Sẽ giao Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế VAT
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ về quy định mức ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế VAT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị giao cho Chính phủ quy định.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Ảnh: GIA HÂN
Thống nhất giao Chính phủ quy định
Về nội dung ngưỡng không chịu thuế VAT, nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần xin ý kiến lại Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay trong báo cáo thẩm tra, cơ quan thẩm tra, soạn thảo thống nhất nâng lên mức 200 triệu đồng. Còn trong trường hợp CPI thay đổi 20%, ông Thanh đề xuất có thể ủy quyền, phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Nếu Chính phủ thống nhất theo hướng này thì chúng ta thống nhất", ông Thanh nói.
Báo cáo giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết ban soạn thảo thấy rằng luật hiện hành quy định 100 triệu đồng và giờ điều chỉnh lên mức 200 triệu đồng/năm như dự luật cũng thấy phù hợp.
Ông Cao Anh Tuấn nêu rõ Thủ tướng vẫn tha thiết là giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế. "Nếu giao cho Chính phủ đúng ý kiến Thủ tướng, còn hiện như dư luật điều chỉnh lên 200 triệu cũng phù hợp", ông Tuấn nói.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói về vấn đề quy định mức ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế thống nhất sẽ giao cho Chính phủ quy định.
Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Quốc hội chỉ quyết những gì thuộc thẩm quyền, còn nội dung nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì giao Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm.
Với nội dung Chính phủ có ý kiến khác giữa các lần trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chính phủ cần có văn bản báo cáo cụ thể để đảm bảo sự thống nhất, thu hẹp các nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Về các nội dung qua thảo luận còn ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời giải trình rõ, khách quan để tạo sự đồng thuận.
Theo chương trình, dự kiến dự luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào đợt 2 của kỳ họp (ngày 26-11).