Ngày 19/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg nvề chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.
Theo chấp thuận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Hà Nam là nhà đầu tư dự án. Dự án được triển khai ở xã Tiên Ngoại, xã Yên Nam và xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với diện tích 250 ha, tổng nguồn vốn đầu tư là 2.975 tỷ đồng.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1425/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình II - Giai đoạn I, tỉnh Hà Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình.
Dự án trên có quy mô diện tích là 226,6 ha với tổng nguồn vốn đầu tư là 2.610 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại xã Thanh Nguyên và xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất.
Liên quan đến việc thực hiện 2 dự án này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đối với Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Hà Nam và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án, thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng của 2 khu công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật về đất đai...
Đánh giá về thị trường bất động sản Hà Nam, bà Phạm Thị Miền - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARs IRE) cho biết, từ đầu năm đến 31/5/2024, toàn tỉnh Hà Nam thu hút 29 dự án (bằng 223% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023).
Bình quân mỗi năm tỉnh Hà Nam có 10 dự án bất động sản mới được hình thành (trừ những năm Covid-19). Tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh hiện có khoảng 43 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cơ bản hoàn thành.
Đối với phân khúc nhà ở, trong nửa đầu năm 2024, có 7 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, 3 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng quý 2, toàn tỉnh chỉ có 1 dự án.
Những năm gần đây, Hà Nam đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản, trong đó có hàng loạt “ông lớn” đổ về như: Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4…
Theo Phó viện trưởng VARs IRE, Hà Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển bất động sản nhờ vị trí gần Thủ đô, mạng lưới giao thông đồng bộ, vốn đầu tư trong và ngoài nước gia tăng.… Tuy nhiên, bất động sản Hà Nam chưa “bật lên” được do các dự án phát triển vào khoảng thời gian trước có chất lượng và quy mô chưa tương xứng.