Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây

"Đó không phải là quay lại thời tiền sử, đó là một giải pháp cho tương lai", Robin Greenfield, nhà vận động môi trường, người khởi xướng phong trào dùng lá cây thay cho giấy vệ sinh tại Mỹ cho biết.

Benjamin Mutembei đang đứng trong khu vườn nhỏ trước nhà của mình ở Meru, một thị trấn thuộc miền đông Kenya, Châu Phi. Trên tay anh cầm là một chiếc lá Plectranthus barbatus, loài cây bụi có họ với rau húng và bạc hà - nên chúng ta sẽ tạm gọi nó là húng Châu Phi.

Giống như nhiều người dân khác trong thị trấn, Mutembei trồng húng Châu Phi quanh nhà như một truyền thống. Loài cây mọc thẳng có thể cao tới 2 mét, phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới ấm áp và trổ lá xanh quanh năm.

Trên khắp Châu Phi, người ta vẫn thường trồng chúng để tạo thành một chiếc hàng rào tự nhiên, giúp đánh dấu đất đai và phân định ranh giới tài sản. Nhưng ngoài ra, húng Châu Phi còn có một công dụng khác nữa.

Không phải như những họ hàng của mình ở Châu Á - húng lủi để làm gỏi bò còn bạc hà dùng để pha trà - những cây húng Châu Phi từ bao đời nay đã được người dân ở Meru dùng để làm sạch… sau khi họ đi đại tiện.

Đúng vậy, ở Châu Phi, những chiếc lá cây này đã, và vẫn đang làm nhiệm vụ thay cho giấy vệ sinh.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 1.

Benjamin Mutembei cầm trên tay một chiếc lá Plectranthus barbatus, hay còn gọi là húng Châu Phi.

Mutembei cho biết anh và tất cả thành viên trong gia đình mình đã sử dụng lá húng Châu Phi trong suốt 40 năm qua, từ khi giấy vệ sinh còn chưa được nhập khẩu ồ ạt vào Kenya.

" Tôi đã được ông nội của mình dạy sử dụng nó từ khi còn nhỏ và vẫn dùng nó cho tới tận bây giờ. Lá của loài cây này khá mềm và có mùi thơm rất dễ chịu ", anh nói. "Nó vốn là giấy vệ sinh ở Châu Phi. Cả nhà tôi bây giờ vẫn thường xuyên dùng nó. Chúng tôi chỉ đi mua giấy vệ sinh hiện đại, khi mà lá cây quanh nhà đã bị vặt hết".

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 2.

Đối với những gia đình ở nông thôn Châu Phi như Mutembei, húng Châu Phi đã cung cấp một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí cho việc mua giấy vệ sinh. Giống như nhiều mặt hàng khác, giá giấy vệ sinh đã tăng trên khắp Châu Phi.

Điều này xảy ra chủ yếu là do chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô cao, chẳng hạn như bột gỗ, một nguyên liệu thiết yếu để sản xuất giấy vệ sinh. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất Kenya, chi phí nguyên liệu thô hiện chiếm 75-80% giá thành cuối cùng của các sản phẩm giấy vệ sinh ở Kenya.

Nhưng nếu bạn nghĩ chỉ có người dân ở các vùng nông thôn nghèo khó ở Châu Phi mới đang dùng lá cây thay cho giấy vệ sinh thì bạn đã nhầm. Ngay tại Orolado, một thành phố trung tâm của tiểu bang Florida, nước Mỹ, có một cộng đồng dân cư cũng đang trồng húng Châu Phi để lấy lá, dùng thay cho giấy vệ sinh hàng ngày.

Phong trào này đã được khởi sướng từ 6 năm nay, bởi một nhà hoạt động vì môi trường tên là Robin Greenfield.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 3.

Robin Greenfield và cộng đồng người Mỹ sử dụng lá cây thay cho giấy vệ sinh ở Orolado.

"Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tiêu dùng, mà hầu hết mọi người không thực sự biết mọi thứ chúng ta dùng đến từ đâu, chúng được sản xuất như thế nào và gây tác động ra sao đến Trái Đất. Giấy vệ sinh cũng không ngoại lệ. Chúng ta chỉ mua chúng ở cửa hàng và không bao giờ nghĩ ngợi gì về nó cả", Greenfield nói.

Nhưng sự thật là mỗi năm trên thế giới, có hàng trăm triệu cây xanh đã bị chặt để đảm bảo nguồn cung giấy vệ sinh cho gia đình bạn. Đó là bởi giấy vệ sinh đang được dùng một cách vô tội vạ, nhất là tại các nước phát triển.

Ví dụ, một người trưởng thành ở Mỹ dùng tới 141 cuộn giấy vệ sinh mỗi năm. Con số tương đương cứ 5 ngày thì hết 2 cuộn giấy. Ở Bồ Đào Nha, mỗi người dân cũng dùng tới 137 cuộn giấy vệ sinh/năm. Con số là 134 cuộn/người/năm ở Đức, 127 cuộn/người/năm ở Anh. Trong khi ở Nigeria, một đại diện ở Châu Phi nơi số liệu được báo cáo, mỗi người mỗi năm chỉ dùng duy nhất 1 cuộn giấy.

Nếu bạn nối tất cả giấy vệ sinh mà 1 người Mỹ dùng trong suốt cuộc đời của mình lại, thì nó sẽ trở thành một dải giấy dài hơn 1.000 km, dài hơn cả chiều dài nước Anh. Nhân lên với tổng dân số, mỗi năm, cả nước Mỹ dùng tới 4,3 tỷ km giấy vệ sinh, gấp tới 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời, hay bằng khoảng cách từ hành tinh của chúng ta tới tận Sao Hải Vương.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 4.

Robin Greenfield cho biết việc sử dụng giấy vệ sinh vô tội vạ đang thúc đẩy nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học, xói mòn đất, phá vỡ hệ sinh thái trên diện rộng và đẩy một số loài động vật vào nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, việc chế biến gỗ làm giấy vệ sinh cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chính con người. Giấy vệ sinh thường được làm từ bột gỗ. Và để có được màu trắng trông có vẻ sạch sẽ đó, bột gỗ cần phải được tẩy bằng clo.

Quá trình tẩy bột gỗ làm giấy vệ sinh giải phóng rất nhiều clo vào môi trường. Theo báo cáo của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các hợp chất clo có thể phản ứng với vật liệu gốc cacbon ngoài tự nhiên, tạo ra dioxin, hay chất độc màu da cam, một loại hóa chất cực độc liên quan đến ung thư và các rủi ro sức khỏe khác.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 5.

INFO

Dư lượng hóa chất cũng có thể tồn tại trong giấy vệ sinh. Khi chúng được xả xuống cống và trôi đến các nhà máy xử lý nước, hầu hết các hệ thống xử lý nước thải hiện nay, ngay cả tại Mỹ và Châu Âu, cũng không được thiết kế để trung hòa được giấy vệ sinh và các sản phẩm tồn dư của nó.

Vì vậy, trong khi chúng ta có cảm giác giấy vệ sinh tự nhiên xuất hiện trước mắt mình như những món quà của Chúa, rồi lại tự nhiên biến mất khỏi tầm mắt, chỉ sau 1 giây chúng ta xả nó xuống bồn cầu, vòng đời của "phát minh" này sẽ trở thành một nguy cơ hiện hữu đối với môi trường, sức khỏe hệ sinh thái, bao gồm cả con người chúng ta.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 6.

Nhận ra tác hại khủng khiếp của việc tiêu dùng giấy vệ sinh vô tội vạ ở Mỹ, Robin Greenfield cho biết bản thân anh đã không còn sử dụng "phát minh" này trong suốt 6 năm nay. Thay vào đó, Greenfield quay trở lại với giải pháp thân thiện với thiên nhiên, đó là lá cây húng Châu Phi.

"Năm 2018, một người bạn đã tặng tôi 2 cành giâm của loài cây này", anh nói. "Đó là lần đầu tiên tôi nghe về nó và về cách những người Châu Phi đang sử dụng lá để thay thế giấy vệ sinh".

Ngay lập tức, Greenfield đã bị thuyết phục và bắt đầu trồng cây húng Châu Phi trong vườn nhà. "Đây là một trong những loại cây dễ trồng nhất mà tôi từng gặp. Bạn có thể trồng nó trong vườn hoặc trong chậu, và cây gần như tự phát triển như cây dại mà bạn không cần phải chăm bón quá nhiều ngoài việc thỉnh thoảng tưới nước cho nó".

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 7.

Chỉ từ 2 cành giâm húng Châu Phi, sau vài tháng, Greenfield đã nhân ra được một vườn cây, đủ lá để sử dụng cho nhu cầu của gia đình 5 người.

Vài tuần sau, những cành giâm đã bắt đầu bén rễ và trổ lá. Đến khoảng hơn một tháng, những chiếc lá của chúng đã trưởng thành đến kích thước lớn bằng một tờ giấy vệ sinh. Đó là lần đầu tiên Greenfield sử dụng chúng.

"Nó rất mềm, mềm hơn nhiều loại giấy vệ sinh mà bạn có thể mua được", anh mô tả. "Loại lá này cũng rất dai, ngón tay bạn sẽ không xuyên thủng chúng trong khi bạn chùi. Nên đừng có lo".

Điều thú vị nhất là vào buổi sáng sương mù, những chiếc lá húng Châu Phi giữ ẩm vì vậy, nó còn giống như một chiếc khăn ướt. Còn mùi hương thì cực kỳ dễ chịu, vì húng thuộc họ bạc hà, chúng sẽ tỏa ra mùi giống như bạc hà khiến bạn thấy cực kỳ thoải mái.

Còn về độ tiện dụng thì sao?

Greenfield cho biết: "Những chiếc lá này có thể được hái rồi đặt cạnh bồn cầu của bạn trong nhà vệ sinh, và chúng giữ được độ tươi rất lâu. Tôi đã từng sử dụng những chiếc lá được thu hoạch trước 3 tuần mà chúng vẫn giữ được độ mềm, độ dai và độ chắc của nó. Tôi cũng đã từng mang những chiếc lá này đi cắm trại và cất chúng trong túi trong suốt hơn một tuần lễ".

Vì vậy, lá húng Châu Phi thực sự là giải pháp thay thế không chỉ hoàn hảo mà còn tuyệt hơn cả giấy vệ sinh trên mọi khía cạnh.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 8.

Chỉ trong vòng một năm, Greenfield đã biến 2 cành giâm thành cả một khu vườn húng Châu Phi, nơi anh có thể thu hoạch được đủ lá để sử dụng cho nhu cầu vệ sinh của cả gia đình 5 người.

Không những vậy, Greenfield còn chia sẻ cành giâm cho hàng ngàn người trong cộng đồng của mình, những người biết đến anh với tư cách là một nhà vận động vì môi trường. "Nhiều người ban đầu có thể nghĩ việc sử dụng lá cây thay cho giấy vệ sinh chẳng khác nào quay trở lại thời tiền sử", Greenfield nói.

"Nhưng sự thật không phải vậy, tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng đó là một giải pháp của tương lai, một tương lai mà con người có thể sống hòa hợp với Trái Đất, và thực sự kết nối với Trái Đất. Một tương lai mà chúng ta không còn phải phụ thuộc vào các tập đoàn công nghiệp giấy để lau mông của chúng ta".

Nếu như một người Mỹ hiện phải dùng tới hơn 1.000 km giấy vệ sinh trong suốt cuộc đời mình, cái giá mà họ phải trả cho số giấy đó tương đương với 11.000 USD (280 triệu VNĐ). "Mỗi người đang phải dành ra trung bình 2 tháng lương trong cuộc đời mình chỉ để trả tiền mua giấy vệ sinh lau mông. Đó là 2 tháng làm việc, liên tục 8 tuần và 40 giờ mỗi tuần chỉ để trả tiền mua giấy lau mông", Greenfield nói.

"Nhưng tôi có thể tặng bạn một cành giâm rồi kể từ bây giờ, bạn sẽ không phải chi thêm bất kỳ một xu nào cho giấy vệ sinh nữa. Hãy tưởng tượng bạn có thể làm gì với hàng nghìn USD đó. Tự trồng cây giấy vệ sinh cũng giống như tự in được tiền vậy".

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 9.

Tuy nhiên, Greenfield cho biết tiền không phải là lý do cuối cùng và quan trọng nhất khi nói đến việc sử dụng lá cây thay cho giấy vệ sinh. "Nghĩ về lượng giấy vệ sinh và số tiền mà bạn đã phung phí mới chỉ là điểm khởi đầu", anh nói.

Điều quan trọng hơn cả là bằng việc chuyển đổi này, chính tại khoảnh khắc mà bạn quyết định ngừng sử dụng giấy vệ sinh, cũng là lúc bạn bắt tay vào bảo vệ được môi trường. Hành động của bạn đã góp phần bảo vệ những khu rừng nguyên sinh, giảm lượng năng lượng cần thiết để chặt cây, sản xuất và phân phối giấy.

"Đối với tôi, việc tới siêu thị và chọn loại giấy lau mông mềm nhất chính là đang chặt phá những khu rừng, hành vi này thể hiện sự thiếu tôn trọng tột cùng tới môi trường và không thể chấp nhận được", Greenfield nói.

Ngược lại, khi sử dụng lá cây thay cho giấy vệ sinh, bạn sẽ góp phần trồng thêm cây xanh và giảm năng lượng phát thải. Điều đặc biệt hơn cả là sau khi bạn sử dụng xong một chiếc lá, bạn có thể bỏ chúng vào thùng, ủ phân rồi mang đi chôn ngay trong vườn nhà bạn, để nuôi dưỡng chính những cây húng Châu Phi đã cho bạn lá.

Điều này thậm chí có thể giúp bạn tiết kiệm thêm hàng tỷ mét khối nước sạch, chỉ dùng để xả những mảnh giấy vệ sinh còn sót lại trong bồn cầu. Đồng thời, khi giấy vệ sinh không được vứt xuống, chúng cũng sẽ không làm tắc cống, không giải phóng các dư lượng thuốc tẩy độc hại ra môi trường.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 10.

Những chiếc lá húng Châu Phi sau khi sử dụng có thể được dùng để ủ phân, quay lại bón cho chính những cây húng đang cung cấp lá.

"Ngày nay, chúng ta đang nói nhiều về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, về việc đất đai bị suy thoái và an ninh lương thực, việc ủ phân bón từ chính phân của chúng ta thực sự là một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi trường này", Greenfield cho biết.

Phân trong lá sẽ cung cấp những chất dinh dưỡng mà chúng ta cần để tạo ra phân hữu cơ. Và như Greenfield nói, trong một viễn cảnh mà cả thế giới chuyển sang sử dụng lá cây thay cho giấy vệ sinh, chúng ta sẽ có một lượng phân hữu cơ khổng lồ để cải tạo đất, đủ để trồng cây lương thực và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 11.

Trước khi nghĩ đến với viễn cảnh tuyệt vời kể trên, bài toán đặt ra là bạn phải làm thế nào thuyết phục mọi người xung quanh mình từ bỏ giấy vệ sinh và chuyển sang dùng lá cây.

Để làm được điều này, Bảo tàng Quốc gia Kenya, quê hương của những cây húng Châu Phi, đang tổ chức các buổi tham quan trải nghiệm vườn ươm loài cây này. Nhiều du khách trong nước và cả nước ngoài đã tới đây để học cách giâm, trồng và nhân giống húng Châu Phi.

"Các lớp học của tôi hiện đã thu hút hơn 600 người tham gia. Mọi người đều hào hứng tìm hiểu về cách sử dụng lá cây này và thường xin cành giâm hoặc cây giống để mang về quê nhà của họ", Martin Odhiambo, một nhà thực vật học chuyên nghiên cứu cây truyền thống ở Kenya cho biết.

"Tôi biết một số người coi việc sử dụng lá làm giấy vệ sinh là một bước thụt lùi so với thời đại. Nhiều bạn trẻ ngày nay không biết đến loài cây này. Nhưng nó vốn là giấy vệ sinh của Châu Phi, và nó có tiềm năng trở thành một giải pháp thay thế xanh trong tương lai".

Odhiambo cho biết bản thân ông cũng trồng một vườn húng Châu Phi ở nhà và sẵn sàng chia sẻ cành giâm cho bất cứ ai trên khắp Kenya muốn tự trồng và sử dụng lá của nó.

"Tất cả những ai từng dùng thử đều rất ngạc nhiên về sự tiện lợi của giải pháp này. Nếu chúng ta giữ một tâm trí cởi mở và tiếp tục quảng bá loại cây này, cuối cùng chúng ta có thể sản xuất hàng loạt để sử dụng nó rộng rãi".

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 12.

Greenfield đã gửi hàng ngàn cành giâm và cây giống Plectranthus barbatus cho người dân trên khắp nước Mỹ, nhằm lan tỏa ý tưởng tuyệt vời của anh.

Quay trở lại nước Mỹ, Greenfield cũng đã gửi cành giâm và hạt giống húng Châu Phi qua đường bưu điện cho hàng ngàn người. Toàn bộ hoạt động này là miễn phí, nhưng người nhận cây giống có thể lựa chọn quyên góp 20 USD vào một quỹ chung, để Greenfield đẩy mạnh công việc truyền thông, giúp có nhiều người hơn nữa biết đến lá húng Châu Phi và từ bỏ giấy vệ sinh.

"Ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng chuyển sang dùng giấy vệ sinh tự trồng, bạn vẫn có thể trồng cây này ngay bây giờ, để phòng trường hợp xảy ra đại dịch khiến tình trạng thiếu giấy vệ sinh quay trở lại. Nhưng thực tế mà nói, chúng ta không cần phải chờ đợi điều đó.

Và những cây húng này cũng có thể được sử dụng để trang trí khu vườn nhà bạn. Chúng nở ra một loại hoa màu tím rất đẹp, rất thú vị, ngay cả khi bạn chẳng bao giờ lau mông bằng lá của chúng", Greenfield nói.

Những cây húng Châu Phi rung rinh trong gió này là một minh chứng cho sự kết nối truyền thống hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên, khi cuộc sống của chúng ta có thể hòa hợp với các sự sống khác trên Trái Đất.

Người Mỹ dùng 4,3 tỷ km giấy vệ sinh mỗi năm, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời: Và giờ, họ đang học người Châu Phi, quay lại dùng lá cây- Ảnh 13.

Martin Odhiambo, nhà thực vật học tại Bảo tàng Quốc gia Kenya.

"Có nhiều người nghĩ rằng người Châu Phi sử dụng lá cây làm giấy vệ sinh chỉ vì họ quá nghèo. Nhưng chúng tôi thực sự tôn vinh truyền thống đó của họ. Người dân Châu Phi đã có mối liên hệ với loài húng của họ trong suốt hàng ngàn năm. Hàng trăm nền văn minh đã duy trì mối quan hệ với loài cây này và nhiều nền văn hóa vẫn sử dụng chúng cho tới tận ngày nay", anh nói.

"Chúng tôi biết ơn những nền văn hóa này, vì loài cây này sẽ không thể tồn tại nếu không có sự quản lý của họ. Họ đã sống hòa hợp với Trái Đất và với tất cả các loài thực vật và động vật họ hàng của chúng ta, từ rất lâu trước khi các nền văn hóa thống trị và chủ nghĩa thực dân xuất hiện đã phá hủy sự hòa hợp đó".

Những người Phương Tây có thể nghĩ giấy vệ sinh là một "phát minh" vĩ đại trong công cuộc giữ gìn vệ sinh mông cho loài người. Nhưng để so sánh, một chiếc lá với một mảnh giấy vệ sinh, những chiếc lá húng Châu Phi, trên mọi khía cạnh, đều tỏ ra ưu việt hơn hẳn.

"Vì vậy, đối với bất kỳ ai cảm thấy hơi ngần ngại khi thử dùng lá cây thay cho giấy, tôi muốn nói rằng hãy bỏ qua nỗi lo lắng về việc mọi người nghĩ gì về bạn. Chỉ cần bạn tự nhủ với mình rằng, 'Tôi sẽ là chính tôi, tôi có thể lau mông của mình bằng những chiếc lá cây mềm mại, do chính tay tôi trồng'. Chẳng có gì đáng buồn cười hay xấu hổ về điều đó cả".