Nhiều người áp lực khi nhận thiệp mời liên tục. Ảnh: Hitched. |
Tháng 10, Quang Huy (24 tuổi, làm việc tại Hà Nội) nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty. Nỗi buồn thất nghiệp chưa nguôi, Huy lại dở khóc dở cười vì liên tục nhận thiệp mời cưới từ người quen.
“Tháng đó, mình nhận tới 4 tấm thiệp, tiền mừng cũng là cả một vấn đề. Người quen ‘bình thường' thì mình bỏ phong bì 300.000-500.000 đồng, thân hơn thì cũng 1-2 triệu đồng”, Quang Huy nói.
Không riêng Huy, áp lực tài chính trong mùa cưới là câu chuyện chung của nhiều người, nhất là khi mùa cưới lại trùng với dịp cuối năm.
Hết tiền vì đi ăn cưới
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Quang Huy cho biết anh bắt đầu nghỉ việc từ đầu tháng 10. Thu nhập từ công ty cũ không cao, chưa kể 2 tháng trước đó, anh phải nằm viện trong thời gian dài.
Số tiền tiết kiệm đã phải dùng hết cho thuốc men, viện phí, nên đến khi nghỉ việc, số dư của anh không còn nhiều, chỉ đủ chi trả tiền nhà, sinh hoạt phí trong khi tìm công việc mới.
Thế nhưng, thiệp mời tới tấp, tháng 10, riêng tiền mừng cưới của Huy là 2,3 triệu đồng. Chưa kể, các khoản chi phí như tiền xe cộ, nhà nghỉ khi đến đám cưới cũng không ít.
“Tháng đó, thậm chí mình phải đi vay tiền để đủ chi tiêu. Tận giữa tháng 11, mình mới tìm được công việc mới, nhưng tiếp tục nhận thêm 2 thiệp mời nữa”, Huy chia sẻ.
Không bị mất việc như Huy nhưng Anh Đức (26 tuổi, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh chi phí tăng gấp đôi, gấp ba vì liên tục nhập thiệp hồng từ tháng 9 đến nay. Trong 30 ngày vừa rồi, Đức đã chi gần 10 triệu đồng cho riêng việc mừng cưới.
“Mình đi 7 đám cưới, trong đó có 2 người bạn thân, tiền mừng cưới mỗi người 3,5 triệu đồng. Năm người còn lại, mỗi người 500.000 đồng", Đức cho biết từ giờ đến cuối tháng, anh còn 4 thiệp mời khác.
Nhưng tiền mừng là một chuyện, Đức cho hay chi phí ngoài cũng tốn thêm 3-4 triệu đồng nữa như tiền di chuyển đến các đám ở xa, đầu tư cho trang phục, đi tăng 2, tăng 3 sau đám cưới.
Trong 30 ngày vừa rồi, Đức đã chi gần 10 triệu đồng cho riêng việc mừng cưới. Ảnh: NVCC. |
Giống như Đức, chi phí cho trang phục cũng là khoản chi lớn với Nhật Lệ (25 tuổi, làm việc tại Hà Nội) khi mùa cưới tới.
Nữ nhân viên văn phòng cho biết một số đám sẽ yêu cầu thêm dress code. Nếu tủ đồ chưa có trang phục như yêu cầu, cô buộc phải mua thêm.
Bên cạnh đó, với tâm lý “đồ chỉ cần mặc lên, chụp ảnh xong là đã cũ" khiến Lệ nhiều lần rút hầu bao mua váy mới cho mỗi đám khác nhau. Cô dí dỏm nói rằng nhiều khi, tiền váy áo còn nhiều hơn tiền mừng.
“Mỗi lần như vậy, mình tốn thêm khoảng 500.000-1.000.000 đồng. Nếu đám cưới dồn dập quá, chỉ cách nhau vài ngày, mình sẽ chọn mặc lại những chiếc váy mua từ lâu để thay đổi, chứ chi nhiều thứ cùng lúc, mình cũng xót", Lệ cho hay.
Để vượt qua mùa cưới
Không chỉ tận dụng đồ sẵn có, Nhật Lệ cho biết cô cũng phải áp dụng nhiều cách để vượt qua mùa cưới một cách nhẹ nhàng, bớt áp lực chuyện tài chính cuối năm.
Nếu tháng nào nhiều đám, nữ nhân viên văn phòng sẽ chủ động cắt giảm các khoản không quá cần thiết như như cà phê, trà sữa để cân đối lại.
Trước khi mua đồ mới, cô cũng xem xét lại tủ quần áo, nếu thấy thiếu mới mua thêm, nhưng sẽ canh các dịp giảm giá. Trang phục cũng được lựa chọn tối giản hơn, có thể tái sử dụng trong các dịp khác.
Ngoài ra, Lệ cho rằng việc nói “không" cũng là cách để không bội chi khi nhiều đám dồn một lúc. Đối với cô, được mời cưới là chuyện vui, vậy nên cô rất vui vẻ đến chúc phúc cô dâu chú rể. Tuy nhiên, không phải hôn lễ nào được mời cô cũng tham dự.
“Có những người bạn cả 5-10 năm không nói chuyện, mình cũng nhận được thiệp mời. Những trường hợp như vậy, mình thường chỉ gửi phong bì hoặc lịch sự từ chối", Lệ chia sẻ.
Nói “không" cũng là cách để không bội chi khi nhiều đám cưới dồn một lúc. Ảnh: Pexels. |
Cùng quan điểm, Quang Huy cũng cho biết với những người thân thiết, anh không tính toán nhiều. Nhưng ngược lại, với người mời xã giao hoặc mời khách cho có, anh sẽ thẳng thắn từ chối mà không ngại việc mất lòng.
Huy kể có lần, một người bạn chỉ chung trường cấp 2 (không chung lớp) mời cưới. Nhưng thay vì gửi thiệp hay ít nhất là gọi điện, người bạn này lại gửi tin nhắn mời cưới qua… Facebook.
“Một đoạn tin nhắn được chuyển tiếp cho nhiều người, không có tên khách, đã thế còn sai chính tả. Mình cảm thấy thiếu chân thành và không được tôn trọng nên từ chối tham dự", Huy nói thêm.
Đối với Anh Đức, anh không nghĩ ngợi nhiều về chuyện tiền bạc khi bạn bè mời cưới vì hầu hết là mối quan hệ thân thiết, rất ít người xã giao. Nhưng khi các đám diễn ra cùng thời điểm, anh ít nhiều phải cân đối lại chi tiêu, đồng thời tìm cách tăng thu nhập.
“Đều là các khoản chi xứng đáng nên mình cũng không muốn cắt giảm. Thay vào đó, mình làm thêm việc khác để đa dạng nguồn thu, cũng là để chuẩn bị tài chính cho cả dịp Tết sắp đến chứ không riêng mùa cưới", Đức chia sẻ.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.