Xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam: Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Vương Hữu Tấn - nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi.

Trước hết, chúng ta đã rút ngắn được thời gian gần 20 năm để lựa chọn, tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân ở xã Vĩnh Hải và xã Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận).

Tuy nhiên, theo ông Tấn, khi quay trở lại đòi hỏi một khối lượng công việc rất lớn để có thể bắt tay vào xây dựng . Riêng với việc phê duyệt địa điểm, chủ đầu tư dự án sẽ phải khảo sát đo đạc bổ sung một số thông số liên quan địa điểm, cập nhật, hoàn thiện lại hồ sơ đánh giá địa điểm, báo cáo khả thi để trình Thủ tướng.

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam: Chuyên gia nói gì?- Ảnh 1.

Mô hình dự án điện hạt nhân (Ảnh minh họa)

“Việc sẵn sàng hạ tầng pháp lý và nguồn lực tiến hành thẩm định sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ của quá trình này. Các đơn vị cần căn cứ vào nhiệm vụ của mình để vạch ra những công việc cụ thể, có lộ trình triển khai rõ để chuẩn bị chu đáo nhất”, ông Tấn cho hay.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Như vậy, dự án ĐHN Ninh Thuận được khởi động lại sau 8 năm phải tạm dừng.

Cách đây 15 năm, vào năm 2009, dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Cũng theo ông Tấn, việc cần làm trước mắt là khẩn trương sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử, tạo hành lang pháp lý cho dự án điện hạt nhân. Trong giai đoạn trước, do chồng chéo, và vướng mắc trong các quy định đã gây những lo ngại đối với đối tác Nga, Nhật Bản, đặc biệt trong việc áp dụng các tiêu chuẩn của Việt Nam và nước ngoài đối với các loại công nghệ khác nhau. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo phải trình Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) trong kỳ họp sắp tới trong năm 2025 để giải quyết bất cập này; song để có dự thảo luật chất lượng, và có hướng dẫn rõ trong một thời gian ngắn, là áp lực không nhỏ đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng.

Một chuyên gia Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm một số nước cho thấy, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ, toàn diện và có lộ trình rõ ràng là rất quan trọng.

Theo vị này, hiện Trung Quốc là quốc gia làm dự án điện hạt nhân nhanh nhất và tốt nhất trên thế giới, nhưng cũng mất hơn 5 năm. Còn Nga là nước xuất khẩu các lò hạt nhân sang các nước nhiều nhất, nhưng thời gian xây dựng cũng không thể quá nhanh, vì luôn phải đảm bảo quy định và chất lượng công trình.

Chẳng hạn, dự án điện hạt nhân tại Belarus do Nga thực hiện, thời gian xây dựng cũng cần 6-7 năm; hay dự án tại Bangladesh bắt đầu khởi công xây dựng cuối năm 2017, và dự kiến năm 2025 sẽ nối lưới điện (khoảng 7 năm). Còn tại Mỹ, thời gian kéo dài cả chục năm, với một số nước đội vốn như Pháp, Phần Lan thời gian còn hơn 15 năm.

“Với những nước nhập khẩu công nghệ và nhất là dự án điện hạt nhân đầu tiên như nước ta, đây là áp lực lớn. Bởi chỉ riêng khâu chuẩn bị đã tốn nhiều thời gian. Muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải có giấy phép xây dựng nhưng để ra được giấy phép này trước đó phải có thiết kế kỹ thuật, đánh giá an toàn do cơ quan pháp quy hạt nhân quốc tế thẩm định, phê duyệt. Chỉ riêng thời gian này đã mất khoảng 2-3 năm”, vị này nói, đồng thời cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị đội ngũ pháp quy hạt nhân chất lượng, có phương án thẩm định kịp thời đúng quy định báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ phê duyệt địa điểm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm mức vốn đầu tư trong nước của điện hạt nhân với công nghệ thế hệ III và III+ từ nhiều quốc gia cho thấy, ở Mỹ, châu Âu là khoảng 6 triệu USD/MW, ở Trung Quốc, Ấn Độ là 2,7 triệu USD và ở Nga, Hàn Quốc khoảng 3-3,5 triệu USD.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2015, trung bình suất đầu tư danh nghĩa cho điện hạt nhân loại lò AES2006/V491 (Nga) cho Ninh Thuận 1 và AP 1000 Westinghouse (Mỹ) cho Ninh Thuận 2 là 5,06 triệu USD/MW. Đến nay tổng mức đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như quy mô công suất, yêu cầu công nghệ và đòi hỏi về các yếu tố an toàn.

Nếu Việt Nam vẫn chọn quy mô công suất 2x1.000 MW cho dự án điện hạt nhân đầu tiên, tổng mức đầu tư cho dự án ước khoảng 9,6 tỷ USD, do đó đòi hỏi cơ chế huy động nguồn lực rất lớn, đa dạng. Ngoài ra, sau mấy năm thua lỗ, cần có “cơ chế đặc thù” để Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) – chủ đầu tư dự án có thể huy động tài chính.