Việt Nam tăng trưởng nổi bật trong vòng 13 năm trở lại đây, chuyên gia quốc tế đánh giá thế nào về khả năng tăng trưởng GDP đạt 7% trong 2025?

Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm bộ môn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam đã có phân tích toàn diện về triển vọng kinh tế Việt Nam, nêu bật cả cơ hội lẫn thách thức mà đất nước phải đối mặt khi điều hướng giữa biến động toàn cầu và các cải cách trong nước.

Nhóm chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam
Nhóm chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam
14 bài viết

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực.

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét. Tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Lạm phát thấp hơn mục tiêu, các cân đối lớn được bảo đảm, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu.

Cụ thể, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).

GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Thông tin tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với mức tăng trưởng 7,09%, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đây cũng là mức tăng trưởng nổi bật trong 13 năm trở lại đây.

"Đây là con số chứng minh với thế giới, khu vực về sự phục hồi rất mạnh mẽ của nước ta trong năm 2024 về phát triển kinh tế", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Liệu Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 7% vào năm 2025?

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7-7,5%. Để thực hiện được các mục tiêu Quốc hội giao, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương phải có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá chiến lược trong bối cảnh cả nước đồng thời thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Mặc dù mục tiêu tăng trưởng GDP do Quốc hội đề ra phù hợp với những nền tảng vững chắc của Việt Nam, Tiến sĩ Velasquez vẫn đưa ra quan điểm thận trọng.

"Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế đang rất vững chắc, nhưng căng thẳng địa chính trị và những bất cập nội tại có thể làm suy giảm kỳ vọng này", ông nhận định.

Theo đó, vị chuyên gia đánh giá, các động lực tăng trưởng của Việt Nam bao gồm chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng, phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI dồi dào và chiến lược "Trung Quốc + 1". Các chính sách ưu đãi của Chính phủ như miễn giảm thuế và giá đất hợp lý cũng góp phần củng cố triển vọng này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Santiago Velasquez lưu ý, trong nước, quy định pháp lý chậm trễ có thể cản trở các dự án hạ tầng và năng lượng tái tạo quan trọng, những yếu tố then chốt để duy trì mở rộng công nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức trong việc quản lý chênh lệch lãi suất toàn cầu và tình trạng đô la hóa kéo dài (ưu tiên giao dịch và nắm giữ đô la Mỹ song song với tiền đồng Việt Nam), làm hạn chế khả năng điều chỉnh lãi suất hoặc ổn định đồng nội tệ. Những trở ngại này càng làm phức tạp thêm môi trường kinh tế vốn đã đầy bất ổn.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tiêu dùng nội địa cần được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp nên chuyển đổi số và triển khai các chương trình giảm giá có mục tiêu, trong khi chính phủ cần cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy định và thực hiện các chính sách giảm thuế.

"Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt vào giao thông và năng lượng tái tạo, có mối liên hệ mật thiết với niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng", Tiến sĩ Velasquez nhấn mạnh, chỉ ra vai trò quan trọng của yếu tố này đối với sự ổn định lâu dài.

Những yếu tố nào sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025?

Tiến sĩ Santiago Velasquez, FDI và sản xuất xuất khẩu được kỳ vọng sẽ là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025. "Năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam cao gấp đôi so với các nước khác trong khu vực như Indonesia và Philippines", Tiến sĩ Velasquez cho biết và nhấn mạnh vào sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Apple, và Lego. Những tên tuổi mới nổi như Nvidia dự đoán cũng sẽ gia nhập, củng cố thêm vị thế của Việt Nam.

Chiến lược "Trung Quốc + 1" tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách một trung tâm sản xuất. Vị trí chiến lược và thị trường lao động cạnh tranh với mức lương chỉ bằng một nửa so với các khu vực ven biển Trung Quốc mang lại lợi thế đáng kể. Sản xuất xuất khẩu cũng được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào thương mại cũng khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các rủi ro bên ngoài. Tiến sĩ Velasquez cảnh báo: "Khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại mới dưới thời của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai có thể dẫn đến mức thuế cao hơn đối với hàng tái xuất, ảnh hướng tới tăng trưởng GDP vào năm 2025."

Trong nước, việc thực thi chính sách vẫn là một thách thức. Các quy định pháp lý chậm trễ có thể làm đình trệ các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo quan trọng, vốn là những yếu tố thiết yếu để duy trì mở rộng công nghiệp. Tiến sĩ Velasquez nhấn mạnh rằng mặc dù GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng quỹ đạo phát triển sẽ phụ thuộc vào khả năng giải quyết các nút thắt trong nước và ứng phó với những rủi ro thương mại quốc tế.

Lộ trình tăng trưởng bền vững

Để duy trì đà tăng trưởng, theo vị tiến sĩ,  Việt Nam cần áp dụng mô hình động cơ kép cân bằng giữa thế mạnh xuất khẩu và một thị trường trong nước vững chắc.

"Cách tiếp cận này không chỉ ổn định tăng trưởng mà còn tăng cường tính toàn diện của nền kinh tế", Tiến sĩ Velasquez nhận định.

Cả doanh nghiệp và chính phủ đều đóng vai trò then chốt. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện chuỗi cung ứng và triển khai các chương trình giảm giá có mục tiêu để kích thích nhu cầu và mở rộng thị trường mới.

Chính phủ nên ưu tiên giảm thuế, như cắt giảm thuế tiêu dùng và thuế thu nhập, nhằm tăng cường sức mua của người dân. Việc đơn giản hóa các quy định và giảm bớt thủ tục hành chính cho các dự án lớn sẽ góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và năng lượng tái tạo, là yếu tố thiết yếu cho phục hồi ngắn hạn và ổn định lâu dài.

"Mặc dù GDP chắc chắn sẽ tăng trưởng (và tăng trưởng mạnh), nhưng quỹ đạo cụ thể sẽ phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc ứng phó với rủi ro thương mại toàn cầu và điều chỉnh các chính sách trong nước", Tiến sĩ Velasquez nhấn mạnh. Với các cải cách chủ động, Việt Nam có thể đảm bảo sự thịnh vượng bền vững.