Yếu tố then chốt giúp dự án cảng hàng không đầu tư hơn 16 tỷ USD, lớn nhất Việt Nam hoàn thành đúng tiến độ

Dự án này đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm.

Yếu tố then chốt giúp dự án cảng hàng không đầu tư hơn 16 tỷ USD, lớn nhất Việt Nam hoàn thành đúng tiến độ- Ảnh 1.

Dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) là một dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của khu vực miền Nam Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư cho dự án sân bay Long Thành ước tính khoảng 336.630 tỷ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cảng hàng không lớn nhất Việt Nam.

Hiện tại, sân bay Long Thành đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm. Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai dẫn lời Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Sân bay Long Thành Hoàng Mạnh Chí cho biết, từ nay đến cuối năm 2025, dự án Sân bay Long Thành cần khoảng 3,4 triệu m³ đá, tương đương khoảng 600.000 m³/tháng.

Trên địa bàn tỉnh đang có 23 mỏ khai thác đá, phục vụ các dự án trọng điểm, với tổng công suất theo giấy phép đạt khoảng 20 triệu m³/năm. Tuy nhiên, do các mỏ vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, đầu tư, môi trường… nên công suất khai thác thực tế chỉ đạt khoảng 11,5 triệu m³/năm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng cục bộ.

Yếu tố then chốt giúp dự án cảng hàng không đầu tư hơn 16 tỷ USD, lớn nhất Việt Nam hoàn thành đúng tiến độ- Ảnh 2.

Phối cảnh Sân bay Long Thành

Để giải quyết tình hình, Chính phủ đã cho phép 14 mỏ đá đang cung ứng cho dự án được tăng 50% công suất khai thác so với giấy phép hiện có, đồng thời được tiếp tục khai thác trong khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Theo tính toán, nếu tất cả các mỏ cùng tăng 50% công suất, từ nay đến cuối năm 2025, sẽ có thêm hơn 4,2 triệu m³ đá, vượt hơn 822.000 m³ so với tổng nhu cầu của dự án.

Dù tổng khối lượng vượt nhu cầu nhưng một số chủng loại đá chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư. Cụ thể, hiện mới đáp ứng hơn 3 triệu m³, vẫn còn thiếu khoảng 416 ngàn m³ thuộc 4 chủng loại chính: Đá dăm 0x25mm, đá mi bụi và mi sàng, đá 1x2, đá 2x4. Ngoài ra, nếu các nhà thầu không tiếp nhận nguồn đá đã được phân khai từ cụm mỏ Thạnh Phú - Thiện Tân (dự kiến khoảng 310 ngàn m³) với lý do khoảng cách xa, tổng lượng đá thiếu có thể lên tới hơn 726.000 m³.

Bên cạnh đó, việc phân bổ khối lượng, ký hợp đồng và đưa đá về công trường chưa đạt yêu cầu. Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - một nhà thầu lớn cho hay, tính đến nay, công ty đã ký hợp đồng cung cấp 540.000 m³, trong đó khoảng 190.000 m³ vẫn chưa đưa về công trường. Các đợt phân bổ gần đây từ UBND tỉnh đã hỗ trợ thêm nguồn đá, nhưng vẫn còn thiếu, đặc biệt là chủng loại đá dùng cho kết cấu nền.

Yếu tố then chốt giúp dự án cảng hàng không đầu tư hơn 16 tỷ USD, lớn nhất Việt Nam hoàn thành đúng tiến độ- Ảnh 3.

Ảnh: H.Lộc

Từ thực tiễn triển khai cho thấy, việc gỡ "nút thắt" về nguồn cung đá xây dựng chính là yếu tố then chốt, mang tính quyết định giúp Dự án Sân bay Long Thành giữ vững tiến độ, đáp ứng mục tiêu "về đích" cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc mới đây với các sở, ngành, chủ mỏ và Ban Quản lý Dự án Sân bay Long Thành, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh khối lượng đã phân bổ, đã đưa về công trường và đề xuất điều chỉnh nếu cần.

Các chủ mỏ đá có trách nhiệm sớm hoàn thiện thủ tục về đất đai, đầu tư, môi trường để tỉnh xem xét, cấp phép tăng công suất. Toàn bộ khối lượng đá khai thác tăng thêm theo cơ chế đặc thù chỉ được sử dụng cho Sân bay Long Thành.