Thanh niên 2 lần trở thành triệu phú nhờ Dogecoin

"ProTheDoge" từng nắm giữ số Dogecoin trị giá 3 triệu USD, nhưng đã mất gần như toàn bộ số tiền lãi đó khi thị trường lao dốc. Giờ đây, anh đang có cơ hội thứ 2, làm lại từ đầu.

Giá trị tài sản ròng của anh chạm mốc 3 triệu USD và sau đó giảm xuống còn vài trăm nghìn. Ảnh: Shutterstock.

Glauber Contessoto, hay còn được biết đến với biệt danh “ProTheDoge”, từng là gương mặt quen thuộc trong cộng đồng tiền mã hóa với danh hiệu “triệu phú Dogecoin”. Nhưng sau khi đạt đỉnh với khối tài sản trị giá 3 triệu USD, anh nhanh chóng mất đi phần lớn tài sản này khi thị trường lao dốc. Hơn 3 năm trôi qua, Dogecoin lại một lần nữa đưa anh trở lại ánh hào quang.

“Lên voi” rồi lại “xuống chó”

Cuối năm 2020, Glauber Contessoto dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, thậm chí vay mượn qua thẻ tín dụng, để đầu tư 180.000 USD vào Dogecoin - một loại tiền mã hóa khởi nguồn từ meme trên Internet. Chỉ trong vòng một năm, khoản đầu tư này tăng vọt lên mức 3 triệu USD. Nhưng thay vì bán đi để chốt lời, anh quyết định giữ lại tất cả vì tin rằng giá Dogecoin sẽ còn tiếp tục tăng.

Đây là quyết định khiến anh nhận về không ít lời chỉ trích khi thị trường sụp đổ. Dogecoin tụt dốc, giá trị tài sản của anh giảm xuống chỉ còn 200.000 USD. Nhiều người theo dõi hành trình đầu tư của Contessoto quay sang trách móc, cáo buộc anh vì đã khuyến khích họ đầu tư và chịu lỗ nặng.

“Có rất nhiều người mua vì tôi. Khi mọi thứ đi xuống, Dogecoin lại lao dốc trở lại và tôi đã mất rất nhiều tiền, có rất nhiều người quay lưng lại với tôi”, Contessoto nói với Decrypt.

2 lan trieu phu Dogecoin anh 1

Tuần trước, Dogecoin đạt mức giá hơn 0,40 USD, nâng tài sản của Glauber tăng lên hơn 2,1 triệu USD. Ảnh: CoinGecko.

Khi giá Dogecoin giảm xuống mức thấp nhất, chỉ còn 0,055 USD, Contessoto đứng trước ngưỡng từ bỏ. Anh kể lại ngón tay mình lưỡng lự trên nút “bán" để thoát khỏi tình trạng bấp bênh. Nhưng thay vì từ bỏ, Contessoto quyết định làm điều ngược lại: mua thêm 1,3 triệu Dogecoin nữa với giá khoảng 71.500 USD.

“Ngày nào tôi cũng nhận hàng loạt tin nhắn chỉ trích trên mạng xã hội. Họ đổ lỗi rằng tôi đã làm họ mất tiền. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng Dogecoin sẽ quay trở lại và giờ thì điều đó đã xảy ra”, Glauber chia sẻ.

Contessoto đã lấy lại danh hiệu “Triệu phú Dogecoin” vào tuần trước khi đồng xu này vượt qua mức giá 0,20 USD. Trong vài ngày tiếp theo, khi đồng meme tiếp tục tăng vọt trên 0,40 USD số tiền nắm giữ của anh đạt đỉnh ở mức hơn 2,1 triệu USD.

“Mọi điều tôi nói sẽ xảy ra đang xảy ra. Cảm giác trở lại với danh hiệu này thật tuyệt vời. Mặc dù không thể so sánh với lần đầu tiên trở thành triệu phú từ hai bàn tay trắng, lần này giống như một phần tiếp theo rất đáng nhớ”, Contessoto nói.

Bây giờ những ngày đen tối đó đã qua. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước đó, Contessoto lần này quyết định sẽ không giữ nguyên toàn bộ Dogecoin. Thay vào đó, anh lập kế hoạch rút dần tài sản ra khỏi thị trường khi Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất - đạt đỉnh. Đây là chiến lược anh đang xây dựng dựa trên lời khuyên từ những nhà giao dịch giàu kinh nghiệm hơn mình, theo Decrypt.

Người nổi tiếng cũng có thể bị lừa

Sau thua lỗ, Glauber không chỉ học cách quản lý tài chính, mà còn tận dụng danh tiếng “triệu phú Dogecoin” để xây dựng sự nghiệp mới. Từ một người lao động bình thường, sống trong căn hộ nhỏ và lái chiếc Toyota cũ, anh đã trở thành một “người có tầm ảnh hưởng” (influencer) trong giới tiền mã hóa. Anh cũng chuyển đến một ngôi nhà khang trang hơn ở Las Vegas.

Hiện tại, Glauber sở hữu 115.000 người đăng ký trên YouTube và hơn 350.000 người theo dõi trên Twitter. Những con số này còn giúp anh kiếm được các hợp đồng tài trợ béo bở. Theo một bộ phim tài liệu về hành trình của anh tên This is Not Financial Advice (tạm dịch: Đây không phải lời khuyên tài chính), Glauber đã kiếm được 690.000 USD từ các hợp đồng tài trợ tính đến tháng 6/2023.

“Ban đầu, mục tiêu của tôi là tạo dựng thương hiệu cá nhân từ toàn bộ trải nghiệm này. Tôi làm video YouTube mỗi ngày, quảng cáo sản phẩm, bán hàng hóa và tận dụng mọi cơ hội để biến hành trình của mình thành nguồn thu nhập”, anh giải thích.

Tuy nhiên, Glauber từng bị chỉ trích khi quảng bá một số dự án tiền mã hóa mà sau đó bị xem là “lừa đảo thoát vốn” (exit scam). Một trong những dự án gây tranh cãi nhất là Safereum, một token giảm đến 95% giá trị sau khi đội ngũ sáng lập bán tháo 600 ETH.

2 lan trieu phu Dogecoin anh 2

Glauber Contessoto 2 lần trở thành triệu phú Dogecoin. Ảnh: Glauber Contessoto.

Glauber phủ nhận trách nhiệm, khẳng định anh đã làm hết sức để kiểm tra các dự án trước khi hợp tác. “Tôi không phải là một chuyên gia công nghệ hay thám tử. Tôi có thể dành hàng giờ để nghiên cứu, nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi việc chọn sai,” anh nói.

Contessoto cho biết anh luôn cố gắng chọn những dự án có tính thanh khoản, token có bị khóa không và xem xét kỹ lưỡng mô hình tokenomics (cách phát hành token), đội ngũ phát triển trước khi quyết định tham gia. Nhưng anh cũng nhấn mạnh rằng người nổi tiếng cũng có thể bị lừa giống như những nhà giao dịch thông thường.

“Tôi không bao giờ quảng bá dự án rồi ngay lập tức bán tháo. Tôi luôn cố gắng làm việc với các dự án mà tôi tin là hợp pháp. Điều đó giúp tôi giữ được lương tâm trong sáng”, Glauber nhấn mạnh.

Đồng thời, anh cũng khuyên những người tham gia thị trường cần tự trang bị kiến thức và không hoàn toàn dựa vào các lời khuyên từ người khác, kể cả từ những người nổi tiếng.

Để blockchain không bị hiểu nhầm

Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.

Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.