Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam được xác định là sự kiện thường niên, quy mô quốc gia và quốc tế, nằm trong chuỗi các sự kiện lớn, uy tín, và hấp dẫn của cộng đồng Blockchain thế giới nhằm định vị xu hướng phát triển các nền tảng, công nghệ Blockchain; khuyến nghị chính sách tiếp cận, ứng dụng công nghệ Blockchain và phát triển nguồn nhân lực Blockchain cho Việt Nam.
Tiếp nối thành công của chương trình năm trước, Vietnam Blockchain Summit 2023 sẽ được diễn ra trong 02 ngày 12-13/10/2023 tại Tp. Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ thu hút trên 2.500 lượt đại biểu trực tiếp, là lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, các diễn giả, chuyên gia, lãnh đạo các công ty lớn về Blockchain, các doanh nghiệp ứng dụng, cơ quan truyền thông, báo chí tại Việt Nam và trên thế giới, hơn 80 diễn giả là chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp. Sự kiện sẽ bao gồm các hoạt động lớn: Hội nghị, Triển lãm, Kết nối đầu tư, Workshop đào tạo, khu trải nghiệm Metaverse…
Công nghệ Blockchain vẫn đang được nhiều quốc gia xem là một trong những lựa chọn quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế. Quy mô thị trường công nghệ Blockchain toàn cầu đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, khoảng 7,18 tỷ USD năm 2022 và dự kiến 163,83 tỷ USD vào năm 2029 (Báo cáo của Grand View Research). Việt Nam đang được xem là thị trường có mức chấp nhận Blockchain, cũng như phát triển công nghệ Blockchain hàng đầu. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam có vốn hóa trên 100 triệu USD và đã xuất hiện những start-up "kỳ lân" trong lĩnh vực này. Trong Top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập. Theo MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.
Việt Nam - điểm đến hàng đầu về phát triển và đầu tư Blockchain
Vietnam Blockchain Summit 2023 với chủ đề “Stay on the Path” tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc tiếp tục định hướng, phát triển, cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam, đồng thời tạo dấu ấn về sự phát triển Blockchain của Việt Nam, tạo một điểm đến của các nhà đầu tư, các nhà phát triển Blockchain khu vực và thế giới.
Một trong những hoạt động trọng tâm của năm nay là những trao đổi chuyên sâu về về công nghệ áp dụng trong việc thúc đẩy, quản lý nhà nước ở lĩnh vực Blockchain cũng như hoạt động kết nối đầu tư giữa các Startup và các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, hướng đến những sáng tạo, công nghệ Blockchain ở layer 1, layer 2, có tiềm năng ứng dụng lớn để thúc đẩy kinh tế số. Hàng chục các quỹ các đầu tư, các nhà đầu tư Startup trong nước và quốc tế uy tín sẽ được mời tham gia. Bên cạnh đó là các chương trình kết nối hợp tác kinh doanh (Business Matching) giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế để thúc đẩy phát triển, phổ biến các sản phẩm, dịch vụ hữu ích. Hoạt động kết nối, hợp tác được kỳ vọng là điểm nhấn của sự kiện, định vị Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo: “Vietnam Blockchain Summit 2022 lần đầu tiên đã chính thức khai mạc tại Hà Nội vào năm 2022. Đây cũng là sự kiện đầu tiên có sự kết hợp giữa 2 Hiệp hội thuộc ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam, giữa Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin và Hiệp hội Blockchain.
Tiếp nối thành công này, hôm nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đồng hành cùng Hiệp hội Vinasa tổ chức họp báo công bố khởi động Vietnam Blockchain Summit 2023. Sự kiện năm nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ cùng Ban tổ chức hứa hẹn tạo ra các điểm nhấn kết nối sau: (i) Tạo ra hệ sinh thái gắn kết và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong môi trường cộng đồng lớn mạnh hiện nay của Việt Nam; (ii) Khởi tạo các chương trình tư vấn, hỗ trợ hoạch định chiến lược hoạt động và kết nối nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ; (iii) Hoàn thiện cơ chế và khung pháp lý cho ngành Blockchain tại Việt Nam; (iv) Mở rộng kết nối không chỉ ở cộng đồng tại Việt Nam mà còn hướng đến các tổ chức, cộng đồng đa quốc gia.”
“Đặc biệt, để khai thác hệ sinh thái lớn mạnh hiện Vinasa đang sở hữu, chúng tôi kỳ vọng sẽ thúc đẩy lĩnh vực Regtech - một phân ngành công nghệ theo dõi sự phát triển trong ngành tài chính - công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp tuân theo các quy định trong lĩnh vực này. Hiện nay, các giải pháp Regtech tận dụng chuỗi khối để cải thiện quy trình KYC và AML. Các công ty khai thác tài sản số cũng có thể sử dụng nó để hợp lý hóa quy trình đáp ứng các quy định tuân thủ AML.
Năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn không chỉ về thị trường mà còn là những đổi mới công nghệ, thắt chặt chính sách pháp lý để blockchain sớm trở thành công nghệ nền tảng được ứng dụng theo hướng thiết thực, phục vụ đời sống xã hội. Trong định hướng hoạt động của mình, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ sớm thúc đẩy công tác tuân thủ pháp lý của ngành và khởi tạo các cơ hội, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia", ông Phan Đức Trung chia sẻ thêm.
Công nghệ - Blockchain thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số tại Việt Nam đang đi vào thực chất. Rất nhiều công nghệ công nghệ mới như Big Data, Cloud, AI, VR/XR…được các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, đưa vào ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Blockchain với tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn cũng không phải là ngoại lệ. Tuy còn nhiều thách thức nhưng Blockchain đang dần được đưa vào vận hành, ứng dụng thực tế vào nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục... giải quyết được nhiều bài toán nan giải với những đặc tính vượt trội như minh bạch, bảo mật, tốc độ và chi phí.
Ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA cho biết thêm: “VINASA và các doanh nghiệp hội viên đặt sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số. Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, các công nghệ mới như Blockchain cần được chú trọng phát triển. Thị trường công nghệ Blockchain cần phải được phát triển đúng hướng, phát huy các thế mạnh tích cực, thúc đẩy hợp tác để nhanh chóng phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung. Vietnam Blockchain Summit 2023 sẽ tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và cộng đồng gặp gỡ, chia sẻ những kiến thức, thúc đẩy hợp tác, đầu tư, cũng nhau sáng tạo những sản phẩm mới hữu ích, tạo ra bứt phá cho sự phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.”
Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam là môi trường hợp tác – xúc tiến quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ, mở ra cơ hội kết nối tốt giữa các doanh nghiệp với nhà nước hay các doanh nghiệp trong nước với các tổ chức quốc tế. Đồng thời, Hội nghị còn là môi trường trao đổi và phổ cập kiến thức, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Blockchain cả về số lượng và chất lượng sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển ngành CNTT nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Năm 2022, ngay trong năm đầu tiên được tổ chức, Vietnam Blockchain Summit đã thu hút hơn 2.000 lượt đại biểu, với hơn 50 diễn giả, trong đó có gần 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 nền kinh tế - là những cường quốc về công nghệ Blockchain trong khu vực và trên thế giới như: UAE, Singapore, Malaysia, Đài Loan - TQ, Mỹ, Hàn Quốc… Vietnam Blockchain Summit 2022 quy tụ đông đảo các chuyên gia, các tên tuổi công nghệ blockchain hàng đầu thế giới và Việt Nam thời gian đó: Kyber Network, Gala Games, Sky Mavis, DFG, FTX, Binance, BNB Chain, Chainalysis, OKC…, với nhiều hoạt động bao gồm Hội nghị, Triển lãm trưng bày các nền tảng, giải pháp Blockchain, networking… Chương trình hội nghị với 20 phiên tọa đàm, trò chuyện công nghệ blockchain (Fireside chat) bàn thảo những nội dung, xu hướng này, nổi bật như: Tối ưu hóa sức mạnh của Blockchain trong doanh nghiệp; Ứng dụng Blockchain trong quản lý, điều hành để kiến tạo các mô hình kinh doanh mới tại các thị trường mới nổi; Chiến lược Web3; Tác động của Stablecoins và CBDC đến tương lai ngành tài chính; Góc nhìn tổng quan về NFTs; DAOs; Tạo giá trị trong Metaverse… Chương trình đã tạo được dấu ấn và uy tín lớn với các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng Blockchain trong nước, quốc tế. |
Minh Anh