Vũ khí lỗi thời vẫn thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc trên chiến trường Ukraine: Phương Tây vội "quay xe"

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy những vũ khí từng được coi là lạc hậu vẫn không thể thiếu, và các nước NATO đang phải chạy đua để tái vũ trang.

Tờ Business Insider (Mỹ) đưa tin, vào tuần trước, Phần Lan trở thành quốc gia châu Âu mới nhất bãi bỏ lệnh cấm sử dụng mìn chống người đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia cũng đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Ottawa năm 1997 - trong đó cấm sử dụng, sản xuất và mua bán mìn chống người. Các quốc gia này đang nỗ lực củng cố biên giới với Nga bằng cách sử dụng mìn trong bối cảnh Điện Kremlin hướng nền kinh tế vào quân sự, và quan hệ với phương Tây xấu đi.

Vũ khí lỗi thời vẫn thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc trên chiến trường Ukraine: Phương Tây vội "quay xe"- Ảnh 1.

Trong khi cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy các ví dụ về công nghệ tiên tiến, nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các loại vũ khí như đạn pháo và mìn. Ảnh: AFP

Khi châu Âu bước vào "kỷ nguyên tái vũ trang", họ nhận ra rằng cần phải đầu tư vào công nghệ mà trước đây họ nghĩ là thừa thãi trong các cuộc chiến tranh công nghệ cao diễn ra nhanh chóng mà họ hình dung sẽ định hình thế kỷ 21.

Ukraine đã sử dụng mìn để làm chậm bước tiến của quân đội Nga ở phía đông và phía nam nước này đến mức bế tắc, và để chuyển hướng đối phương vào những khu vực mà lực lượng Ukraine có thể bảo vệ.

Trong khi các tên lửa dẫn đường chính xác tinh vi mà NATO cung cấp cho Ukraine dễ bị lực lượng Nga gây nhiễu tín hiệu dẫn đường, thì các loại đạn pháo thô sơ và rẻ tiền lại không có nhược điểm này.

Các đồng minh châu Âu của Ukraine đã tăng cường sản xuất đạn pháo. Nhưng vào tuần trước, Tướng Lục quân Mỹ Christopher Cavoli - chỉ huy đồng minh tối cao của NATO tại châu Âu - đã nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Nga đang trên đường xây dựng một kho đạn pháo "lớn gấp ba lần so với Mỹ và châu Âu cộng lại".

Trong một bài báo gần đây, Viện Royal United Services - một tổ chức nghiên cứu quốc phòng của Anh - cho biết các chính phủ châu Âu đã kỳ vọng các công ty quốc phòng tư nhân sẽ "giải quyết vấn đề" sản xuất đạn dược nhưng lại không cung cấp "bất kỳ động lực hoặc môi trường quản lý nào cho phép họ làm như vậy".

NATO đã lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh khác

Paul van Hooft - một nhà nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức tư vấn RAND Europe có trụ sở tại Anh - nói với Business Insider (BI) rằng mối đe dọa từ Nga rất khác so với những gì các nhà lãnh đạo quân sự phương Tây đã lên kế hoạch.

"Trong ba thập kỷ, vì quân đội phương Tây không tập trung vào chiến tranh trên bộ quy mô lớn và phòng thủ tập thể lãnh thổ NATO, nên những vũ khí này [như đạn pháo và mìn] không được coi là có giá trị, đặc biệt là ở Tây Âu", ông trả lời phỏng vấn BI qua email.

Nhà nghiên cứu van Hooft cho biết sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, các đồng minh NATO đã lên kế hoạch cho các cuộc chiến tranh chống lại các lực lượng dân quân như Taliban ở Afghanistan, nơi mà mìn và đạn pháo hầu như không có tác dụng rõ ràng.

Nhưng để tiến hành chiến tranh trên bộ chống lại một đội quân lớn đòi hỏi phải bảo vệ và giữ vững những vùng lãnh thổ rộng lớn. Van Hooft cho biết pháo binh có thể là công nghệ cũ nhưng nó sẽ hiệu quả hơn khi được sử dụng cùng với công nghệ giám sát mới hơn như máy bay không người lái.

Vũ khí lỗi thời vẫn thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc trên chiến trường Ukraine: Phương Tây vội "quay xe"- Ảnh 2.

Lính pháo binh Ukraine tại vùng Donetsk vào tháng 11/2022. Ảnh: Serhii Nuzhnenko

Cố vấn cấp cao Mark Cancian của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Bộ Quốc phòng và An ninh tại Washington, DC cho biết, khi cuộc chiến ở Ukraine trở nên tĩnh tại hơn, đạn pháo và mìn một lần nữa chứng tỏ là không thể thiếu.

"Những vũ khí này trở nên hữu ích, thậm chí là chiếm ưu thế, bất cứ khi nào tiền tuyến ổn định", ông nói. "Chúng khó sử dụng khi quân đội đang cơ động nhưng dễ sử dụng khi quân đội bế tắc và cố thủ."

Ở Ukraine, máy bay không người lái đã được sử dụng để giám sát chiến trường, xác định vị trí tập trung binh sĩ hoặc sở chỉ huy, và xác định chính xác vị trí cần nhắm mục tiêu bằng loạt đạn pháo.

Cố vấn Cancian cảnh báo các nhà hoạch định quân sự không nên "say mê những khái niệm hào nhoáng về chiến tranh tương lai" khi hàng tỷ đô la được đổ vào ngân sách quốc phòng châu Âu và các công ty khởi nghiệp công nghệ quân sự cạnh tranh để kinh doanh máy bay không người lái tiên tiến và vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).

"Việc bắn pháo, đạn dược không điều khiển vẫn đóng vai trò quan trọng", ông nói thêm. "Quan niệm cho rằng cuộc chiến tranh tiếp theo sẽ do các nhóm [tác chiến] nhỏ bắn đạn dược chính xác tiến hành đã không trở thành hiện thực".