Vướng lệnh trừng phạt của Mỹ, siêu cường châu Á hết thời gom dầu giá rẻ của Nga, có nguy cơ hứng ‘cú sốc’ dầu mỏ, thiếu nửa triệu thùng/ngày

Các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ nhắm vào ngành năng lượng Nga tác động lớn đến Ấn Độ trong việc tiếp cận nguồn cung dầu mỏ giá rẻ.

Vướng lệnh trừng phạt của Mỹ, siêu cường châu Á hết thời gom dầu giá rẻ của Nga, có nguy cơ hứng ‘cú sốc’ dầu mỏ, thiếu nửa triệu thùng/ngày- Ảnh 1.

Ấn Độ đang phải đối mặt với mối đe dọa về cú sốc dầu mỏ sau khi Mỹ tung các lệnh trừng phạt lớn chưa từng có vào ngành dầu khí Nga.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất dầu và tàu chở dầu của Nga, tác động đến khả năng của Ấn Độ trong việc tiếp cận dầu thô giá rẻ của Nga. Điều này có thể khiến lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á tăng cao.

88% nhu cầu dầu của Ấn Độ là từ nhập khẩu, trong đó 44% có nguồn gốc từ Nga. Trung Quốc cũng mua lượng lớn dầu Nga nhưng có nguồn cung đa dạng hơn nên sẽ chịu tác động ít hơn.

Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên 183 tàu, chủ yếu là tàu chở dầu Nga. Mặc dù các tàu này được phép giao hàng cho đến giữa tháng 3/2025, nhưng các hạn chế này có thể khiến hoạt động nhập khẩu của Ấn Độ bị gián đoạn trong thời gian dài.

Hồ sơ thương mại cho thấy 75 trong số những tàu này từng vận chuyển dầu của Nga đến Ấn Độ, chiếm khoảng 30% lượng dầu thô mà các tàu chở dầu này vận chuyển vào năm 2024.

Lượng dầu mà Ấn Độ mua từ Nga đã tăng vọt trong những năm gần đây. Năm 2021, dầu Nga chỉ chiếm 12% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Đến cuối năm 2024, con số này đã tăng lên hơn 37% nhờ mức chiết khấu lớn mà Moscow đưa ra.

Các nhà phân tích năng lượng dự đoán các lệnh trừng phạt có thể gây thiếu hụt 500.000 thùng dầu mỗi ngày cho Ấn Độ. Mặc dù nguồn cung thay thế từ Trung Đông có thể giúp giảm thiếu hụt nhưng vẫn không sánh được với dầu thô Nga khi xét đến lợi thế chi phí.

Giá dầu toàn cầu đã tăng và có thể tăng thêm nữa nếu lệnh trừng phạt vẫn được duy trì. Đây là một vấn đề quan trọng đối với Thủ tướng Modi vì nền kinh tế Ấn Độ – vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng giá rẻ – đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu. Giá dầu tăng 10 USD một thùng dự kiến đẩy lạm phát tăng thêm 0,4%, làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trợ cấp của chính phủ để giúp bù đắp tác động trên có thể gây áp lực lên tài chính công.

Những thách thức trở nên trầm trọng khi đồng rupee Ấn Độ gần đây mất giá mạnh so với đô la Mỹ. Điều này chỉ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho việc nhập khẩu dầu. Giá tàu chở dầu cao càng làm tăng áp lực kinh tế.

Ấn Độ được dự đoán dẫn đầu nhu cầu dầu toàn cầu vào cuối năm nay. Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và giá cả phải chăng sẽ rất quan trọng để duy trì ổn định kinh tế của Ấn Độ.

Theo Bne IntelliNews