EU chuẩn bị cho khả năng ông Trump giành chiến thắng

Các đồng minh châu Âu thân cận nhất của Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng rạn nứt quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong trường hợp ông Donald Trump thắng cử vào ngày 5/11.

Sau nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho biết họ đã chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm kỳ thứ hai của ông. Châu Âu đang xây dựng các kế hoạch dự phòng khác nhau về an ninh, thương mại và ngoại giao cho khả năng ông Trump đắc cử.

Tuy nhiên, châu Âu cho biết việc chuẩn bị trên không làm giảm bớt mối lo ngại về một nhà lãnh đạo đã đe dọa sẽ đảo lộn liên minh NATO, tuyên bố áp thuế nhập khẩu cao và sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu một lần nữa. Và theo một số cách, họ thừa nhận châu Âu hiện không đủ khả năng để đối phó với ông Trump so với trước đây.

Lần cuối cùng ở Nhà Trắng, ông Trump đã phải đối đầu với "người quyết định châu Âu" - Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, lục địa này không có nhà lãnh đạo nào có tầm vóc như bà Merkel để làm đối trọng trong thời điểm hiện nay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang suy yếu về mặt chính trị sau khi mất thế đa số trong Chính phủ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang sa lầy trong cuộc đấu đá nội bộ liên minh và đối mặt với sự trỗi dậy của phe cực hữu. Sau 3,5 tháng nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chạm mức thấp kỷ lục.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu một tổng thống đắc cử lần thứ hai ở Mỹ tuyên bố NATO đã lỗi thời và không còn muốn duy trì các cam kết về an ninh?" - Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Đức, đã nói với những người ủng hộ vào tuần trước - "Khi đó, chúng ta sẽ phải tự lo liệu. Và khi nói như vậy, tôi không chỉ muốn đề cập đến nước Đức mà là cả châu Âu".

Các cuộc phỏng vấn với 15 nhà hoạch định chính sách, chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà phân tích hàng đầu ở 5 quốc gia châu Âu cho thấy rằng bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, khu vực này đã thấy trước một cuộc kiểm tra thực tế sắp tới về sự phụ thuộc của họ vào Mỹ.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã tuyên bố liên minh NATO "vững như bàn thạch". Một số quan chức và nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu lại tin rằng với tư cách là Tổng thống Mỹ, bà Harris sẽ noi gương cựu Tổng thống Barack Obama hơn là Tổng thống Joe Biden và hướng sự chú ý của Mỹ sang khu vực Đông Á.