Bài học đàm phán BTA Việt Nam - Mỹ 20 năm trước vẫn còn nguyên giá trị

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Thành viên Hội đồng tư vấn cho Thủ tướng trước bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng trên thế giới.

Thuế quan ngày càng siết chặt từ Mỹ đang trở thành hồi chuông cảnh báo với các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế cao do nghi vấn nguồn gốc xuất xứ, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn bị đặt câu hỏi về mức độ gắn kết với nền kinh tế nội địa.

Trong bối cảnh này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nâng tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng tại chỗ thông qua sự hợp tác thực chất với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Thuế cao không chỉ ảnh hưởng doanh nghiệp Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện có nghịch lý khi nhóm này vừa là nhà xuất khẩu lớn nhất, nhưng cũng đồng thời là nhà nhập khẩu lớn nhất.

Hơn 60% nhập khẩu của Việt Nam đến từ khu vực FDI, cho thấy các doanh nghiệp này chủ yếu dùng nguyên vật liệu nhập từ bên ngoài, trong khi tỷ lệ đầu vào từ Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ hơn 20%.

Điều này đặt ra câu hỏi: Kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển thế nào nếu không được tham gia sâu vào chuỗi cung ứng?

Nhiều nhà đầu tư biện minh rằng Việt Nam chưa phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng trên thực tế, như Samsung đã từng mang tới 60 nhà cung cấp phụ trợ từ nước ngoài vào, khiến doanh nghiệp Việt chỉ còn cơ hội làm những công đoạn đơn giản như in ấn, bao bì.

“Rõ ràng, nếu không có thiện chí hợp tác từ phía nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt sẽ không thể có cơ hội nâng cao năng lực sản xuất”, bà Lan nhấn mạnh.

Chính sách thuế của Mỹ, nhất là dưới thời Tổng thống Trump, vô hình trung đang tạo áp lực tích cực buộc các doanh nghiệp FDI phải nhìn lại.

Các nghiên cứu của Intel, Samsung đều cho thấy giá trị gia tăng tại Việt Nam còn rất nhỏ bé, khó có thể chấp nhận nếu muốn phát triển bền vững.

Hơn nữa, nếu mức thuế cao tiếp tục được duy trì, chính các tập đoàn như Samsung cũng chịu thiệt chứ không chỉ doanh nghiệp Việt, bởi sản phẩm xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động gần như nằm toàn bộ trong tay họ, trong khi đóng góp từ doanh nghiệp phụ trợ nội địa chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Ngoài ra, việc chứng minh rằng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam không phải để né thuế cũng trở nên cấp thiết.

Mỹ không chỉ nhìn vào con số xuất siêu, mà quan tâm tới nguồn gốc đầu vào, cho thấy Mỹ đang đặt yếu tố phi thuế cao hơn cả thuế quan trong xử lý thương mại với Việt Nam.

thue quan My anh 1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Việt Linh.

Tăng giám sát xuất xứ và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nội - ngoại

Trước sức ép từ các biện pháp phòng vệ thương mại và thuế quan của Mỹ, bà Lan cho rằng Việt Nam cần chủ động tăng cường cơ chế giám sát xuất xứ hàng hóa. Đây không chỉ là giải pháp ứng phó ngắn hạn, mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và nâng cao uy tín của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy Mỹ từng vào tận nơi kiểm tra ao nuôi cá tra, cá basa, hay đánh giá điều kiện lao động tại các nhà máy sản xuất giày Nike ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ phía Mỹ luôn sẵn sàng can thiệp sâu nếu nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại.

Việt Nam có thể tận dụng các tổ chức quốc tế uy tín, lấy ví dụ như Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) để tăng cường phối hợp và giám sát ngành nghề theo cách chuyên sâu và hiệu quả hơn. Với hơn 20 ủy ban chuyên ngành đang hoạt động, AmCham có thể đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ Việt Nam trong việc chứng minh tính minh bạch của chuỗi cung ứng và nguồn gốc hàng hóa.

“Hãy để chính những doanh nghiệp cạnh tranh với nhau thực hiện việc giám sát, cái nhìn sẽ khách quan, đúng và trúng vấn đề”, bà Chi Lan đưa đề xuất.

Ngoài ra, việc khuyến khích giám sát chéo giữa các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với nhau, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân trong nước với nước ngoài cũng là giải pháp cần thiết, giúp gia tăng sự tin cậy và giảm rủi ro trước các cáo buộc né thuế.

Về dài hạn, Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân nội địa.

Các tổ chức như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), AmCham và các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ, không chỉ trong đối thoại chính sách mà còn trong vận động hành lang và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo.

“Dù hiện nay Việt Nam có khoảng 350 hiệp hội doanh nghiệp, số tổ chức hoạt động thực chất còn ít. Nếu một nửa trong số đó được kích hoạt đúng vai trò, họ sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”, vị chuyên gia kinh tế chỉ ra.

Bà Lan đánh giá cao việc VCCI phối hợp cùng AmCham ngồi lại trao đổi và đồng soạn thảo thư gửi Bộ Thương mại Mỹ, coi đây là một phản ứng nhanh chóng và tích cực.

Trên thực tế, sự hợp tác giữa VCCI, AmCham, EuroCham cùng các phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương vốn đã được duy trì từ lâu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bà nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là phải làm sâu hơn, cụ thể hơn và hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần mở rộng sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng liên quan, để cùng ngồi lại bàn bạc và tìm ra phương án phối hợp tối ưu nhất cho từng lĩnh vực xuất khẩu cụ thể.

Việc thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nội - ngoại và cùng nhau vận động, minh bạch hóa chuỗi cung ứng là chìa khóa để Việt Nam duy trì xuất khẩu bền vững trong môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Thực tế, sau khi biết mức thuế quan 46% mà Mỹ công bố với hàng Việt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã chủ động phối hợp với các đối tác nước ngoài - đặc biệt là các nhà nhập khẩu Mỹ - để cùng vận động chính sách, làm rõ rằng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam không có yếu tố gian lận xuất xứ.

“Chúng ta đã có đoàn 200 doanh nghiệp Việt sang Mỹ để gặp gỡ đối tác, thảo luận trực tiếp và tìm tiếng nói chung trong xử lý rào cản thương mại. Đây là những hoạt động rất thiết thực, giúp tạo dựng niềm tin và cũng là minh chứng rõ ràng về cam kết tuân thủ thương mại công bằng của Việt Nam”, bà Lan chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh bài học từ quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) giữa Việt Nam và Mỹ cách đây hơn 20 năm vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các hiệp hội ngành hàng của Mỹ trong lĩnh vực giày dép, may mặc với phía Việt Nam đã đóng vai trò quyết định để mở cửa thị trường.

Điều này cho thấy việc thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nội - ngoại và cùng nhau vận động, minh bạch hóa chuỗi cung ứng là chìa khóa để Việt Nam duy trì xuất khẩu bền vững trong môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động.

Liên quan chính sách thuế quan "có qua có lại" mà chính quyền ông Trump áp dụng với 180 đối tác thương mại hiệu lực từ 9/4, đến rạng sáng 10/4 (giờ Việt Nam), tức chưa đầy 1 ngày, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ thông báo hoãn áp thuế 90 ngày với hầu hết quốc gia, trừ Trung Quốc.

Nhà Trắng sau đó làm rõ thông báo của Tổng thống Trump về việc “tạm dừng” thuế quan trong 90 ngày có nghĩa là “mức thuế quan đối ứng sẽ được hạ xuống bằng mức thuế chung là 10%”, trong khi “các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra”.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.