Cách đây 8 năm, một tổng thống cũng thuộc Đảng Dân chủ là Barack Obama đã mời ông Trump đến Nhà Trắng để "bắt đầu cuộc chuyển giao giữa hai chính quyền".
Nhẹ nhàng chuyển giao
Trong thông điệp với quốc dân cuối buổi sáng 7-11 tại Nhà Trắng, trước cử tọa là toàn thể nội các và văn phòng tổng thống cùng cháu gái Finn, Tổng thống Joe Biden đã vui vẻ loan báo: "Thật vui khi được gặp tất cả các bạn. Đặc biệt vui khi thấy cháu gái tôi ngồi ở hàng ghế đầu ở đây. Chào Finn. Cháu khỏe không? Hôm qua, tôi đã nói chuyện với Tổng thống đắc cử Trump để chúc mừng ông ấy về chiến thắng. Tôi đã đoan chắc với ông ấy rằng tôi sẽ chỉ đạo toàn bộ chính quyền của tôi làm việc với nhóm của ông ấy để đảm bảo một cuộc chuyển giao hòa bình và có trật tự. Đó là những gì người dân Mỹ xứng đáng được hưởng".
Trong bầu không khí đó, các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ như CBS News, Fox News hay The Guardian của Anh đã gọi đây là "một cuộc chuyển giao êm dịu".
Trong thông báo sáng 7-11, ông Biden cũng gửi thông điệp đảm bảo một nước Mỹ nhẹ nhàng đón sự thay thế ở Nhà Trắng, không lặp lại sự cố ngày 6-1-2021 làm lung lay thủ đô Washington và thể chế: "Các cuộc tranh cử là sự thi thố của những tầm nhìn cạnh tranh. Đất nước lựa chọn một trong hai. Chúng ta chấp nhận sự lựa chọn mà đất nước đã đưa ra... Điều mà tôi mong mỏi là bất kể quý vị đã bỏ phiếu cho ai, vẫn hãy nhìn nhận nhau không phải như là kẻ thù mà là những người Mỹ với nhau, làm hạ nhiệt (bầu không khí)".
Nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, phần thắng quá rõ ràng về phía ông Donald Trump với 295 phiếu đại cử tri, vượt xa ngưỡng bắt buộc là 270 phiếu và bỏ xa bà Kamala Harris (226 phiếu). Ngoài ra, Đảng Cộng hòa của ông Trump thắng áp đảo ở Thượng viện với 53 ghế so với chỉ 45 ghế thuộc Đảng Dân Chủ, và 211 ghế ở Hạ viện so với chỉ 119 ghế của Đảng Dân chủ (tính tới cuối ngày 7-11).
Với phân bố ghế hơn hẳn ở cả hai viện quốc hội, nhiệm kỳ bốn năm tới của ông Trump sẽ thoải mái hơn, ít gặp đối kháng nghiêm trọng trong quốc hội, mà bắt đầu là các cuộc bỏ phiếu thông qua các thành viên chính phủ sắp tới.
Nội các cùng chí hướng
Trong bối cảnh hồ hởi phấn khởi đó, ông Trump sẽ "dễ dàng" cầm quyền. Và điều này bắt đầu bằng việc bổ nhiệm ngay chánh văn phòng là bà Susie Wiles - một người rất thân tín đã phục vụ chiến dịch tranh cử của ông.
Được biết, trong nhiệm kỳ tổng thống trước, ông Trump đã nhiều lần thay đổi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Thành ra ông luôn có sẵn nhiều tên tuổi cho các vị trí này để tùy nghi chọn lựa theo yêu cầu từng giai đoạn.
Ở ghế ngoại trưởng, hiện có ít nhất ba tên tuổi sẵn sàng. Đầu tiên là Richard Grenell, từng giữ chức giám đốc tình báo quốc gia và đại sứ Mỹ tại Đức. Ông này đã từng tham dự cuộc gặp giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9 năm nay.
Nếu ông Trump chọn ra mắt sau khi nhậm chức bằng việc thực hiện lời hứa giải quyết chiến tranh Ukraine, có thể ông Richard Grenell sẽ là lựa chọn. Theo Hãng tin Reuters, ông Grenell chủ trương thiết lập một khu tự trị ở miền đông Ukraine để chấm dứt chiến tranh ở đây - một lập trường mà Kiev không thể chấp nhận được.
Nếu cần giải quyết cuộc chiến tranh Trung Đông hiện tại, một cựu cố vấn an ninh trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là Robert O’Brien sẽ là ứng viên thích hợp. Ông này đã duy trì liên lạc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Israel vào tháng 5 năm nay. Đây sẽ là một ngoại trưởng mà Ukraine hoan hỉ nhất do ông này ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều hơn một số cố vấn khác của Trump và do có quan điểm có phần cứng rắn hơn, theo Reuters. Ông này cũng ủng hộ lệnh cấm TikTok tại Mỹ.
Một nhân vật khác cũng có khả năng giữ chức ngoại trưởng là Bill Hagerty, từng là đại sứ Mỹ tại Nhật Bản trong chính quyền Trump đầu tiên và dưới thời thủ tướng Nhật khi đó là ông Shinzo Abe. Song ông Hagerty cũng sẽ là người góp phần chấm dứt sớm chiến tranh Ukraine. Đầu năm nay, ông này đã bỏ phiếu chống lại một gói viện trợ quân sự lớn cho Ukraine. Một ứng viên khác cho chức ngoại trưởng là thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người rành "hồ sơ" Mỹ Latin.
Ghế bộ trưởng tài chính đang có ứng viên Scott Bessent - một nhà đầu tư quỹ đầu cơ lâu năm và đã giảng dạy tại Đại học Yale trong nhiều năm. Ông Bessent là cố vấn hàng đầu của ông Trump trong ý định sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán, mà tới đây sẽ là câu hỏi: thuế suất 10% hay 20%?
Theo Reuters, ông Bessent hợp với ông Trump trong chủ trương hoài nghi các quy định thương mại quốc tế. Một ứng viên khác cho chức bộ trưởng tài chính là John Paulson - một nhà quản lý quỹ đầu cơ tỉ phú và là nhà tài trợ lớn của ông Trump. Ông này chủ trương cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định. Ông này cũng công khai ủng hộ việc sử dụng thuế quan như một công cụ để đảm bảo an ninh quốc gia Mỹ và chống lại các hoạt động thương mại không sòng phẳng của nước ngoài.
Một bộ trưởng tài chính tiềm năng khác là Larry Kudlow, từng là giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ông này cũng sẵn sàng vận dụng thuế quan như các ông kia. Một ứng viên bộ trưởng tài chính khác là Robert Lighthizer, đã từng giữ chức vụ đại diện thương mại Mỹ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Trump. Lighthizer cũng là một trong những nhân vật hàng đầu trong cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc và việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico, Canada trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Nên nếu như có sự cố kinh tế tài chính với Trung Quốc, ông Lighthizer có nhiều khả năng trở lại chức vụ cũ trước kia. Một ứng viên khác cũng chủ trương sử dụng thuế quan như một công cụ đối phó với nước ngoài là Howard Lutnick. Có thể thấy với "dàn" ứng viên bộ trưởng ngoại giao và tài chính như trên, ông Trump sẽ dễ xoay xở trong những "va chạm" quốc tế.