Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’

“Nếu nghĩ rằng đó là 150 em nhỏ, thì con số rất hạn chế, nhưng nếu nghĩ rằng đó là 150 cuộc đời sẽ được đổi thay, được tìm thấy ánh sáng… thì lại là câu chuyện khác”, ông Jimmy Phạm – Founder Koto bộc bạch.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 1.

Tháng 6 năm 1999, từ một quầy sandwich trên hè phố để cưu mang 9 em nhỏ lang thang, cơ nhỡ, KOTO giờ đây đã là một nhà hàng nổi tiếng, một địa chỉ “must go” của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Toạ lạc trên con phố Văn Miếu sầm uất, chỉ cách trường đại học đầu tiên của Việt Nam vài bước chân, KOTO cũng đã đón tiếp rất nhiều vị khách quan trọng như Tổng thống Bill Clinton trong lần đầu ông sang Việt Nam hay các ngài đại sứ của Australia, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch… và đây cũng là “ngôi nhà, ngôi trường” của hơn 1.700 học viên là thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt.

Người sáng lập KOTO – ông Jimmy Phạm, sau những ngày bận rộn gây quỹ và điều hành công việc chung lại trở về với niềm vui giản dị của mình: vào bếp nấu một bữa cơm để cùng ăn với các học viên, những người mà ông luôn gọi bằng một cụm từ thân thuộc: “những đứa em của tôi”. Sau khi ra trường, 100% học viên của KOTO đã tìm được việc làm ổn định trong các nhà hàng, khách sạn 4 – 5 sao; 67% trong số đó đang đảm nhiệm vị trí quản lý, điều hành tại các thương hiệu lớn; nhiều cựu học viên đã rất thành công trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Trong bức thư gửi các cực học viên nhân kỉ niệm 20 năm ngày thành lập, Jimmy Phạm chỉ đơn giản viết rằng: “Về nhà đi em!”.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 2.

“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Ngày nay, KOTO đã là một thương hiệu được nhiều người biết tới. Nhưng những “bước chân” đầu tiên chắc hẳn đã phải vượt qua không ít trở ngại, khó khăn. Ông có thể chia sẻ kỉ niệm về những ngày đầu thành lập?

Năm 1999, tôi thành lập KOTO với mô hình doanh nghiệp xã hội để giúp đỡ các thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt. Khi ấy, doanh nghiệp xã hội là một khái niệm rất mới mẻ. Chính sự mới lạ ấy đã khiến cho chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tôi từng bị nghi ngờ là “treo đầu dê, bán thịt chó”, là lừa đảo, vì xã hội chỉ nghĩ đơn giản: một là làm từ thiện - là cho tiền, hai là làm kinh doanh – là kiếm tiền, chứ không có cái gọi là doanh nghiệp xã hội. Lĩnh vực tôi chọn lại khá nhạy cảm: du lịch - dịch vụ, với đối tượng cũng rất đặc thù: các em nhỏ đường phố, lang thang cơ nhỡ, có những em còn chưa học hết cấp 1.

Nhận các em vào cơ sở, tôi dạy cho các em nghề bếp. Lúc đó, mọi người nghĩ rằng ai cũng có thể nấu ăn, đó là thứ không cần phải học; hoặc nếu có học, cũng chỉ từ 3 – 6 tháng là có thể thành thạo, nhưng trường của tôi thì dạy tới 2 năm. Họ chê tôi “rảnh quá, giàu quá” và luôn nói rằng tôi sẽ sớm thất bại thôi. Vậy nên, ngoài khó khăn về tài chính, tôi còn phải đối mặt với định kiến của xã hội. Và khó khăn nhất chính là thay đổi được định kiến đó. Suốt chặng đường gần 25 năm qua, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực để mọi người hiểu rằng tại KOTO, chúng tôi không làm từ thiện, mà là đầu tư cho con người, giúp họ phát triển, trở thành người có ích, có đóng góp cho xã hội.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 3.

25 năm là một hành trình ‘đầy những mũi gai’, đã có khi nào ông nghĩ đến việc từ bỏ chưa?

Tôi nghĩ đến việc đó mỗi ngày. Mỗi sáng khi thức dậy, tôi đều tự hỏi rằng liệu mình có làm được không, khi tham vọng của mình lớn quá! Nhưng khi bước chân tới nhà hàng, được các em chào đón bằng một nụ cười, ánh mắt lấp lánh hi vọng, thì tôi lại nghĩ rằng mình phải cố gắng hơn nữa. Những ngày đầu, tôi giúp đỡ 150 em nhỏ. Nếu nghĩ đó là 150 người thì con số thực sự rất hạn chế, nhưng nếu nghĩ đó là 150 cuộc đời sẽ có cơ hội thay đổi, sẽ tìm được ánh sáng thì đó lại là điều kì diệu, là sức mạnh để tôi phấn đấu.

Tôi nhớ trong Covid, mô hình của chúng tôi hoàn toàn dựa vào du lịch gần như “mất trắng”: nhà hàng không thể hoạt động, nguồn thu không có, ngay đến cả chỗ ở cho các em cũng không thể duy trì. Trong tiết trời 45 độ, chúng tôi phải chuyển nhà, với gần 100 con người. Các em nhỏ không có nơi để về, tôi cũng không nỡ lòng nào đẩy các em ra đường. Khi đó, rất may tôi đã nhận được sự giúp đỡ của bạn bè và các em học viên cũ. 1/3 kinh phí hoạt động của chúng tôi lúc đó là nhờ vào sự ủng hộ, đóng góp của cựu học viên.

Sự nghiệp tôi gây dựng suốt hơn 20 năm gần như đổ bể, mất trắng. Nhưng đó là bài học, để tôi nhận ra mình cần làm gì để bảo vệ những điều quý giá, bảo vệ tài sản của mình – chính là mấy đứa em. Từ đó, tôi đã xây dựng lại KOTO một cách chặt chẽ hơn, logic hơn. Đến bây giờ, nhìn lại quãng đường đã qua, tôi biết ơn những khó khăn và cả những người đã nghi ngờ, chê cười tôi, bởi đó chính là bài học để tôi trưởng thành hơn, cố gắng hơn. Tôi rất thích một câu nói rằng: doanh nhân xã hội cần có 3 phẩm chất: phi thường, phi lý và dám đi ngược chiều dư luận.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 4.

Trong 2 năm tại KOTO, các học viên đã được học những gì, có phải chỉ đơn giản là nấu ăn không, thưa ông?

Tôi từng theo học ngành quản trị khách sạn và làm việc trong lĩnh vực du lịch. Tôi cũng nhận thấy rằng du lịch là một ngành nghề rất có tương lai tại Việt Nam, nên muốn dạy nghề cho các em. Qua đó, các em có thể. Tại KOTO, các em không chỉ được học nghề trong lĩnh vực F&B mà còn được học kỹ năng sống, văn hoá, tiếng Anh, tin học… Đầu vào của em tại đây khá thấp, do hoàn cảnh đặc biệt nên các em không được học nhiều và khá tự ti, nên ngoài mục tiêu đào tạo nghề, chúng tôi còn muốn các em có được sự tự tin, cảm nhận được tình yêu thương và được trao quyền để tự quyết định tương lai của mình.

Với chương trình đào tạo trong 2 năm tại KOTO, học viên phải đảm bảo song song giữ 400 giờ lý thuyết và 400 giờ thực hành. Sau 2 năm học, các em sẽ được học viện Box Hill, Australia cấp chứng chỉ nghề. Chúng tôi cũng hợp tác với trung tâm Anh ngữ Apollo (Hội đồng Anh) để dạy ngoại ngữ tiếng Anh về giao tiếp và phục vụ cho chuyên ngành. Nhờ đó, từ 3 tháng trước khi tốt nghiệp, các học viên có thể được mời làm việc tại nhiều khách sạn 5 sao với mức lương khởi điểm từ 400 – 600 USD/tháng (khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng).

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 5.

Trong mục đích hoạt động của KOTO, ông có nhắc tới “sự trao quyền”, vậy “trao quyền” mang những ý nghĩa gì, thưa ông?

Như bạn biết đấy, các em ở KOTO đều có hoàn cảnh khó khăn, có em là trẻ đường phố, kiếm sống bằng nghề đánh giày, có em thì mồ côi cha mẹ… Nếu như tư duy thông thường là làm từ thiện, tức là cho các em có cái ăn, cái mặc thì sẽ không được bền vững, tôi muốn giúp các em nhiều hơn thế. Tôi nghĩ rằng ai cũng có quyền được yêu thương, được học tập và được tự quyết định cuộc đời mình và không ai muốn bị thương hại, dù cho họ có đang ở hoàn cảnh khó khăn đi chăng nữa. Nên chúng tôi trao cho các em những quyền mà các em xứng đáng được hưởng, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Sự trao quyền ở đây chính là đầu tư cho đối tượng mình đang giúp, mang tới cho họ sự hiểu biết, kiến thức, nghề nghiệp, kỹ năng… giúp họ có thể tự kiếm sống. Như vậy mới là giải pháp bền vững, lâu dài. Hành trình của chúng tôi đã chứng minh rằng “trao quyền” là một hướng đi đúng đắn. Đến nay, 100% các em ra trường có việc làm ổn định tại các khách sạn 4 – 5 sao trong cả nước, bao gồm những tên tuổi lớn như Hilton Hanoi, Jaspas Saigon, Sheraton, Sofitel Metropole… Trong đó, 62% đang giữ các vị trí quản lý, điều hành. Có nhiều em đã tự mở cơ sở kinh doanh riêng, lo được cho gia đình và quay trở lại giúp đỡ các em trong “ngôi nhà chung” KOTO.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 6.

Việc điều hành một doanh nghiệp xã hội có gì khác so với điều hành một doanh nghiệp không, thưa ông?

Vô cùng khác. Nếu như doanh nghiệp được hưởng phần lợi nhuận từ kinh doanh, thì doanh nghiệp xã hội sẽ dùng lợi nhuận đó vào các mục đích xã hội. Nói các khác, đây là một doanh nghiệp phi lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội cũng là doanh nghiệp, vấn đề tài chính cũng là một gánh nặng khiến chúng tôi luôn phải đau đầu, luôn phải tìm ra giải pháp để tăng trưởng. Chi phí đào tạo cho mỗi học viên tại KOTO là khoảng 255.500.000 VND/ khóa đào tạo 24 tháng và hoàn toàn do KOTO tài trợ. Đó là một con số không hề nhỏ và chúng tôi luôn luôn phải tìm ra giải pháp để duy trì KOTO một cách bền vững. Chi phí hoạt động của tổ chức có 70% là từ lợi nhuận của nhà hàng KOTO.

Một điều khác biệt nữa, đó là chúng tôi vừa phải kinh doanh tốt, vừa phải giáo dục tốt, bao gồm cả việc chăm sóc sức khoẻ về tinh thần, thể chất cho các em. Các em học viên ở đây đều trong lứa tuổi từ 18 – 24 tuổi. Đây là độ tuổi đứng trước 2 ngã rẽ: trở thành người tốt, có đóng góp tích cực hay trở thành gánh nặng cho xã hội, sa đà vào tệ nạn… Trong độ tuổi này, nếu không có nghề nghiệp thì các em sẽ rất tự ti, mặc cảm và lạc lối.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 7.

Vậy vấn đề quản trị trong doanh nghiệp xã hội thì có gì đặc thù không, thưa ông?

Sai lầm của doanh nghiệp xã hội là nghĩ rằng vì mình làm mục đích xã hội nên mọi người phải giúp mình. Chúng tôi không nghĩ vậy. KOTO được mở ra với mục đích đầu tiên là nơi để các em học viên thực hành những gì đã được học. Qua gần 25 năm nỗ lực, chúng tôi đã khẳng định được chỗ đứng của mình, đã được nhiều người biết tới, nhưng không phải bằng việc quảng cáo rằng đây là cơ sở từ thiện, là các thanh thiếu niên nghèo, khó khăn, yếu thế… mà khách hàng biết và đến với chúng tôi bởi chất lượng dịch vụ tốt, đồ ăn ngon, giá cạnh tranh và địa điểm đẹp.

Doanh nghiệp xã hội muốn thành công thì cần thay đổi tư duy, cần xây dựng một mô hình kinh doanh chặt chẽ, bao gồm các bộ phận sales, marketing nhạy bén… Cũng từ câu chuyện con cá và chiếc cần câu. Tôi không muốn cho các em con cá, mà cho các em cái cần để tự đi câu, và chúng tôi cũng vậy, chúng tôi không thể trông chờ vào nguồn tiền hỗ trợ mà cần tự lực tạo ra nguồn thu cho mình. Hầu hết các dự án sẽ dừng lại khi hết nguồn tài trợ, nhưng KOTO là một ngôi nhà, một gia đình đông con. Tất cả những đứa con này đều cần phải được chăm sóc, ăn uống, dạy dỗ cho tới lúc đủ lông đủ cánh để ra ngoài đóng góp cho xã hội. Do đó, KOTO sẽ không dừng lại chỉ vì không có nguồn tài trợ.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 8.

KOTO là một gia đình, nhưng đồng thời cũng là một cơ sở kinh doanh, cần có bộ máy rõ ràng và quy trình hoạt động chuyên nghiệp, hai điều này có mâu thuẫn với nhau hay không, thưa ông?

Tôi cố gắng để tạo ra một mô hình sát thực tế nhất để các em được thực hành những gì đã học, vì ngoài xã hội là như vậy. Các em sẽ không được nhân nhượng hay châm chước vì hoàn cảnh của mình. Khi bước chân vào nhà hàng, các em là những nhân viên đã được đào tạo và cần làm việc một cách chuyên nghiệp, nghiêm túc.

Nhưng chúng tôi cũng luôn linh hoạt. Tôi hiểu rằng tình thương là điều cần được trao đi, cần được lan toả. Các em phải cảm nhận được tình yêu thương, lòng nhân ái thì mới có thể trao truyền được điều đó. Các em là những đối tượng đặc thù, nên việc đầu tiên các em cần học là cách chào hỏi, cách thưa gửi, cách nói chuyện… Người Việt Nam có một truyền thống văn hoá rất tốt đẹp, đáng quý và đó là điều chúng tôi muốn các em hiểu được, thấu cảm được để có thể trưởng thành một cách tử tế.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 9.

Ông nói rằng, trong lúc khó khăn nhất, như là đại dịch Covid, ông nhận ra rằng mình cần hành động để bảo vệ “tài sản lớn nhất – là những đứa em của mình”. Vậy phải chăng ở KOTO, con người chính là yếu tố cốt lõi?

Đúng vậy. Đối tượng của tôi là các trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Mọi người nghĩ rằng đó là những đứa trẻ ngỗ nghịch, khó dạy, khó bảo… nhưng với sự dìu dắt của KOTO, các em đã trở thành người có ích, lễ phép, hiểu biết… Với tôi, đó là điều tự hào.

Tôi có một đội ngũ tuyệt vời luôn đồng hành và tin vào giá trị cốt lõi. 95% hoạt động của nhà hàng đang nhận được sự đóng góp, vận hành, giúp đỡ của các cựu học sinh. Nhiều em đang là quản lý cấp cao trong các thương hiệu khách sạn, lữ hành danh tiếng đã quay trở lại giúp đỡ chúng tôi. Bởi vậy, giá trị của dự án không chỉ dừng lại ở 2 năm đào tạo mà vẫn tiếp tục được lan toả. Các cựu học viên vẫn luôn đồng hành, hỗ trợ tạo thành đại gia đình, cộng đồng yêu thương, gắn bó.

Rời khỏi mái nhà KOTO, các em cựu học viên đã làm việc ở nhiều khách sạn, nhà hàng danh tiếng trên cả nước, có nhiều em đang làm việc hoặc du học tại nước ngoài. Kỉ niệm 20 năm thành lập, tôi đã viết thư cho các em rằng: “Trước đây KOTO bé lắm, anh có thể vòng tay ôm được hết các em, nhưng nay gia đình mình lớn quá, anh ko thể ôm hết được, anh cần sự nối vòng tay để ôm lấy gia đình mình. VỀ NHÀ đi em. VỀ NHÀ để ăn một bữa cơm chia sẻ”. Đó cũng chính là điều tôi luôn mong muốn. Dù đi bất cứ nơi đâu, các em có thể luôn trở về mái nhà KOTO bởi đây chính là gia đình.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 10.
Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 11.

Có một câu danh ngôn rằng: Chúng ta cảm thương người khác trong những bất hạnh mà chính chúng ta đã trải nghiệm. Ý tưởng và nguồn cảm hứng xây dựng KOTO của ông có bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân nào không?

Tôi đã có một tuổi thơ khá vất vả. Gia đình tôi đã di cư qua nhiều nước trước khi tới Australia. Mẹ tôi là một người phụ nữ Việt Nam ít được học hành, nhưng bà lại dạy dỗ 6 người con trưởng thành và điều mà bà luôn nhắc nhở tôi, đó là lòng nhân ái và tình yêu với Đất Mẹ. Mẹ tôi luôn đau đáu hướng về quê hương Việt Nam. Bà kể cho tôi nghe những câu chuyện về đất nước này một cách đầy nhân hậu. Đó cũng là lý do mà khi trưởng thành, tôi quyết định trở lại Việt Nam và muốn đóng góp cho đất nước mà tôi mang nửa dòng máu. Với tôi, KOTO có một ý nghĩa rất đặc biệt. Những đứa em của tôi sau này có thể trở thành người có ích cho cộng đồng và tiếp tục lan toả những điều tốt đẹp đó. Tôi không có gia đình riêng, nên KOTO chính là gia đình của tôi. Thành công của tôi ở KOTO chính là cách để tôi trả ơn cho Đất Mẹ và báo hiếu với người mẹ của mình.

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 12.

KOTO (Know One, Teach One) – “Biết một, Dạy một” ông có thể giải thích thêm về tên gọi này không, thưa ông?

Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản rằng đó là sự trao truyền kiến thức, kĩ năng và tình yêu thương. Bạn có điều gì, hãy trao đi điều đó bằng tất cả chân thành, không cần đợi đến lúc giàu có hay đủ đầy thì mới nghĩ đến chuyện làm việc tốt. Sau này, điều đó trở thành tôn chỉ của KOTO. Đứa em lâu dạy đứa em mới, đứa em mới dạy đứa không biết gì. Bên ngoài người ta thường gọi vui chúng tôi là: “KOTO Mafia” vì học viên KOTO có mặt ở hầu hết các nhà hàng, khách sạn 4 -5 sao trong cả nước. Nên chúng hỏi nhau: “Em từ KOTO à? Anh cũng vậy, để anh chỉ cho em!” Cứ thế, bọn trẻ dạy cho nhau, dìu dắt và cùng tiến bộ. Đó là điều tôi hướng tới. Hãy trao đi những điều mình có, để người được trao lại tiếp tục trao đi…

Founder KOTO: Tôi tự hào ngay cả khi ra đường họ gọi chúng tôi là ‘KOTO Mafia’, mỗi buổi sáng mở mắt dậy đều nghĩ tới hai chữ ‘Bỏ cuộc’- Ảnh 13.