10 sự kiện kinh tế - chính trị thế giới năm 2024

Mời bạn đọc cùng Doanh Nhân Sài Gòn nhìn lại 10 sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội thế giới nổi bật trong năm 2024.

Quốc tế

10 sự kiện kinh tế - chính trị thế giới năm 2024

Khởi Vũ • 31/12/2024 11:00

Mời bạn đọc cùng Doanh Nhân Sài Gòn nhìn lại 10 sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội thế giới nổi bật trong năm 2024.

img_20241218_071242_658.jpg

BRICS tiếp tục mở rộng

Đầu năm nay, Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất chính thức trở thành thành viên của BRICS (nhóm 5 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Sau kết nạp 4 thành viên ấy, BRICS được gọi là BRICS+, chiếm đến 46% dân số thế giới, 29% GDP toàn cầu tính theo danh nghĩa và 37% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP).

Cuối tháng 10/2024, hội nghị thượng đỉnh của khối theo định dạng mở rộng (BRICS+) đã diễn ra tại Nga. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Pankin, BRICS đã trao tư cách đối tác cho Indonesia, Malaysia và Thái Lan - ba nền kinh tế Đông Nam Á trước đó đã bày tỏ nguyện vọng trở thành thành viên BRICS. Cuba và Bolivia dự kiến sẽ gia nhập BRICS với tư cách nước đối tác vào ngày 1/1/2025.

Chiến sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ tư

Chiến sự Nga - Ukraine đã trải qua 1.000 ngày và sắp bước sang năm thứ tư mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Xung đột kéo dài gây ra nhiều hệ lụy về con người, kinh tế, từ giá năng lượng tăng đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Nga và Ukraine đều chịu tổn thất nặng nề trên nhiều phương diện, trong khi phương Tây đối mặt với sức ép từ chi phí hỗ trợ quân sự và nhân đạo. Năm nay, khả năng chấp thuận đám phán phụ thuộc đáng kể vào sự thay đổi trong các điều kiện và lập trường của hai bên, cũng như vai trò trung gian của các bên thứ ba.

AI bắt đầu được ứng dụng hiệu quả

Nếu 2023 là năm thế giới nhận ra AI tạo sinh có thể làm được gì, thì 2024 là năm nó bắt đầu được sử dụng và mang về giá trị cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, giá trị của thị trường AI trên toàn cầu đạt 279 tỷ USD, tăng 80 tỷ USD từ năm 2023, chủ yếu do tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào thực tế.

Việc ứng dụng AI tạo sinh năm 2024 tăng 17% so với 2023 nhờ tiến bộ về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tăng cường tích hợp vào chatbot lẫn công cụ tự động hóa. Cùng với sự phát triển của AI, việc thúc đẩy sử dụng AI an toàn, có trách nhiệm cũng được triển khai trên toàn thế giới.

Israel - Hamas: Một năm giao tranh khốc liệt

Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023, chiến tranh giữa hai bên đã lan rộng ra cả khu vực Trung Đông. Giao tranh tiếp tục trở nên khốc liệt trong năm qua, với nhiều vòng đàm phán ngừng bắn rơi vào ngõ cụt và các nghị quyết ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phớt lờ.

Hiện, tình hình chiến sự đã tạo ra áp lực lớn với nền kinh tế Israel, khiến cho dải Gaza lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Ước tính, chi phí phát sinh từ cuộc chiến có thể lên tới 66 tỷ USD vào cuối năm 2025, tương đương 12% GDP Israel.

Năm và ngày nóng nhất lịch sử

Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) xác nhận 2024 là năm nóng nhất lịch sử. Đây là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Năm nóng nhất ghi nhận trước đó là 2023. Đồng thời, ngày 21/7/2024 là ngày nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.

Năm 2024, thời tiết cực đoan tiếp tục hoành hành khắp thế giới, với hạn hán nghiêm trọng tấn công Ý, Nam Mỹ; lũ lụt ở Nepal, Sudan và châu Âu; nắng nóng ở Mexico, Mali; bão thảm khốc ở Mỹ và Philippines. Theo C3S, nhiệt độ cao bất thường dự kiến kéo dài ít nhất tới vài tháng đầu năm 2025.

Căng thẳng Trung Quốc - EU và nguy cơ thương chiến

2024 là năm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và EU, đẩy cả hai tiến gần hơn tới bờ vực của một cuộc thương chiến. EU ngày càng lo ngại công ăn việc làm và các ngành công nghiệp chiến lược của các quốc gia thành viên có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.

EU đã mở điều tra trợ cấp đối với turbine gió và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. EU cũng đã hoàn tất cuộc điều tra kéo dài 8 tháng nhằm vào việc Trung Quốc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô điện.Mới đây, EU đã áp thuế 35% lên ô tô điện nhập từ Trung Quốc, sau khi phát hiện các nhà sản xuất nước này “hưởng trợ cấp nhà nước không công bằng”. Đáp lại, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách điều tra về rượu mạnh, thịt heo và sữa của EU.

Doanh số ô tô điện toàn cầu lập kỷ lục

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Rho Motion, tháng 11/2024, doanh số ô tô điện và hybrid trên toàn thế giới đã trải qua tháng thứ bảy tăng trưởng và mức cao kỷ lục tháng thứ ba liên tiếp. Riêng tháng 11, tổng ô tô điện bán ra toàn cầu là 1,83 triệu xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số ô tô điện bán ra trong năm nay là 15,2 triệu chiếc.

Trung Quốc dẫn đầu tăng trưởng khi chiếm gần 70% doanh số bán xe điện trong tháng 11/2024, trong khi số lượng đăng ký xe tại châu Âu giảm nhẹ. Sau 11 tháng của năm 2024, tổng doanh số ô tô điện toàn cầu đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

NVIDIA: Công ty giá trị nhất thế giới

NVIDIA là một trong những cái tên hưởng lợi nhiều nhất từ AI. Năm qua, doanh thu của công ty này tăng vọt khi hàng loạt “ông lớn” công nghệ như Google, Microsoft, Meta, Amazon mua hàng tỷ USD chip đồ họa. Là nhà cung cấp đơn vị xử lý đồ họa (GPU) hàng đầu thế giới, NVIDIA được sử dụng trong việc phát triển phần mềm AI tiên tiến như ChatGPT của OpenAI.

Năm năm qua, cổ phiếu của NVIDIA đã tăng hơn 2.700%, với doanh thu tăng gấp đôi qua từng quý, trong đó ba quý gần nhất mức tăng gấp ba lần - sự tăng trưởng đã giúp NVIDIA dẫn đầu cuộc đua AI toàn cầu.

FED hạ lãi suất sau hơn 4 năm

Trung tuần tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây là lần hạ lãi suất đầu tiên của cơ quan này kể từ năm 2020, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt. Hành động của FED cũng cho thấy quan ngại ngày một lớn với thị trường lao động Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách của FED cho biết, dự kiến hạ lãi suất 4 lần trong năm 2025 và thêm 2 lần nữa trong năm 2026.

Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ duy nhất đảm nhận hai nhiệm kỳ không liên tiếp kể từ năm 1892. Không chỉ giành được “chìa khóa” vào Nhà Trắng, Đảng Cộng hòa còn giữ thế đa số tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện, lặp lại lịch sử “ăn ba” năm 2016 khi ông Trump lần đầu đắc cử Tổng thống Mỹ.

Theo giới phân tích, nhiệm kỳ hai của ông Trump sẽ tiếp tục được định hình bởi các cuộc chiến thương mại và lần này cuộc chiến khí đốt có thể sẽ tăng cường độ. Trong trả lời phỏng vấn với NBC News, ông Trump cho biết ưu tiên vấn đề nhập cư và khẳng định sẽ trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, bắt đầu từ những người có tiền án tiền sự.