Giấc mơ Mỹ sụp đổ: Thu nhập hơn 7 tỷ đồng/năm không mua nổi nhà, lạm phát đang xói mòn mức sống

“Mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng giá bất động sản tăng với tốc độ nhanh hơn”, một chuyên gia nói.

Căn hộ 2 phòng ngủ rộng 100 m2 của gia đình Petersen tại Campbell, Bắc California, ngày càng trở nên chật chội khi đón thêm thành viên mới. Đồ chơi cậu con trai 4 tuổi Jerrik rải rác khắp nhà và không lâu nữa, đồ dùng của cô con gái nhỏ 9 tháng tuổi Carolynn cũng sẽ khiến tổ ấm này thêm bừa bộn.

Jenn, 42 tuổi, làm nghề nắn chỉnh xương, từng hy vọng sẽ cùng chồng Steve là nha sĩ 39 tuổi mua một căn nhà khang trang. Giấc mơ này có lẽ khó trở thành hiện thực trong bối cảnh lãi suất thế chấp và giá nhà ở cao dai dẳng, dù cho thu nhập lên tới 270.000 USD mỗi năm (gần 7 tỷ đồng).

Theo dữ liệu từ Cục dự trữ liên bang chi nhánh Atlanta, một gia đình ở San Jose kiếm trung bình 156.700 USD sẽ cần chi 80% thu nhập cho nhà ở - bao gồm trả góp tiền nhà hàng tháng 8.600 USD - để sở hữu ngôi nhà có giá trung bình 1,54 triệu USD. Con số này cao hơn nhiều so với quy tắc chung là mọi người không nên trả quá 30% thu nhập cho khoản vay mua hoặc thuê nhà.

Chuyển ra khỏi California là điều không thể với gia đình Petersen. Thu nhập sẽ giảm mạnh nếu gia đình này đến nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn. “Tôi không muốn từ bỏ công việc để mua nhà”, Petersen nói.

Chuyện người Mỹ có thu nhập tốt nhưng không mua nổi nhà đã trở thành xu hướng. Tính đến mùa thu năm ngoái, những người vay mua nhà ở nước này đã phải chi trung bình 42% thu nhập để trả nợ, theo Fed Atlanta. Bốn năm trước, tỷ lệ đó là 28%.

“Giấc mơ Mỹ, như cha mẹ chúng tôi từng biết, giờ không còn nữa”, Petersen phàn nàn.

Báo cáo năm ngoái của Hiệp hội Môi giới bất động sản quốc gia cho biết độ tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu nước này là 38, tăng 3 tuổi so với 2023. Con số này cao hơn đáng kể so giai đoạn 1993-2018, với độ tuổi trung bình dao động 30-32.

Domonic Purviance, nghiên cứu viên về nhà ở tại Fed Atlanta nói tăng trưởng tiền lương không theo kịp mức leo thang của giá nhà và lãi suất. “Mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng giá bất động sản tăng với tốc độ nhanh hơn”, ông giải thích.

Theo Stefanie Stantcheva, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, quan điểm tiêu cực của mọi người về lạm phát một phần đến từ niềm tin rằng tiền lương của họ không theo kịp. Bà đã khảo sát mọi người vào đầu năm nay để tìm hiểu quan điểm của công chúng về lạm phát. “Điều này góp phần gây ra sự không thích lạm phát và cảm giác rằng nó làm xói mòn mức sống của bạn”, Stantcheva cho biết.

Có thể thấy, đa số người Mỹ đều cảm nhận được rằng cơ hội thành công của họ đã giảm đi. “Giấc mơ Mỹ dường như đã nằm ngoài tầm với so với các thế hệ trước”, Emerson Sprick, nhà kinh tế tại Washington, DC, nói và cho biết sự suy giảm liên tục của lương hưu trong bối cảnh gia tăng chi phí sở hữu nhà là 2 trong số những thay đổi kinh tế lớn nhất trong thập kỷ.

Marquell Washington từng được dạy rằng bằng đại học là chiếc vé cuối giúp mình thoát khỏi khu phố nghèo. Anh là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học, song cũng bỏ dở vào năm thứ 3 vì một số lý do cá nhân. Hiện Washington kiếm được khoảng 30.000 USD/năm nhờ công việc bán thời gian cho tổ chức phi lợi nhuận My Block, My Hood, My City. Thu nhập được cho là không đủ để anh trả nốt nợ chứ đừng nói gì đến mua nhà.

“Họ không nói cho bạn biết giấc mơ Mỹ khó khăn như thế nào”, Washington nói. “Bạn phải tự tìm ra câu trả lời”.

Khoảng 90% trẻ em sinh năm 1940 có cuộc sống khá giả hơn cha mẹ mình, theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế Nathaniel Hendren thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và nhà kinh tế Raj Chetty thuộc Đại học Harvard, song hiện nay, chỉ khoảng 50% trẻ em sinh vào những năm 1980 có thể tự tin đạt cuộc sống như vậy. “Việc bạn kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình hay không vẫn còn là một ẩn số”, báo cáo nhấn mạnh.

“Giấc mơ Mỹ ngày càng khó đạt được nếu xét về cả cơ hội thành công lẫn thoát nghèo”, nhà kinh tế Raj Chetty nói.

Theo: WSJ, AP