Người bệnh ung thư bị ảnh hưởng bởi trào lưu thực dưỡng, keto lan tràn mạng

() - Ước tính, trên thế giới có tới 10-20% người bệnh ung thư tử vong do hậu quả của suy dinh dưỡng, chứ không phải vì chính căn bệnh ung thư. Tại Việt Nam, con số này thậm chí có thể còn cao hơn.

Ngày 5/4, tại hội thảo Dinh dưỡng ở người bệnh ung thư, PGS.TS Phạm Thị Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.

Đến nay, với nhiều tiến bộ của các phương pháp điều trị, tỷ lệ bệnh nhân ung thư được cứu sống ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị đều ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng ăn uống, hấp thu, tình trạng dinh dưỡng của người bệnh.

Rất nhiều người bệnh khi điều trị ung thư đều bị các biểu hiện chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, suy dinh dưỡng.

Người bệnh ung thư bị ảnh hưởng bởi trào lưu thực dưỡng, keto lan tràn mạng - 1

PGS.TS Phạm Thị Cẩm Phương (áo dài xanh) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thế Anh).

"Theo thống kê, trên 85% người bệnh ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong suốt quá trình mắc ung thư và 50% người bệnh đã có thiếu hụt về dinh dưỡng khi mới bắt đầu chẩn đoán ung thư.

Suy dinh dưỡng cũng tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, làm gián đoạn, giảm hiệu quả điều trị, tăng biến chứng và thậm chí gây tử vong", PGS Phương nói.

Ước tính trên thế giới có tới 10-20% người bệnh ung thư tử vong vì hậu quả của suy dinh dưỡng hơn là do bệnh ung thư. Tại Việt Nam, con số này thậm chí có thể lớn hơn.

TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, không dùng bất kỳ chế độ dinh dưỡng nào gây hạn chế năng lượng cho những bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng hay đã bị suy dinh dưỡng.

Chuyên gia này cũng khẳng định, không có bằng chứng nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy lợi ích của chế độ ăn keto ở bệnh nhân ung thư.

Cùng quan điểm này, PGS Phương cảnh báo, nhiều người lợi dụng lòng tin của người dân cũng như sự thiếu thông tin của bác sĩ điều trị đã quảng bá nhiều thông tin sai lệch về các chế độ ăn hay thực phẩm chức năng cho người bệnh ung thư tràn lan trên mạng xã hội, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

"Người bệnh ung thư không chỉ mất số tiền lớn cho các chế độ hay thực phẩm này mà còn khiến tình trạng dinh dưỡng xấu hơn, suy kiệt, làm mất đi cơ hội điều trị bệnh", PGS Phương nói.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân.

Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể do phản ứng phụ của việc điều trị, do tâm lý chán nản, lo lắng, do chính khối u gây ra. Nếu không bồi bổ cơ thể đủ dinh dưỡng, người bệnh ngày càng sụt cân, sức khỏe giảm sút, dẫn đến không đủ sức theo hết được các liệu pháp điều trị.

Người bệnh ung thư bị ảnh hưởng bởi trào lưu thực dưỡng, keto lan tràn mạng - 2

Người bệnh ung thư cần ăn đa dạng các món, chia nhỏ bữa ăn, nấu ở dạng dễ tiêu như cháo, súp (Ảnh minh họa: Tú Anh).

Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong của bệnh nhân ung thư.

"Việc nâng cao nhận thức của cả người dân và nhân viên y tế trong vấn đề dinh dưỡng là rất cần thiết.

Tất cả người bệnh ung thư cần sàng lọc dinh dưỡng, kịp thời can thiệp phù hợp từ bổ sung dinh dưỡng đường miệng, đường tiêu hóa đến dinh dưỡng đường tĩnh mạch", PGS Phương khuyến cáo.

Theo chuyên gia, bệnh nhân ung thư cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nấu các món dễ tiêu như cháo, súp, chia nhỏ bữa ăn, thậm chí bổ sung thêm chất dinh dưỡng chuyên biệt để tăng miễn dịch, cơ và dinh dưỡng.