Elon Musk có thành 'cầu nối' Mỹ - Trung?

Phía Trung Quốc kỳ vọng việc Elon Musk sẽ đóng vai trò quan trọng trong nội các nhiệm kỳ tới đây của ông Trump sẽ giúp cải thiện quan hệ đôi bên.

Trong quá khứ, Henry Kissinger là một trong những nhân vật ảnh hưởng và được ghi nhận là người bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu bằng chuyến thăm đầu tiên của ông tới Bắc Kinh vào tháng 7/1971.

Với niềm tin đó, giới chuyên gia cho rằng Elon Musk có thể trở thành cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc, khi tiếp xúc nhiều hơn với các quan chức cấp cao ở Trung Quốc. Tại đất nước tỷ dân, Tesla là nhà sản xuất ôtô hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài đầu tiên của nước này vào năm 2018.

'Hàn gắn' quan hệ Mỹ - Trung

Ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Hiện tại, ông tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo đanh thép tới Trung Quốc như sẽ thu hồi Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc cũng như siết chặt các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài như ở Mexico để tránh thuế từ Mỹ.

Mặc dù vậy, theo CNBC, mối quan hệ chặt chẽ giữa Elon Musk với Donald Trump đã làm dấy lên kỳ vọng rằng vị tỷ phú này có thể làm dịu lập trường chính sách của người đứng đầu Nhà Trắng.

Elon Musk anh 1

Gigafactory Thượng Hải - viên ngọc quý của Tesla. Ảnh: Bloomberg.

“Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã bày tỏ sự tò mò rộng rãi về việc liệu Musk có thể là Kissinger mới, giúp làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh hay không”, Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.

Giữa vị tỷ phú giàu nhất thế giới với Trung Quốc vẫn đang tồn tại mối quan hệ chặt chẽ. Vào đầu năm 2019, Tesla khởi công xây dựng Gigafactory ở Thượng Hải.

Đồng thời, Elon Musk cũng được Trung Quốc cấp “thẻ xanh” trong cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Sở dĩ Tesla mạnh tay đầu tư vào Trung Quốc vì những ưu đãi hào phóng từ chính phủ, đồng thời hãng xe Mỹ cũng là nhà sản xuất ôtô nước ngoài đầu tiên không bắt buộc phải liên doanh với các đối tác Trung Quốc.

Nhà máy tại Thượng Hải đã trở thành viên ngọc quý của Tesla và cũng là trung tâm sản xuất chính của hãng. Khoảng một nửa trong số 936.000 xe được bàn giao trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc.

Thậm chí, Tesla còn sử dụng nhà máy tại đây để triển khai các công nghệ mới nhất trước khi triển khai sang các cơ sở sản xuất khác tại Mỹ.

Niềm tin của Trung Quốc càng được củng cố thêm sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 12/11 (giờ địa phương) tuyên bố tỷ phú công nghệ Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy sẽ đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) trong chính quyền tương lai.

"Cùng nhau, hai người Mỹ tuyệt vời này sẽ mở đường cho Chính quyền của tôi phá bỏ Bộ máy quan liêu Chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các Cơ quan Liên bang - Yếu tố thiết yếu cho Phong trào “Cứu nước Mỹ”, theo tuyên bố.

Bộ phận mới - viết tắt tiếng Anh là DOGE - trùng với tên loại tiền điện tử Dogecoin ông Musk quảng bá và một meme (ảnh chế) lan truyền trên Internet. Ông Trump đã so sánh cơ quan mới thành lập này với Dự án Manhattan, dự án phát triển và nghiên cứu bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến 2.

"Nhóm Kissinger"

Mặc dù vậy, Wang Huiyao, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh lại có ý kiến khác.

Theo ông, để tạo ra tác động thực sự đến chính sách của Mỹ, một doanh nhân, hay ngay cả những người giàu nhất thế giới, cũng sẽ không đủ để cải thiện mối quan hệ theo cách mà Kissinger từng làm được.

Elon Musk anh 2

Một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tư tưởng nổi tiếng, bao gồm Elon Musk và Tim Cook của Apple sẽ có thể hoạt động như một nhóm các nhân vật tác động đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh: Inc.

Thay vào đó, ông Wang đề xuất một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tư tưởng nổi tiếng, bao gồm Elon Musk, Tim Cook của Apple và Stephen Schwarzman của Blackstone có thể hoạt động như một “nhóm Kissinger”.

Cũng giống Elon Musk, Cook hay Schwarzman thường xuyên đến thăm các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc và thường được Bắc Kinh coi như là tấm gương về mối quan hệ kinh doanh và thương mại tích cực giữa Mỹ-Trung.

Wang cho biết thêm mặc dù họ có thể giúp ổn định mối quan hệ, nhưng có thể không đạt được tác động tương tự như Kissinger do giai đoạn này phức tạp hơn.

Dewardric McNeal, giám đốc điều hành kiêm chuyên gia phân tích chính sách cấp cao của Longview Global cũng đồng tình với quan điểm này.

“Mặc dù đúng là Trung Quốc đôi khi sử dụng những người Mỹ có ảnh hưởng làm kênh không chính thức, nhưng cũng hơi quá khi coi Musk là Kissinger thời hiện đại”, McNeal nói với CNBC.

McNeal thậm chí còn cho rằng sự tham gia chính trị tích cực có thể dẫn đến “xung đột lợi ích” và khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này phải chịu sự giám sát chặt chẽ nếu biện pháp ngoại giao thất bại.

Elon Musk anh 3

Nếu biện pháp ngoại giao thất bại, việc tham gia chính trị tích cực có thể dẫn đến “xung đột lợi ích” và khiến Elon Musk phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Ảnh: Inc.

Ông Trump từng tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ, và 60% trở lên cho hàng hóa từ Trung Quốc.

Với động thái cứng rắn này, McNeal nhận định việc đặt hy vọng ngoại giao vào một nhân vật như Elon Musk, người mà lòng trung thành vẫn thuộc về các dự án của riêng mình, có thể là một tính toán sai lầm.

Elon Musk khi thiết kế Cybertruck: 'Đừng trái ý tôi!'

Trong cuốn Tiểu sử Elon Musk, tác giả Walter Isaacson đưa người đọc đến những câu chuyện đằng sau vị tỷ phú phức tạp, như cách ông cùng lúc điều hành loạt doanh nghiệp Tesla, SpaceX và Twitter. Nguồn cảm hứng để thiết kế ra chiếc xe Cybertruck cũng được nhắc đến. Việc Elon Musk kiên định với thiết kế lạ lùng của mẫu xe bán tải, thậm chí đến mức cực đoan, cho thấy tính cách của vị tỷ phú.