Chiến lược salami của ông Biden ở Ukraine và nỗ lực xác định lằn ranh đỏ của Nga

Một bài học lớn rút ra từ chính sách Ukraine của chính quyền ông Biden là việc đánh giá thành công của một chiến lược thường phức tạp hơn vẻ bề ngoài.

Bất đồng xoay quanh chiến lược salami của chính quyền ông Biden

Khi đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị rời đi, một trong những chiến lược chính sách đối ngoại chính của họ đối mặt với sự công kích dữ dội. Nhóm chỉ trích ngày càng đông đảo và những người này tin rằng, tình hình tồi tệ hiện tại của Ukraine một phần là do cách tiếp cận "rụt rè" của ông Biden trong việc hỗ trợ Kiev tự vệ trước chiến dịch quân sự của Moscow. Lo ngại sâu sắc về nguy cơ bùng nổ Thế chiến III, chính quyền ông Biden đã do dự tiến hành các đợt chuyển giao vũ khí nhanh chóng và quy mô lớn có thể làm thay đổi tiến trình của xung đột vào những thời điểm quan trọng.

Chiến lược salami của ông Biden ở Ukraine và nỗ lực xác định lằn ranh đỏ của Nga- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cũng có các ý kiến cho rằng các chỉ trích trên đã sai. Kết luận của họ rằng chính quyền ông Biden đánh giá quá cao rủi ro leo thang đã xem nhẹ mức độ khó khăn khi vượt qua các lằn ranh đỏ trong cuộc khủng hoảng và tính toán của đối thủ. Cho dù có chủ định hay không, cách tiếp cận của chính quyền ông Biden giống như chiến lược cắt lát salami, một chiến lược phổ biến mà theo đó, một bên tìm cách vượt qua các lằn ranh đỏ của đối thủ theo từng bước nhỏ, đến mức bất kỳ hành động trả đũa nào cũng trở nên không hợp lý.

Có người cho rằng chiến lược này đã được Washington thực hiện thành công nhưng cũng có người cho rằng chính quyền ông Biden trở thành nạn nhân cho chính thành công của mình. Việc không có những leo thang lớn ở Ukraine đã khiến những người chỉ trích tin rằng chính quyền ông Biden nên táo bạo hơn và từ bỏ chính sách do dự để giúp ngăn chặn sự leo thang ngay từ đầu.

Một chủ đề cốt lõi xuyên suốt nhiều lời chỉ trích về chính sách Ukraine của ông Biden là các quan chức cấp cao đã quá tin vào các ranh giới đỏ đã nêu của Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Putin đã đưa ra nhiều cảnh báo nhằm ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây. Chúng bao gồm từ các mối đe dọa chung chung liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cho đến các mối đe dọa cụ thể hơn về cách Moscow sẽ phản ứng nếu các nước phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa. Đôi khi, Moscow đưa ra những lời đe dọa ngấm ngầm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các ranh giới đỏ bị vượt qua.

Mặc dù những người chỉ trích ông Biden tin rằng những đe dọa này chỉ là những lời nói suông nhưng họ hiếm khi nêu rõ ranh giới đỏ thực sự của ông Putin là gì, nếu có. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản cho rằng vì Mỹ thường vượt qua các ranh giới mà Nga thiết lập nhưng không gây ra sự leo thang lớn nên việc tiến xa hơn và nhanh hơn là điều hợp lý. Cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ Illinois Adam Kinzinger và ông Ben Hodges, người từng là Chỉ huy của Quân đội Mỹ tại Châu Âu, đã viết trong một bài bình luận vào tháng 5/2024 trên CNN rằng: "Trong hầu hết mọi trường hợp này, Nga đều đe dọa leo thang, tấn công NATO hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng đó chỉ là những lời nói suông và Ukraine lẽ ra có thể bảo vệ lãnh thổ của mình tốt hơn... Hãy tưởng tượng nếu chúng ta cung cấp cho Ukraine tất cả các vũ khí mà họ yêu cầu ngay từ đầu? Xung đột có thể đã kết thúc".

Nỗ lực xác định lằn ranh đỏ của Nga và tránh leo thang xung đột

Vấn đề là các ranh giới đó và ngưỡng leo thang không được xác định cụ thể và cố định. Chúng là những mục tiêu biến động phát sinh bên trong các cuộc xung đột. Một thứ từng được coi là ranh giới đỏ tại một thời điểm cụ thể có thể không phải lúc nào cũng vậy.

Trong trường hợp của Ukraine, những hành động có thể bị coi là vượt qua lằn ranh đỏ ngay từ đầu xung đột, chẳng hạn như công khai cung cấp vũ khí có thể vươn tới lãnh thổ Nga, có khả năng ít bị cấm kỵ hơn theo thời gian khi bối cảnh thay đổi. Cần phải nhớ rằng ông Biden đã nới lỏng hạn chế với việc sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS chỉ sau khi Ukraine đã hoạt động trên lãnh thổ Nga và sau các cáo buộc cho rằng quân đội Triều Tiên đang được triển khai tới tiền tuyến với số lượng lớn.

Trong những trường hợp hiếm hoi khi những người chỉ trích đề cập rõ ràng đến ranh giới đỏ của Nga, họ định nghĩa chúng một cách cực kỳ hẹp. Ý tưởng cơ bản là sự tham gia công khai và trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột là điều duy nhất thực sự nằm ngoài giới hạn đối với Tổng thống Putin.

Khi các cuộc phản công dữ dội của Ukraine tại Kharkov và Kherson diễn ra vào mùa thu năm 2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn tiếp tục kêu gọi Washington cung cấp cho Kiev các tên lửa tầm xa hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của tác giả Bob Woodward trong cuốn sách "War" của ông vào tháng 10/2024, trong thời gian đó, Washington đã nhận được thông tin tình báo "rất nhạy cảm và đáng tin cậy" dựa trên "các cuộc trò chuyện bên trong Điện Kremlin" rằng Tổng thống Putin "đang nghiêm túc cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật". Nếu 30.000 quân Nga ở Kherson đối mặt với tình trạng bị bao vây, tình báo Mỹ đặt cược 50% ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tránh tổn thất lực lượng.

Các nhà phân tích bên ngoài chính phủ Mỹ cũng xác định thêm một số kịch bản nguy hiểm có thể dẫn đến leo thang hạt nhân, bao gồm việc phóng thử vũ khí trên Biển Đen. Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio đã nêu ra viễn cảnh Tổng thống Putin có thể ra lệnh tấn công các trung tâm trung chuyển để tiếp tế từ phương Tây.

Chính quyền Mỹ với việc coi mối đe dọa leo thang là đáng tin cậy, đã tăng tốc hành động để ngăn chặn Nga. Họ gửi những thông điệp kín tới Tổng thống Putin và đội ngũ an ninh quốc gia của ông, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra cảnh báo công khai về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như xây dựng phản ứng tiềm năng đối với việc triển khai chúng.

Chiến lược salami của ông Biden ở Ukraine và nỗ lực xác định lằn ranh đỏ của Nga- Ảnh 2.

Sự do dự của chính quyền Tổng thống Biden trong việc hành động quyết đoán hơn - vì sợ Nga leo thang để đáp trả những tổn thất lớn trên chiến trường - chính là điều khiến những người chỉ trích thất vọng. Họ cho rằng làm sao Ukraine có thể giành chiến thắng nếu tay họ bị trói, đặc biệt khi họ bị đối phương dồn vào đường cùng?

Việc điều hướng nhiều lằn ranh đỏ của Nga vẫn là một thách thức trong suốt cuộc xung đột.

Trong cuốn "Vũ khí và Ảnh hưởng", nhà kinh tế học và là người đoạt giải Nobel Thomas Schelling mô tả chiến thuật salami là một quá trình dần thay đổi hiện trạng. Theo đó, người ta có thể bắt đầu tấn công ở quy mô nhỏ để tạo ra phản ứng và tăng dần theo mức độ khó có thể nhận thấy, đồng thời không bao giờ thực sự tạo ra một thách thức đột ngột. Khái niệm này thường được áp dụng cho bên đang cố gắng đạt được lợi ích nhỏ trong khi tránh xung đột trực tiếp. Trên thực tế, chiến lược này có khả năng áp dụng rộng lớn, bao gồm cả với những bên muốn bảo vệ hiện trạng và tìm cách quản lý sự leo thang.

Việc hỗ trợ nhỏ giọt cho Ukraine về mặt quân sự của phương Tây đã giúp Nga dần điều chỉnh theo hiện trạng mới trong khi Kiev nhận được các phương tiện chiến đấu và đạn dược ngày càng có độ nguy hiểm tăng dần.

Về mặt tâm lý, các nhà quan sát cũng cho rằng cách tiếp cận cắt lát salami là đáng tin cậy. Nhiều thập kỷ cho thấy mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tránh tổn thất hơn là đạt được lợi thế tương đương. Tốc độ và quy mô tổn thất càng lớn thì mức độ chấp nhận rủi ro càng cao.

Một số nhà phân tích đánh giá, chiến lược salami là một chiến lược khôn ngoan khi xét đến sự không chắc chắn về mức độ lan rộng trong lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin. Những chiến thuật như vậy cũng hữu ích trong trường hợp chính quyền ông Biden tin rằng họ đang tiến đến lằn ranh đỏ thực sự, chẳng hạn như quyết định cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga bằng tên lửa HIMARS gần Kharkov hồi tháng 5/2024 và sau đó nới lỏng các hạn chế với tên lửa tầm xa ATACMS vào tháng 11/2024.

Một bài học lớn rút ra từ chính sách Ukraine của chính quyền ông Biden là việc đánh giá thành công của một chiến lược phức tạp hơn vẻ bề ngoài. Nếu thước đo quan trọng nhất là cung cấp cho Ukraine phương tiện để giành lại toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền của mình thì chính sách của ông Biden đã thất bại một phần. Mặc dù viện trợ của phương Tây đã giúp Ukraine chống trả đáng kể, nhưng điều đó vẫn không mang đến kết quả quyết định. Tuy nhiên, nếu thước đo thành công là liệu chính sách của Mỹ có tránh được việc bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới khác hay không thì cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đã thành công hơn, mặc dù ngay cả ở đây, rất khó để biết liệu kết quả tương tự có thể đạt được hay không nếu cung cấp viện trợ nhanh hơn.