cá nhân rằng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và vị thế của các vịnh biển, ông thấy rằng vịnh Đà Nẵng "hoàn toàn có thể cho phép lấn biển để mở rộng không gian dành riêng cho hoạt động thương mại, dịch vụ tài chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch xanh…".

Đặc biệt, theo ông Toán, nếu có thể có những tòa nhà, trung tâm thương mại kết hợp bến du thuyền hạng sang trên đảo nhân tạo cao cấp cũng là sự khác biệt.

Khu đô thị 15.000ha dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 75.000 người

Về khu đô thị mới thông minh diện tích khoảng 15.000 ha mà tỉnh Quảng Nam nhắc đến tại buổi gặp mặt hôm 29/3 thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực.

Quy hoạch chung đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt từ năm 2017. Đến năm 2022, tỉnh đã điều chỉnh thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến 2045, tổng diện tích 2.589,7ha.

Vì sao vùng đất 'Quảng Đà' sở hữu loạt dự án tỷ đô, tầm cỡ quốc tế dự kiến được tái hợp trong năm nay?- Ảnh 4.

Đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa sẽ tạo động lực phát triển mới cho vùng Đông Quảng Nam - Ảnh: Báo Quảng Nam

Vào tháng 10/2024, UBND huyện Duy Xuyên có tờ trình đề nghị hướng dẫn một số nội dung liên quan, trong đó, địa phương này đề nghị tỉnh Quảng Nam hướng dẫn một số nội dung về trình tự tổ chức thực hiện, nội dung hồ sơ đồ án quy hoạch đề xuất và kiến nghị họp bàn thống nhất một số nội dung liên quan đến đồ án Quy hoạch chung đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa nhằm hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định hiện hành.

Về dự báo quy mô dân số, theo quy hoạch đã phê duyệt thì đến năm 2020 có 20.000 người, đến 2030 là 25.000 người. Nội dung này được tỉnh Quảng Nam điều chỉnh mới đến năm 2030, dự báo quy mô dân số là 75.000 người và đến năm 2045 là 95.000 người.

Sau cuộc họp giữa tháng 3/2025 về hồ sơ đồ án quy hoạch chung đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa, ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giải quyết các vướng mắc, phát sinh, thực hiện nhanh việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước ngày 01/4/2025.

Vì sao vùng đất 'Quảng Đà' sở hữu loạt dự án tỷ đô, tầm cỡ quốc tế dự kiến được tái hợp trong năm nay?- Ảnh 5.

Bảng thống kê các chỉ số của Đà Nẵng - Quảng Nam trước khi sáp nhập

Thông tin tại buổi họp hôm 20/3 cho biết, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh (tổ chức của HĐND, UBND cấp tỉnh) trước ngày 30/6.

Theo dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Nội vụ đề xuất phải được lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn.