Gia đình các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Jeju Air bất ngờ hứng "bão" chỉ trích vì lý do khó tin

Sau vụ tai nạn thảm khốc của Jeju Air tại sân bay quốc tế Muan, một làn sóng phát ngôn thù hận và thông tin sai lệch trên mạng đã bùng lên, nhắm vào các nạn nhân và gia đình họ.

Thực trạng tin giả và bình luận ác ý 

Từ ngày 29/12/2024 - thời điểm vụ tai nạn máy bay Jeju Air xảy ra, mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến Hàn Quốc đã xuất hiện những bình luận thù địch và thông tin sai sự thật về các nạn nhân cùng gia đình họ. Đáng chú ý là một bài đăng mang tính xúc phạm, ám chỉ rằng gia đình các nạn nhân “vui vẻ” vì nhận được khoản bồi thường từ chính phủ.

Một người đàn ông ngoài 30 tuổi đã bị bắt vì đăng bình luận: “Hãy nghĩ xem khoản bồi thường cho tất cả những người đó lớn thế nào, gia đình nào có nhiều người mất chắc hẳn rất vui”. Một số bình luận khác cũng gây phẫn nộ, như: “Tại sao chúng ta phải đau buồn? Họ được bồi thường rồi mà” và “Viên phi công chỉ muốn làm anh hùng thôi”.

Những tin đồn vô căn cứ cũng lan truyền về tổ bay, với nội dung sai sự thật rằng cả phi công và cơ phó đều là phụ nữ, khiến làn sóng bình luận kỳ thị giới tính gia tăng. Trên thực tế, cả hai đều là nam giới.

Các bình luận phân biệt vùng miền cũng xuất hiện, nhắm vào sân bay quốc tế Muan và khu vực xung quanh. Ở Hàn Quốc, mâu thuẫn giữa các vùng miền, đặc biệt giữa 2 tỉnh Jeolla và Gyeongsang, đã tồn tại từ lâu. Việc gọi sự cố này là “vụ tai nạn Muan” có thể vô tình làm gia tăng những định kiến không tốt về khu vực Jeolla. Để tránh hiểu lầm, Bộ Giao thông đã khẳng định tên chính thức của sự cố là “vụ tai nạn máy bay Jeju Air ngày 29/12”.

Gia đình các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Jeju Air bất ngờ hứng "bão" chỉ trích vì lý do khó tin- Ảnh 1.

Thân nhân các nạn nhân ở sân bay Muan

Nguy cơ chia rẽ xã hội vì thông tin sai lệch 

Xu hướng đáng lo ngại này gợi nhớ đến những vụ thảm kịch quốc gia trước đây. Trong cả thảm họa chìm phà Sewol và vụ giẫm đạp ở Itaewon, các gia đình nạn nhân cũng từng là mục tiêu của sự chế giễu và những câu chuyện sai lệch. Dữ liệu cho thấy, trong 46 vụ kiện về phỉ báng liên quan đến thảm họa Sewol, có 41 vụ kết thúc bằng phán quyết có tội. Tương tự, các vụ kiện về phỉ báng liên quan đến thảm kịch Itaewon đã được báo cáo cho cảnh sát, với 17 vụ được chuyển đến cơ quan công tố.

Giáo sư xã hội học Koo Jeong-woo tại Đại học Sungkyunkwan cho rằng sự thiếu đồng cảm trong xã hội là nguyên nhân dẫn đến những phản ứng tiêu cực này. Ông nhận định: “Sự phức tạp và cực đoan trong xã hội khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập. Những người này thường có xu hướng bày tỏ suy nghĩ của mình một cách kỳ quặc và cực đoan để thu hút sự chú ý”.

Việc chế giễu các nạn nhân và gia đình họ về vấn đề bồi thường có thể xuất phát từ cảm giác bức xúc và bất công sâu sắc, dẫn đến những bình luận ác ý này.

Giáo sư Koo giải thích: “Trong các thảm họa quốc gia như vụ chìm phà Sewol hay thảm kịch Itaewon, chính phủ đã đưa ra quỹ hỗ trợ bồi thường. Những người phải chật vật mưu sinh hàng ngày cảm thấy khoản bồi thường này bị đánh giá quá cao và cho rằng các gia đình nạn nhân được hưởng ‘đặc quyền không công bằng’, đồng thời nghĩ họ đang làm lớn chuyện trong khi ai cũng đang phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống”.

Gia đình các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Jeju Air bất ngờ hứng "bão" chỉ trích vì lý do khó tin- Ảnh 2.

Các gia đình và học sinh thương tiếc trước sự ra đi của một nạn nhân trong vụ tai nạn Jeju Air tại Gwangju vào ngày 6 tháng 1

Theo luật hiện hành của Hàn Quốc, những người đăng tải nội dung phỉ báng hoặc xúc phạm trên mạng có thể bị truy tố với các tội danh như phỉ báng người đã khuất, xúc phạm hoặc gây cản trở hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các hình phạt trong thực tế thường khá nhẹ. Chẳng hạn, một người đã đăng áp phích chỉnh sửa chế giễu gia đình các nạn nhân vụ chìm phà Sewol chỉ bị phạt 1 triệu won (khoảng 17,4 triệu đồng). Tương tự, một cá nhân đăng bình luận mang tính xúc phạm tình dục về các nạn nhân thảm kịch Itaewon trong một phòng chat đã được tuyên trắng án ở cả hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Thiệt hại do tin giả và các bình luận ác ý gây ra không chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp lý mà còn để lại những tác động tâm lý nặng nề đối với các gia đình đang chịu tang, khiến nỗi đau của họ càng trở nên khó nguôi ngoai. Giáo sư Lim Myung-ho từ Khoa Tâm lý học, Đại học Dankook, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn tổn thương tinh thần tiếp diễn.

“Chúng ta cần thận trọng hơn khi lan truyền thông tin từ những nguồn không rõ ràng để tránh gây thêm tổn thương cho gia đình các nạn nhân”, giáo sư Lim khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc tiếp tục lan truyền tin giả và chế giễu không chỉ làm trầm trọng thêm tổn thương tâm lý cho các gia đình nạn nhân mà còn làm gia tăng sự ngờ vực và chia rẽ trong công chúng trong những thời điểm khủng hoảng quốc gia.

Nguồn: The Korea Herald