Các cảnh sát quận Asaminami (thành phố Hiroshima, Nhật Bản) nhảy điệu kawaii trong chiến dịch phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội. Ảnh: HP_Maplekun/X. |
Với vẻ ngoài nghiêm nghị và trang phục chỉnh tề, các nhân viên cảnh sát cùng nhau nhảy điệu kawaii. Video thuộc chiến dịch phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội của đồn cảnh sát Asaminami thu về nhiều kết quả tích cực, tờ Straits Times đưa tin.
Được đăng trên X (trước đây là Twitter) vào ngày 7/10, video đã thu được 10 triệu lượt xem và gần 100.000 lượt thích sau 5 ngày. Những viên cảnh sát nhảy múa trên giai điệu của bài ca cảnh báo lừa đảo được hát bằng chất giọng non nớt, dễ thương.
“Họ tán tỉnh bạn và làm trái tim bạn xao xuyến bằng câu ‘anh yêu em’. Họ giả vờ yêu đương rồi chiếm lấy lòng tin của bạn. Bạn gửi tiền và bạn bị lừa. Bạn không bao giờ lấy lại được tiền”, các em bé hát trong bài.
Bài hát do các em bé của trường mẫu giáo địa phương thực hiện sau 1 tháng luyện tập. Các em sau đó đã nhận được thư cảm ơn vì góp phần giúp chiến dịch nổi tiếng trên mạng xã hội.
Video đã nổi tiếng trong thời gian ngắn. Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng video có hiệu quả nhờ lời bài hát dễ nhớ và hình ảnh vui nhộn.
“Bài hát dễ nhớ và in hằn vào trí nhớ của tôi. Dù có muốn tôi cũng không quên được giai điệu này”, một người bình luận. “Hoạt động này chắc chắn hiệu quả hơn việc phát tờ rơi trên đường phố”, người khác nhận xét trên X.
100 cảnh sát ở tỉnh Hyogo cũng thực hiện chiến dịch chống lừa đảo bằng vũ điệu samba sôi động vào năm 2022. Ảnh: Yomiuri Shimbun. |
Đây không phải lần đầu tiên đồn cảnh sát ở Nhật Bản sử dụng âm nhạc để tuyên truyền phòng chống lừa đảo. Năm 2022, khoảng 100 cảnh sát ở tỉnh Hyogo đã cùng nhảy trên nền nhạc samba sôi động để lan truyền thông điệp tương tự.
Lời bài hát có những câu như: “Nếu bạn thấy nghi ngờ, hãy báo cho gia đình hoặc cảnh sát. Nếu bạn thấy nghi ngờ, hãy gửi tín hiệu SOS”. Video cũng được hưởng ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội khi vừa đăng tải.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.