Bị áp thuế cao, Trung Quốc vẫn ngại phản đòn

Trung Quốc tránh kích hoạt cuộc chiến thương mại toàn cầu vì kinh tế nước này khó chịu đựng nổi hậu quả.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13-9 đã tăng thuế áp lên số hàng hóa trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc, trong đó có mức thuế 100% đối với xe điện và 25% đối với pin xe điện. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 27-9.

Vào ngày 1-10 tới, mức thuế 100% mà Canada áp lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ có hiệu lực. Đó là chưa kể mức thuế lũy tiến 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 15-10. 

Không chỉ vậy, các nguồn tin truyền thông cho biết dù Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mức thuế quan dự kiến đối với ô tô điện Tesla sản xuất tại Trung Quốc, song vẫn giữ nguyên các mức thuế mang tính trừng phạt khác - được đề xuất vào tháng 7 vừa qua - đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. 

Ủy ban châu Âu trước đó cho biết sẽ áp thêm thuế tối đa 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xe điện tại nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á của hãng BYD (Trung Quốc), đặt ở TP Rayong - Thái Lan  Ảnh: REUTERS

Xe điện tại nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á của hãng BYD (Trung Quốc), đặt ở TP Rayong - Thái Lan Ảnh: REUTERS

Liên tiếp bị các nền kinh tế lớn áp thuế mạnh tay lên hàng hóa, đặc biệt là xe điện, pin, tấm pin mặt trời, thép, nhôm… trong nhiều tháng qua nhưng Trung Quốc dường như tránh phản ứng mạnh tay, kể cả khi nước này thông báo khởi động điều tra "chống phân biệt đối xử" để đáp trả Canada hôm 9-9. 

"Tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc không tốt. Nước này hiểu rõ hậu quả nặng nề của chiến tranh thương mại. Tôi nghĩ họ không có ý định khơi mào thương chiến với bất cứ nền kinh tế nào, đặc biệt là EU, bởi đó là cuộc chơi mà cả hai bên đều thua" - TS Chen Bo, chuyên gia về kinh tế của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở TP Vũ Hán - Trung Quốc, nhận định với kênh Channel News Asia. 

Tương tự, chuyên gia luật Henry Gao của Trường ĐH Quản lý Singapore đánh giá kinh tế Trung Quốc "yếu hơn nhiều so với 2 năm trước". Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 5%. Quý II vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp xa so với kỳ vọng.

Giới phân tích cho rằng giữa Trung Quốc và EU có thể có thỏa hiệp. TS Chen cho biết EU đầu tư đáng kể vào lĩnh vực xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc, với sự tham gia sâu rộng của các công ty lớn như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz. 

Trung Quốc chiếm khoảng 30% doanh số của các hãng ô tô Đức trong quý I năm nay. Cả Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, lẫn Mercedes-Benz, BMW đều bày tỏ lo ngại trước các mức thuế mà EU đưa ra.

 "EU vẫn có thể áp đặt một số loại thuế quan đối với xe điện Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cam kết giảm trợ cấp cũng như cho phép nông sản EU vào Trung Quốc mà không áp thêm thuế" - TS Chen nói về khả năng thỏa hiệp kể trên.

Ngược lại, tranh chấp giữa Trung Quốc và Canada có thể nghiêm trọng hơn, bởi hai nước vốn đã căng thẳng từ sau vụ Canada bắt Giám đốc tài chính của Huawei là bà Meng Wanzhou theo yêu cầu của Mỹ vào năm 2018. 

Dù vậy, bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis (Pháp), tin rằng Trung Quốc "khó lòng trả đũa mạnh tay như họ tưởng" với Canada, một phần vì nền kinh tế Canada rất mạnh. 

Mặt khác, Trung Quốc cũng thấm thía cảnh bị phản đòn khi trừng phạt kinh tế Úc và Hàn Quốc trước đây. Chẳng hạn, năm 2020, Trung Quốc cấm nhập khẩu hoặc đánh thuế nặng nhiều mặt hàng của Úc do căng thẳng địa chính trị. 

Tuy đến nay đã chấm dứt các biện pháp này - mặt hàng cuối cùng được dỡ bỏ thuế là rượu vang của Úc vào tháng 3 năm nay, song vụ việc không chỉ khiến các nhà sản xuất Úc đi tìm những thị trường mới ở Đông Nam Á mà còn khiến nhiều nước khác dè chừng trong việc đặt trọng tâm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Đông Nam Á hưởng lợi?

Các nhà phân tích nhận định bất kỳ cuộc chiến thương mại nào giữa Trung Quốc và phương Tây chắc chắn đều có tác động lan rộng và Đông Nam Á là bên tìm cách hưởng lợi.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này trong 14 năm liên tiếp và các quốc gia Đông Nam Á có thể hưởng lợi theo một số cách. Ông Warwick Powell, chuyên gia tại Trường ĐH Công nghệ Queensland (Úc), cho rằng trước hết là nắm bắt được lượng hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc với giá thấp. Tiếp đến, các công ty Trung Quốc có thể mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á để từ đó xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ.

Ông Chen Bo, giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc), nhận định nếu đòn trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh mạnh đến mức buộc các nguồn lực của Trung Quốc và của nước ngoài đặt tại Trung Quốc phải chuyển một phần hoạt động sản xuất ra bên ngoài thì lựa chọn tự nhiên hoặc dễ dàng nhất sẽ là Đông Nam Á.

Trong tương lai, các loại xe điện mới của Trung Quốc cũng có thể được xuất khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á sang EU và Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra thách thức cho các nhà sản xuất xe điện trong khu vực.

Ngay cả khi Trung Quốc cố xoay trục và chuyển hướng xuất khẩu nhiều hơn đến Đông Nam Á, Bắc Kinh cũng đối mặt với phản ứng trong khu vực. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang cân nhắc đánh thuế cao đối với hàng dệt may nhập khẩu.

Thái Lan cũng lo ngại trước sự gia tăng gần đây của sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc khi cho rằng các nhóm ngành công nghiệp nội địa không thể cạnh tranh. Ngoài ra, Malaysia vào tháng 8 mở cuộc điều tra chống bán phá giá riêng đối với hàng nhập khẩu nhựa từ Trung Quốc.

Xuân Mai