Các công ty ồ ạt 'phá giá' xe điện ở thị trường Trung Quốc: Không yêu cầu thanh toán trước, chỉ duy trì lãi suất 0% suốt 5 năm

Suy thoái đang làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Các công ty xe điện tại Trung Quốc chào đón năm Ất Tỵ bằng hàng loạt ưu đãi dành cho người tiêu dùng. Liz Lee, phó giám đốc tại Counterpoint Research, cho biết sự yếu kém trong các chỉ số tiêu dùng Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng các nhà sản xuất ô tô có thể không bán hết lượng xe tồn kho.

“Vào khoảng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các hãng bắt đầu những chương trình khuyến mãi mạnh mẽ. Để xem nó kéo dài được bao lâu”, ông nói.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài từ ngày 28 tháng 1 đến ngày 4 tháng 2 tại Trung Quốc. Ngay từ tháng 1, Bắc Kinh đã phát hành 81 tỷ nhân dân tệ (11,12 tỷ USD) hỗ trợ tiêu thụ ô tô điện, điện thoại thông minh và đồ gia dụng trong kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Vào thứ tư, ngày làm việc chính thức đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, Tesla công bố khoản trợ cấp bảo hiểm 8.000 nhân dân tệ, thậm chí lên kế hoạch duy trì lãi suất 0% trong 5 năm cho mẫu xe rẻ nhất của mình, Model 3. Nhà sản xuất ô tô Mỹ cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái nhưng cảnh báo về áp lực cạnh tranh.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Trung Quốc Xpeng xóa bỏ hoàn toàn các khoản thanh toán trước, đồng thời cung cấp thỏa thuận tài chính không tính lãi suất trong 5 năm cho bốn mẫu xe. Hãng nhấn mạnh trong một hashtag trên mạng xã hội rằng mình là nhà sản xuất ô tô duy nhất không yêu cầu thanh toán trước và chỉ duy trì mức lãi suất 0%.

Chương trình khuyến mãi mới là bước tiến lớn so với chương trình cho vay lãi suất 0% trong 3 năm mà công ty đã triển khai vào tháng 1. Đối thủ cạnh tranh Li Auto vào tháng 11 cũng đã công bố kế hoạch lãi suất 0% trong 3 năm.

Stephen Dyer, đối tác kiêm giám đốc điều hành, đồng lãnh đạo của Greater China tại công ty tư vấn AlixPartners, cho biết các ưu đãi mới nhất là “đáng kể”, trong bối cảnh một số công ty xe điện lớn của Trung Quốc báo cáo mức giảm mạnh về lượng giao hàng trong nước vào tháng 1 so với tháng 12. Ngay cả công ty lớn nhất, BYD, cũng chứng kiến doanh số bán xe chở khách giảm xuống còn 296.446 xe vào tháng 1 từ 509.440 xe vào tháng 12.

Dyer cho biết: “Hiện tại, có một chút rung lắc bắt đầu. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy năm nay rung lắc nhiều hơn nữa”.

Sự suy thoái đang làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi các công ty trong nước ồ ạt giảm giá còn các thương hiệu nước ngoài vật lộn thích nghi. Dòng xe năng lượng mới, bao gồm xe chỉ chạy bằng pin và xe hybrid, hiện chiếm hơn 50% số xe du lịch được bán ra tại Trung Quốc.

Theo dự đoán của Counterpoint, thị phần xe năng lượng mới trên thị trường xe du lịch của Trung Quốc có khả năng sẽ tăng từ khoảng 50% năm nay lên 86% vào năm 2035. Lee hy vọng nhiều thương hiệu quốc tế sẽ sớm tung ra các ưu đãi riêng cho người mua xe Trung Quốc, song cũng cảnh báo những chương trình khuyến mãi nói chung sẽ chỉ kéo dài 1-2 tháng và những người sống sót cuối cùng vẫn sẽ là các thương hiệu địa phương.

Dyer cho biết, năm ngoái, 20 thương hiệu xe năng lượng mới đã ngừng hoạt động tại Trung Quốc, trong khi 13 thương hiệu mới gia nhập thị trường. Phần lớn những công ty mới tham gia cũng như đóng cửa đều là các công ty Trung Quốc.

Được biết, sau quãng thời gian tăng trưởng, thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt. Giấc mơ sản xuất xe điện đang dần lụi tắt khi có đến gần 2/3 nhà sản xuất xe điện tại quốc gia này đã phải rời khỏi thị trường và chỉ hơn 10% trong số các công ty thực sự bán được hàng.

Đằng sau những con số bùng nổ là khoản thua lỗ khổng lồ. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc phải đối mặt với cuộc chiến giá cả khốc liệt và áp lực nhanh chóng ra mắt các mẫu xe giá rẻ mới. Tất cả khiến nhiều lãnh đạo ngành xe điện đưa ra những dự báo ảm đạm.

“Trong số 300 công ty khởi nghiệp ban đầu, chỉ 100 công ty sống sót. Hiện nay, chưa đến 50 công ty còn tồn tại và chỉ khoảng 40 công ty thực sự bán được xe mỗi năm”, ông Xiaopeng,CEO Xpeng, nói.

Mới đây nhất, Jiyue, liên doanh giữa 2 tập đoàn khổng lồ là Geely và Baidu, vừa bất ngờ tuyên bố giải thể chỉ vài ngày sau khi tin đồn về tình trạng khó khăn của công ty bắt đầu lan truyền. Sự sụp đổ chóng vánh gây ra một cú sốc cho ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc vốn đã cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Jiyue, trước đây được biết đến với tên gọi Jidu Auto, là một liên doanh giữa gã khổng lồ công nghệ Baidu (nắm giữ 55% cổ phần) và tập đoàn sản xuất ô tô Geely (45% cổ phần). Thương hiệu này vốn đã phải đối mặt với những vấn đề tài chính gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh, cuối cùng phải hoãn toàn bộ dự án, cắt giảm nhân sự và sáp nhập phòng ban. Một số nguồn tin còn cho biết Jiyue thậm chí không còn tiền đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên.

Khi tin đồn xuất hiện, đại diện thương hiệu Jiyue nhanh chóng thừa nhận tình hình khó khăn tài chính của công ty nhưng phủ nhận việc phá sản. “Jiyue đang gặp một số khó khăn vì vậy cần cắt giảm phòng ban và dự án thừa để nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Xia Yiping, CEO của Jiyue, trấn an nhân viên.

Jiyue không phải nạn nhân duy nhất của cuộc chiến xe điện mới. Sự thất vọng của những người tiêu dùng lớn dần, trong bối cảnh ngành công nghiệp đang có sự thay đổi chóng mặt.

“Tại thị trường Trung Quốc, hầu hết các nhà sản xuất xe điện đều lỗ do cạnh tranh khốc liệt. Giá lithium đắt đỏ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh tồi tệ, song ngay cả khi giá vật liệu này không tăng lên, lợi nhuận các công ty này vẫn rất tiêu cực”, một nhà phân tích tên Gong nói.

Theo: CNBC, Rest of World