Với tư cách là doanh nhân ở cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Elon Musk đang đứng ở vị trí có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh: Bloomberg. |
Các quan chức Trung Quốc đang xem xét phương án bán TikTok cho Elon Musk để tiếp quản hoạt động tại Mỹ, nếu công ty không thể ngăn chặn lệnh cấm, nguồn tin thân cận nói với Bloomberg.
Quyền quyết định không còn nằm trong tay ByteDance
Hiện tại, giới chức Trung Quốc ưu tiên phương án để TikTok vẫn thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ ByteDance. Công ty này đang kháng cáo lệnh cấm lên Tòa án Tối cao Mỹ.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần ngày 10/1, các thẩm phán đã ngụ ý rằng họ có thể giữ nguyên luật này. Trước viễn cảnh đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận các phương án dự phòng cho TikTok. Trong đó có phương án bán TikTok Mỹ cho Elon Musk, theo nguồn tin thân cận với vụ việc.
Thỏa thuận với một trong những đồng minh thân cận của tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump có hức hấp dẫn lớn đối với chính phủ Trung Quốc. Musk đã chi hơn 250 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của Trump. Vị tỷ phú còn được chính quyền Trump tin tưởng giao các vai trò quan trọng nhằm cải thiện hiệu quả chính phủ.
Theo một kịch bản đang được thảo luận, công ty X của Musk (trước đây là Twitter) có thể tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ và kết hợp 2 nền tảng này. TikTok với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ sẽ mang lại lợi thế lớn cho X trong việc thu hút nhà quảng cáo. Ngoài ra, công ty trí tuệ nhân tạo xAI của vị tỷ phú cũng có thể hưởng lợi từ lượng dữ liệu khổng lồ mà TikTok tạo ra.
Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận rõ ràng từ phía chính phủ Trung Quốc. Các cuộc thảo luận vẫn ở giai đoạn sơ bộ. Cũng chưa rõ ByteDance, TikTok hay Musk đã tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào hay chưa, theo Bloomberg.
TikTok là trung tâm của cuộc tranh chấp quốc tế phức tạp giữa Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
Musk và phát ngôn viên từ chối bình luận. Hồi tháng 4, vị tỷ phú từng đăng bài, nói rằng TikTok nên tiếp tục hoạt động tại Mỹ. “Theo tôi, TikTok không nên bị cấm tại Mỹ, dù điều này có thể mang lại lợi ích cho nền tảng X. Cấm TikTok là hành động đi ngược lại tự do ngôn luận và biểu đạt, không phù hợp với giá trị của nước Mỹ”, CEO Tesla viết.
Theo Bloomberg, các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh cho thấy số phận của TikTok có thể không còn nằm trong tay của riêng ByteDance. Các quan chức Trung Quốc nhận thấy họ sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn với chính quyền Trump về thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề khác. TikTok có thể trở thành quân bài thương lượng quan trọng trong bối cảnh đó.
Chính phủ Trung Quốc hiện nắm giữ “cổ phần vàng” tại một công ty con của ByteDance. Điều này giúp họ có tiếng nói quan trọng trong chiến lược và hoạt động của công ty. TikTok khẳng định rằng quyền kiểm soát này chỉ áp dụng với chi nhánh tại Trung Quốc, tức Douyin và không ảnh hưởng đến hoạt động của ByteDance bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quy định xuất khẩu ngăn chặn việc bán các thuật toán phần mềm, bao gồm thuật toán gợi ý nội dung cốt lõi của TikTok. Do đó, bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc bán TikTok Mỹ đều phải có sự chấp thuận từ chính quyền Trung Quốc.
TikTok vẫn quá đắt với người giàu nhất thế giới
Giá trị của TikTok tại Mỹ được ước tính khoảng 40-50 tỷ USD, theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence. Đây là một con số lớn ngay cả với người giàu nhất thế giới như Musk.
Việc thực hiện một giao dịch như vậy có thể buộc Musk phải bán bớt tài sản khác và cũng chưa chắc được chính phủ Mỹ thông qua. Ông đã mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vào năm 2022 và vẫn đang trả khoản vay khổng lồ từ thương vụ này.
Bù lại, người giàu nhất hành tinh có hình ảnh tích cực trong mắt nhiều nhân viên ByteDance tại Trung Quốc. Ông được xem như một doanh nhân thành công với kinh nghiệm hợp tác với chính phủ Trung Quốc thông qua công ty xe điện Tesla.
Elon Musk chụp ảnh cùng các chủ sở hữu Tesla tại buổi lễ giao những chiếc Model 3 đầu tiên, được sản xuất tại nhà máy Thượng Hải năm 2020. Ảnh: Guardian. |
Với tư cách là người giàu nhất thế giới và hoạt động kinh doanh ở cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Elon Musk đang có khả năng tác động rất nhiều đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Tesla đã xây dựng nhà máy quy mô lớn tại Thượng Hải vào năm 2019, trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty. Điều này không chỉ giúp Tesla tăng thị phần tại Trung Quốc mà còn xây dựng thiện chí với chính quyền nước này, Bloomberg nhận định.
Ngoài Musk, một số bên khác cũng đã bày tỏ quan tâm đến TikTok Mỹ. Dự án Liberty của tỷ phú Frank McCourt và nhà đầu tư Kevin O’Leary đã tham gia đàm phán với Trump về việc mua lại TikTok. Trước đó, Microsoft và Oracle cũng từng cân nhắc thương vụ liên quan đến ứng dụng này.
Về phần mình, ByteDance vẫn đang ưu tiên cuộc chiến pháp lý chống lại luật của Mỹ buộc công ty phải bán hoặc ngừng hoạt động tại Mỹ với lý do an ninh quốc gia. Họ muốn tiếp tục chiến đấu ở Mỹ hơn là hơn là bán TikTok và nhường lại quyền kiểm soát vĩnh viễn.
Các luật sư của TikTok cho rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, đa số thẩm phán Tòa án Tối cao cho rằng các mối lo ngại về an ninh quốc gia cần được đặt lên hàng đầu.
Ông Trump cũng cố gắng trì hoãn lệnh cấm TikTok để có thêm thời gian thương lượng. Vị tổng thống đắc cử tuyên bố muốn “cứu” ứng dụng này và có thể sẽ thực hiện hành động vào phút cuối để ngăn chặn lệnh cấm.
Một phương án khác mà TikTok có thể cân nhắc là chuyển người dùng Mỹ sang một ứng dụng tương tự với thương hiệu khác để tránh lệnh cấm. Tuy nhiên, hiệu quả của phương án này vẫn chưa rõ ràng.
Elon Musk khi thiết kế Cybertruck: 'Đừng trái ý tôi!'
Trong cuốn Tiểu sử Elon Musk, tác giả Walter Isaacson đưa người đọc đến những câu chuyện đằng sau vị tỷ phú phức tạp, như cách ông cùng lúc điều hành loạt doanh nghiệp Tesla, SpaceX và Twitter. Nguồn cảm hứng để thiết kế ra chiếc xe Cybertruck cũng được nhắc đến. Việc Elon Musk kiên định với thiết kế lạ lùng của mẫu xe bán tải, thậm chí đến mức cực đoan, cho thấy tính cách của vị tỷ phú.