Việc học không thể đứt đoạn

Trong khối công việc tái thiết ngồn ngộn, tâm điểm lúc này là một điều hết sức cần thiết: săn sóc sự học hành cho các em học sinh.

Việc học không thể đứt đoạn - Ảnh 1.

Bữa ăn có đủ thịt, rau của học sinh Làng Nủ sau những ngày mưa lũ thiếu thực phẩm - Ảnh: VŨ TUẤN

"Các em bé ở Xây thôn Làng Nủ mới trong 100 ngàyBuổi học đầu tiên sau bão lũ của gần 100 học sinh khu Làng NủChờ đợi những phép màu ở Làng Nủ và Phong Châu

Đơn giản bình dị lắm, mà cũng cần nhiều lắm sự chăm chút, yêu thương, cần nhiều lắm nguồn lực bền bỉ, như lời một bài hát: "Nào bàn nào ghế, nào sách nào vở/ Nào mực nào bút, nào phấn nào bảng/ Cả tiếng chim vui trên cành cây cao/ Cả lá cờ sao trong ánh thu vàng/ Yêu sao yêu thế trường của chúng em...".

Đã bao nhiêu năm nay, học sinh - thầy cô giáo - nhà trường luôn luôn đứng hàng đầu trong những mối quan tâm, hàng đầu trong những chương trình xã hội mà Tuổi Trẻ đã chọn làm một sứ mệnh song song với sứ mệnh làm báo của mình. Và chương trình tái thiết trường lớp sau bão Yagi ra đời cũng trong mối quan tâm thiết thực đó.

Trên bước đường tác nghiệp, những em bé chúng tôi gặp đều đang sống trong hoàn cảnh khó khăn - có khi là khắc nghiệt, đều vừa trải qua một tai họa - có khi là thảm khốc - như cơn lũ dữ vừa cuộn qua Làng Nủ, nhưng sức sống của tuổi thơ thì không gì so sánh được.

Rất nhanh thôi, ánh lấp lánh sẽ trở lại trong đôi mắt, trên môi cười. Rất nhanh thôi, bước chân các em sẽ lại tung tăng, tâm hồn các em sẽ lại rộng mở...

Đã bao lần chúng tôi chứng kiến rồi, và vì vậy, trường lớp nhất định phải nhanh ấm áp để đón bước tung tăng ấy, những chiếc cặp phải nhanh đủ đầy để chờ bàn tay ấy, những bài học phải nhanh được mở ra, được viết, được giảng để gặp tâm hồn ấy.

Không thể để đứt đoạn. Không thể để cơn lũ dữ đã gây mất mát cho cuộc đời, lại còn làm lỡ dở tương lai - dù chỉ là một em học sinh phải bỏ học.

Rất nhanh, sách vở bút mực thước kéo ba lô đồng phục giày dép... đã được trao đến các em. Niềm vui nhận quà có thể chưa xua tan hết nỗi bàng hoàng sau bão lũ nhưng đã thật sự là một niềm vui.

Và niềm vui này chắc chắn sẽ kéo theo được nhiều niềm vui khác, nhiều niềm hy vọng khác trong mỗi ngày trường lớp mở cửa trở lại, các em lật sách vở, cầm bút thước trở lại.

Trải qua bão lũ, chứng kiến sự tàn phá, vượt lên mất mát, mỗi em bé đều đã vụt lớn lên để biết rằng sự sống mong manh mà quý giá biết bao nhiêu, biết mình sẽ phải học - phải sống cả phần người bạn bàn bên vắng mặt vì lũ cuốn, biết mình phải học để biết cách bảo vệ gia đình - căn nhà - ngôi trường - làng bản của chính mình.

Rất nhiều thầy cô giáo, các em học sinh từ mẫu giáo, cấp I - II - III, sinh viên đại học đã đến tòa soạn Tuổi Trẻ những ngày qua.

Không chỉ là tiền, nguồn năng lượng trẻ trung, đầy sức sống của yêu thương và hy vọng như được gom góp vào sự chia sẻ, được gửi đi và đưa đến các vùng bị ảnh hưởng bão lũ, để từ đó, những trường lớp vừa ngập trong bùn đất lại hồi sinh, những em học sinh lại vui đến trường, những bước đường tương lai lại tiếp tục rộng mở.

Việc học không thể đứt đoạn - Ảnh 1.Bữa ăn có đủ thịt, rau của học sinh Làng Nủ sau những ngày mưa lũ thiếu thực phẩm

Bữa ăn có thịt và nhiều rau xanh. Hơn 100 em học sinh Làng Nủ ở bán trú ăn ngon lành sau những ngày mưa lũ, thiếu thực phẩm.