Tàu trật bánh ở nhiều vị trí, cần rà soát mọi yếu tố

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan đang rà soát, phân tích mọi yếu tố để ngăn tình trạng tàu trật bánh khi đi qua đường sắt ở Thừa Thiên Huế.

Rà soát tất cả các yếu tố để ngăn tàu trật bánh - Ảnh 1.

Tàu SE2 bị trật bánh khỏi đường ray khi qua đoạn đường sắt thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế hôm 7-8 - Ảnh: BẢO PHÚ

Sau các vụ tàu trật bánh xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đoàn công tác vào khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân để ngăn ngừa.

Ngày 30-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau chuyến kiểm tra, ông Đặng Sỹ Mạnh - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết các vụ tàu trật bánh gần đây đều xảy ra trên đường sắt Bắc - Nam qua Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, sự cố tàu trật bánh xảy ra ở nhiều vị trí, không tập trung vào một điểm trên đường sắt. Tính chất mỗi vụ có sự khác nhau nên phải kiểm tra, đánh giá kỹ mọi yếu tố từ đường, toa xe, thiết bị trên đường ray để ngăn ngừa xảy ra trật bánh.

Theo ông Mạnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để rà soát, ngăn ngừa tàu trật bánh. Trước mắt cho tàu chạy chậm tại những đoạn đường sắt đang sửa chữa.

Đồng thời, ngành đường sắt thành lập tổ công tác hiện trường để kiểm tra ngay hiện trạng đường tại những vị trí xung yếu sau mỗi chuyến tàu chạy qua; tổ chức sửa chữa xử lý ngay tại chỗ nếu phát sinh bất thường.

Trong khoảng hai tháng gần đây, trên đoạn đường sắt Bắc - Nam qua phía nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 6 vụ tàu trật bánh với tàu khách và tàu hàng.

Đoạn đường sắt trên mỗi ngày có hàng chục đoàn tàu chạy qua. Các sự cố tàu trật bánh không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng làm chậm giờ nhiều đoàn tàu, khiến khách lo lắng.

Sáu vụ tàu trật bánh tại Thừa Thiên Huế trong hai tháng gần đây

Khoảng 14h04 ngày 28-7, tàu SE11 gồm đầu máy và 12 toa xe chạy hướng Bắc - Nam, khi đến ghi N10 ga Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bị trật bánh toa xe số 10 (trật bánh 4 trục) và toa 11 (trật bánh 4 trục).

Khoảng 16h20 ngày 7-8, tàu SE2 gồm đầu máy và 14 toa xe chạy hướng Nam - Bắc, khi đến km 720+950 thuộc khu gian Cầu Hai - Truồi (huyện Phú Lộc), bị trật bánh toa xe thứ 11.

Khoảng 15h15 ngày 31-8, tàu SE2 gồm đầu máy và 14 toa xe chạy hướng Nam - Bắc đang vào đường số 1 ga Lăng Cô thì toa xe thứ 3 trong đoàn tàu bị trật bánh 2 trục.

Khoảng 13h ngày 15-9, tàu SE6 gồm đầu máy và 14 toa xe chạy hướng Nam - Bắc, tới km 751+620 giữa ga Lăng Cô - Thừa Lưu (huyện Phú Lộc) thì trật bánh toa xe thứ 6.

Khoảng hơn 2h sáng ngày 28-9, tàu hàng H16 gồm đầu máy và 24 toa xe chạy hướng Bắc - Nam, khi đến km 752+250 giữa ga Lăng Cô - Thừa Lưu thì đầu máy bị trật bánh 2 trục.

Khoảng 21h21 ngày 28-9, tàu hàng AH1 gồm đầu máy kéo 21 toa xe chạy đến km 752+350 giữa ga Thừa Lưu - Lăng Cô thì đầu máy bị trật bánh trục số 1.

Rà soát tất cả các yếu tố để ngăn tàu trật bánh - Ảnh 2.Thêm một vụ tàu trật bánh ở Huế

Thêm một vụ tàu chở hàng bị trật bánh khi đi qua đoạn đường sắt thuộc địa phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, nâng số vụ tàu bị trật bánh qua đoạn đường ray này lên 6 vụ trong 2 tháng.