Chiều 20/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai Đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội, TPHCM.
Tại buổi họp, lãnh đạo TP. Hà Nội và TPHCM cho biết hai địa phương đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Cụ thể, tập trung vào 5 nhóm chính sách: Huy động nguồn vốn; rút ngắn tiến độ, phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; các chính sách khác.
Trong đó, 2 thành phố đề xuất 13 chính sách chung, TP. Hà Nội có 6 chính sách riêng, TPHCM có 17 chính sách riêng.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông kiến nghị một số nhóm chính sách đặc thù như: Không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị; thu hồi đất song song với quá trình chuẩn bị đầu tư; lập quy hoạch phương án tuyến, vị trí công trình và khu vực TOD không cần đợi điều chỉnh các quy hoạch liên quan…
Trong phần kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiến nghị áp dụng trình tự thủ tục rút gọn khi xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội (sẽ rút ngắn 5-6 tháng). Đồng thời phân cấp cho TPHCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt, quyết định chủ trương đầu tư…
Đủ căn cứ để ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn
Phát biểu tại buổi họp, lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp cho rằng có đủ căn cứ để xây dựng dự thảo nghị quyết trình Quốc hội ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn. Nghị quyết của Quốc hội có thể áp dụng cho cả 2 thành phố, bao gồm chính sách chung và chính sách áp dụng riêng. Quan trọng nhất là Bộ GTVT cùng 2 thành phố phải làm rõ nội hàm của từng cơ chế chính sách.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, nội dung đề xuất cơ chế chính sách dự kiến trình Quốc hội của 2 thành phố có nhiều điểm khác nhau.
Ông Huy chỉ ra nguyên nhân của sự khác biệt này do các chính sách pháp luật khác nhau; điều kiện thực tế, các vướng mắc khác nhau; quan điểm huy động nguồn lực đầu tư khác nhau. Đơn cử, TP. Hà Nội có loại dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD nhưng TPHCM lại không có; TP. Hà Nội kiến nghị lập ngay báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường sắt đô thị; TPHCM kiến nghị chỉ cần căn cứ quy hoạch chung là thành phố có thể phê duyệt chủ trương đầu tư… Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng 2 thành phố cần rà soát để thống nhất các chính sách chung.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT cùng 2 thành phố khẩn trương rà soát nội dung từng cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn.
Trong đó, cần phân nhóm chính sách chung dành cho cả 2 thành phố (bao gồm cả những chính sách mới chỉ thực hiện ở TP. Hà Nội hoặc TPHCM); nhóm chính sách riêng cho từng thành phố.
Tại buổi họp, Phó Thủ tướng giao 2 thành phố đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách phân cấp trình tự thủ tục phê duyệt dự án, quyết định chủ trương đầu tư, vốn đầu tư, điều chỉnh quy hoạch… bảo đảm rút ngắn trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp, sớm hoàn thành các dự án, trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Đồng thời, triển khai các bước theo quy định của pháp luật đầu tư, các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù đã đề xuất để chuẩn bị cho các dự án đầu tư đường sắt đô thị.
Bộ GTVT, 2 thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 2/2025.
Đến năm 2045, Hà Nội và TP HCM phấn đấu có hơn 1.100 km đường sắt đô thị
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 413 km. TP Hà Nội quyết tâm đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 410,8km đường sắt đô thị theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô. Giai đoạn tiếp theo (2036-2045) phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 200,7km, nâng tổng số chiều dài hệ thống đường sắt đô thị lên khoảng 616,9km.
"Đây là kế hoạch hết sức táo bạo và đầy thách thức. Chính vì vậy, TP Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm ưu tiên bố trí vốn đầu tư; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô; rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án", ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội nói tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 vào tháng 12/2024.
Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là đến năm 2045 thành phố có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510km.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 355km. Giai đoạn 10 năm tiếp theo đến năm 2045, hệ thống metro sẽ được đầu tư thêm 155km, nâng tổng chiều dài metro của thành phố lên 510km.
Với quy mô mới này, thành phố cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 40 tỷ USD từ nay đến năm 2035, tăng thêm 3 tỷ USD. Thời gian hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510km được rút ngắn vào năm 2045, thay vì đến năm 2060 như trước.
Tại một hội nghị hồi tháng 8/2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, để triển khai khối lượng hệ thống đường sắt đô thị này, TPHCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Trong đó, Thành phố xác định nhu cầu vốn ở các mốc như: Đến năm 2035, Thành phố cần khoảng 36 tỷ USD; năm 2045 cần 33 tỷ USD; năm 2060 cần 48 tỷ USD.
Theo quy hoạch, sau khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội có khả năng đảm nhận 35-40% thị phần, TPHCM đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng. Mặt khác, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, việc phát triển đường sắt đô thị là một trong các tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.