Tai hại khi phán xét mỡ thừa trên cơ thể

Các nhà phê bình cho rằng thuật ngữ BMI đã trở thành sự phán xét của xã hội khi gộp mọi người thành những loại cơ thể tùy tiện, duy trì quan niệm sai lầm về cân nặng.

Các nhà phê bình cho rằng BMI duy trì quan niệm sai lầm về trọng lượng cơ thể.

Viết tắt của chỉ số khối cơ thể, BMI là phép đo thô lượng mỡ cơ thể của một người dựa trên chiều cao và cân nặng. Chỉ số được các nhà nghiên cứu sử dụng trên nhiều người để xem cân nặng ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của bệnh tật và các tình trạng mạn tính, theo CNN.

Đối với những trường hợp trên, việc phân chia dân số thành các loại cân nặng theo BMI hoạt động tốt. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi chỉ số BMI tăng lên, thì nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường loại 2, các vấn đề về hô hấp, đột quỵ, bệnh tâm thần, ngưng thở khi ngủ, viêm xương khớp cũng tăng theo, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng thuật ngữ BMI đã trở thành sự phán xét của xã hội bằng cách gộp các cá nhân thành những loại tùy tiện, duy trì quan niệm sai lầm về trọng lượng cơ thể.

Theo nghiên cứu, sự kỳ thị về cân nặng đối với những người thừa cân hoặc béo phì vẫn còn rất phổ biến. "Xã hội và mạng xã hội luôn nói: 'Bạn phải gầy hơn; bạn không đủ tốt trừ khi bạn gầy. Bạn cũng không thể khỏe mạnh nếu không gầy'. Trong khi đó, bạn có thể khỏe mạnh và to lớn, cũng như có thể gầy và ốm yếu", Joann Hendelman, Giám đốc lâm sàng của Liên minh Quốc gia về Rối loạn Ăn uống, cho biết.

Còn Susan Vibbert, người ủng hộ chống phân biệt đối xử về cân nặng, làm việc trong ban giám đốc của Dự án HEAL, nói: "Dựa trên BMI, cân nặng được cho tương đương với sức khỏe, nhưng điều này không đúng".

Thomas Wadden, giáo sư tâm lý học tại Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, cho rằng phép đo BMI có thể sai hoàn toàn trong một số trường hợp.

"Hãy xem xét một phụ nữ trẻ cao 1,65 m và nặng 72,5 kg. Cô ấy sẽ bị cho là thừa cân với chỉ số BMI trên 25", Wadden, cựu giám đốc Trung tâm Rối loạn Cân nặng và Ăn uống của Perelman, cho biết.

"Nhưng cô ấy có thể cực kỳ cơ bắp và phần lớn trọng lượng dồn vào phần dưới cơ thể, nơi nó không gây hại cho sức khỏe như trọng lượng ở phần trên".

Cách tính BMI

Công thức tính chỉ số BMI của người trưởng thành: cân nặng (kg)/ chiều cao x chiều cao (m).

Theo định nghĩa hiện nay, chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 là cân nặng đạt chuẩn, từ 25 đến 29,5 là thừa cân, từ 30 đến 34,9 là béo phì, từ 35 đến 39,5 là béo phì loại 2 và trên 40 là béo phì "nghiêm trọng" hoặc loại 3. Mọi người được coi là thiếu cân nếu chỉ số BMI thấp hơn 18,5.

Cơ và xương nặng hơn mỡ, vì vậy các phép đo BMI có thể đánh giá cao hơn thực tế về lượng mỡ trong cơ thể ở các vận động viên và những người có cơ bắp hoặc khung cơ thể lớn. Ngược lại, BMI có thể đánh giá thấp hơn thực tế về lượng mỡ cơ thể ở người lớn tuổi và bất kỳ ai bị teo, mất cơ, theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan ở Boston.

chi so bmi anh 1

Chỉ số BMI được sử dụng trong các phòng khám và có tác dụng nhất định.

Ngoài ra, BMI còn có nhiều sai số khác: Phụ nữ thường có nhiều mỡ trong cơ thể hơn và ít khối lượng cơ bắp hơn nam giới, trong khi một số nhóm chủng tộc và sắc tộc có khuynh hướng di truyền để mang nhiều hoặc ít khối lượng cơ nạc và mỡ trong cơ thể.

Theo CDC, việc sử dụng chỉ số BMI cho trẻ em cũng thường không chính xác. "Rất khó để đưa ra phạm vi cân nặng hợp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên vì việc giải thích chỉ số BMI phụ thuộc vào cân nặng, chiều cao, tuổi tác và giới tính. Do đó, cha mẹ không nên sử dụng máy tính BMI dành cho người lớn để xác định tình trạng cân nặng của con mình", CDC lưu ý.

Lợi ích và hạn chế

Tiến sĩ Justin Ryder, phó giáo sư phẫu thuật và nhi khoa tại Trường Y khoa Feinberg của Đại học Northwestern ở Chicago, cho biết việc sử dụng chỉ số BMI trong phòng khám vẫn có tác dụng.

"Có đủ dữ liệu để chứng minh rằng nếu thừa cân trong một khoảng thời gian đủ dài sẽ khiến một người nhiều khả năng mắc các bệnh mạn tính hơn. Nó có thể không phải ở dạng tăng huyết áp, tiểu đường hay bệnh tim, mà có thể là các vấn đề về cơ xương, trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ làm giảm chất lượng cuộc sống".

Tuy nhiên vì những hạn chế nhất định của BMI, Ryder khuyên mọi người nên có cái nhìn bao quát hơn.

chi so bmi anh 2

Không nên chỉ sử dụng BMI để đo lường tình trạng cân nặng, lượng mỡ, sức khỏe của một người.

"Các bác sĩ phải có một bức tranh lớn hơn, bao quát hơn. Họ nên nhìn vào bệnh nhân trưởng thành của mình và không chỉ nói: 'Chỉ số BMI của bạn là 31, bạn cần giảm cân', vì đó không nhất thiết phải là câu trả lời đúng trong mọi trường hợp".

Theo Ryder, hiện vẫn chưa có phương pháp đo lường toàn diện nào có thể hoàn toàn thay thế chỉ số BMI.

Ví dụ, chu vi vòng eo là một cách khác để đo lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là loại mỡ nguy hiểm nhất đối với sức khỏe: mỡ nội tạng hoặc mỡ ẩn. Tuy vậy, ngay cả những người gầy cũng có thể có mỡ ẩn, một tình trạng được gọi là TOFI, hay "gầy ngoài, béo trong".

"Các công cụ khác mà chúng ta có thể sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể không thực tế về mặt lâm sàng. Chúng là những công cụ tốt từ góc độ nghiên cứu nhưng thực hiện trong phòng khám sẽ chỉ khiến bệnh nhân thêm tốn kém. Chúng cũng không thực sự mang lại nhiều thông tin hơn những gì chúng ta đang sử dụng", Wadden, giáo sư tâm lý học tại Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, nhận định.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.