Grab và ShopeeFood chia nhau 'miếng bánh' gần 2 tỷ USD ở Việt Nam

Thị trường giao đồ ăn Việt Nam dần trở thành cuộc đua song mã giữa Grab và ShopeeFood. Hai ứng dụng này đang nắm tổng cộng 95% thị phần.

Thị phần giao đồ ăn chủ yếu trong tay Grab và ShopeeFood. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu Momentum Works, sau 2 năm tăng trưởng "dập dìu" quanh mức 5%, lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á năm 2024 đã phục hồi trong năm với mức tăng 13% so với cùng kỳ, đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) lên đến 19,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi thị trường Việt Nam và Indonesia.

Grab, ShopeeFood thống trị mảng giao đồ ăn

Trong bối cảnh ngành giao đồ ăn trực tuyến Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Với sự dẫn dắt của 2 nền tảng ShopeeFood và Grab, quy mô GMV giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng 26% lên 1,8 tỷ USD.

Dẫu vậy, trong nhóm 6 quốc gia nổi bật, quy mô chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn của Việt Nam ở mức thấp nhất. Trong khi đó, Indonesia đang dẫn đầu khu vực với GMV ước đạt 5,4 tỷ USD.

Hiện 2 "gã khổng lồ" ShopeeFood và Grab chia nhau phần lớn thị phần ở Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 47% và 48%. Lượng thị phần ít ỏi còn lại thuộc về Be (4%) và Gojek (1%) - ứng dụng đã rời đi từ tháng 9/2024.

Bước sang năm 2025, nếu không có thêm nền tảng mới gia nhập thị trường, ngành giao đồ ăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục bị cô đặc và chỉ còn là "sân chơi" cho 3 ứng dụng.

THỊ PHẦN LĨNH VỰC GIAO ĐỒ ĂN TẠI VIỆT NAM NĂM 2024
Nguồn: Momentum Works.
NhãnGrabShopeeFoodBeGojek
Thị phần % 484741

Không chỉ Việt Nam, Grab còn dẫn đầu mảng giao đồ ăn ở tất cả thị trường còn lại. Thậm chí, thị phần của ứng dụng này tại một số quốc gia như Singapore, Malaysia hay Philippines đã vượt con số 60%.

Trong năm vừa qua, tổng quy mô GMV của Grab đạt 10,4 tỷ USD, áp đảo hoàn toàn so với các đối thủ như FoodPanda (2,7 tỷ USD), ShopeeFood (2,3 tỷ USD), Gojek (1,9 tỷ USD), Line Man (1,7 tỷ USD).

Thị trường Đông Nam Á cũng chứng kiến sự thay đổi thứ hạng GMV của một số nền tảng, điển hình như việc ShopeeFood vượt qua Gojek để trở thành ứng dụng được yêu thích lớn thứ 3 trong khu vực. Dẫu vậy, thương vụ sáp nhập tiềm năng giữa Grab và Gojek có thể định hình lại cục diện cạnh tranh năm nay.

Đáng chú ý, TikTok đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ địa phương tại Indonesia và Thái Lan, cho phép người dùng mua voucher mảng F&B và các dịch vụ khác. Dù còn ở giai đoạn sơ khai, sự tham gia của TikTok có thể làm thay đổi thị trường giao đồ ăn, đặc biệt nếu nền tảng này bắt tay với các ứng dụng giao hàng.

Các ứng dụng tìm đường tăng trưởng

Thực tế, tốc độ tăng trưởng của thị trường F&B chỉ đạt 4,6% và đang có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ giao đồ ăn ngày càng sâu nhờ sự xuất hiện của những phân khúc khách hàng mới, cũng như chiến lược phát triển mới mẻ từ nền tảng.

"Sau nhiều năm tập trung vào lợi nhuận, các nền tảng giao đồ ăn hàng đầu Đông Nam Á đã lấy lại đà tăng trưởng để thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo", ông Jianggan Li, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Momentum Works, nhận định.

VIỆT NAM CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG GMV GIAO ĐỒ ĂN LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á
Nguồn: Momentum Works.
NhãnIndonesiaThái LanPhilippinesSingaporeMalaysiaViệt Nam
2023 tỷ USD 4.63.72.52.52.41.4
2024
5.44.22.82.62.61.8

Bổ sung thêm, ông Li đánh giá việc cải thiện hiệu quả vận hành cùng chiến lược khai thác khách hàng sắc nét sẽ giúp các nền tảng tạo nên những bước đi táo bạo hơn, qua đó thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững.

Theo đại diện Momentum Works, các nền tảng giao đồ ăn đang tập trung khai thác phân khúc người dùng bình dân và khách du lịch để mở rộng thị trường.

Mặt khác, ứng dụng cũng cố gắng tối ưu hóa chi phí lẫn giá trị của từng đơn hàng để sinh lời, chủ yếu thông qua những giải pháp như cải thiện hoạt động giao hàng, giảm chi phí vận chuyển và phân loại khách hàng thành các nhóm phổ thông, tiêu chuẩn và cao cấp.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.