Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Nhóm ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế mới đưa ra cảnh báo công khai đầu tiên về những rủi ro do chiến tranh thương mại và kế hoạch bãi bỏ quy định của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.
BIS là diễn đàn dành cho các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, giúp quản lý dự trữ ngoại hối của các nước và cũng là nơi đặt trụ sở của Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel.
Người đứng đầu BIS Agustin Carstens cho biết, diễn biến thương mại hiện là mối lo ngại lớn, trong khi chính sách tài khóa, quy định, chính sách nhập cư và bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn đều đặt ra những dấu hỏi lớn.
Ông Carstens, người trước đây là thống đốc Ngân hàng Mexico cho biết trong bài phát biểu tại Thành phố Mexico: "Sự bất ổn chính sách lan rộng như vậy sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng trung ương theo nhiều cách". Ông cho biết tăng trưởng kinh tế có khả năng bị ảnh hưởng khi các công ty hoãn đầu tư và các hộ gia đình hoãn các giao dịch mua lớn.
Thị trường tài chính cũng có khả năng biến động nhiều hơn, do thị trường tiền tệ và tài sản có biến động đáng kể trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đánh giá các mối đe dọa thuế quan đối với Canada, Mexico và Trung Quốc.
Ông Carstens cho biết thêm: "Một số biến động giá tài sản này, đặc biệt là sự mất giá của tỷ giá hối đoái, có thể gây ra lạm phát", đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương ứng phó bằng cách tập trung vào nhiệm vụ chính của họ là kiểm soát lạm phát.
Tổng thống Trump đã áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Đồng thời, ông Trump đã đình chỉ mối đe dọa áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, đồng ý tạm dừng trong 30 ngày sau khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo của các quốc gia này. Ngoài ra, ông Trump đã đặt Liên minh châu Âu là mục tiêu tiếp theo của mình.
Đồng thời, ông Carstens nhấn mạnh, việc ông Trump tái đắc cử đã đe dọa phá vỡ sự đồng thuận toàn cầu vốn đã mong manh về việc ban hành các quy định tài chính, gây ra lo ngại, đặc biệt là ở châu Âu, về một cuộc chạy đua xuống đáy về giám sát trên toàn cầu.
Ngoài ra, ông Carstens cũng cảnh báo về các chính sách tài khóa lỏng lẻo và khả năng gia tăng nợ, thường thúc đẩy lạm phát và làm tiền tệ chao đảo. Trong trường hợp cực đoan, việc định giá lại nợ công đột ngột có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính.
Mặt khác, còn có nguy cơ chênh lệch lớn giữa lãi suất của Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác. "Tăng trưởng kinh tế tại Mỹ gần đây mạnh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới", Carstens cho biết. "Nếu điều này tiếp tục, chúng ta có thể thấy sự biến động lớn hơn trong các thiết lập chính sách của ngân hàng trung ương, với các hiệu ứng lan tỏa đến dòng vốn, tỷ giá hối đoái và điều kiện tài chính toàn cầu".
Còn quá sớm để khẳng định về tác động
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về tác động tiềm tàng của căng thẳng thương mại toàn cầu và mối đe dọa tăng thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath cho rằng, vẫn còn quá sớm để có bất kỳ phân tích chính xác nào về hậu quả của việc Mỹ áp thuế quan cao hơn đối với các quốc gia khác.
"Tất cả các quốc gia đều có lợi khi cùng nhau hợp tác, giải quyết những bất đồng và đảm bảo có một môi trường thuận lợi cho thương mại quốc tế", bà Gopinath phát biểu tại một cuộc họp báo.
Tổng thống Mỹ muốn gì? Đó là câu hỏi mà mọi người đang đặt ra, khi các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang cố gắng hiểu về kỷ nguyên ngoại giao mới được thực hiện thông qua thương mại.
Trên thực tế, lo ngại về thuế quan của Mỹ dưới thời ông Trump, nhiều thị trường đã biến động mạnh mẽ.
Đơn cử như thị trường dầu mỏ. Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu ngày 7/2 tại châu Á nhưng đang trên đà giảm tuần thứ ba liên tiếp do bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc và các mối đe dọa tăng thuế đối với các quốc gia khác. Giá dầu thô Brent tương lai tăng 15 cent lên 74,44 USD/thùng và dự kiến giảm 3,2% trong tuần này, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2024. Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ tăng 9 cent lên 71,70 USD/thùng, giảm 2,7% so với tuần trước.
Theo các nhà phân tích tại BMI, áp lực giảm giá bắt nguồn từ dòng tin tức xoay quanh thuế quan, với mối lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng làm gia tăng nỗi lo về nhu cầu dầu mỏ suy yếu.
Mới đây, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới về mức thuế quan mới 10% của Tổng thống Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và việc hủy bỏ quyền miễn thuế đối với các gói hàng giá trị thấp, với lý do các hành động này là "bảo hộ" và vi phạm các quy tắc của WTO.
Yêu cầu tham vấn thương mại của Trung Quốc với Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các nhà vận chuyển và bán lẻ đang bối rối về việc ông Trump đóng cửa miễn trừ "de minimis" đối với các gói hàng nhập khẩu có giá trị dưới 800 USD và được các công ty thương mại điện tử sử dụng rộng rãi, bao gồm Shein, Temu và Amazon.
Đối với thị trường vàng, Citi Research vừa nâng dự báo giá vàng trung bình trong ngắn hạn và năm 2025, nêu ra các cuộc chiến thương mại và rủi ro địa chính trị dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cùng với hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương.
Cụ thể, ngân hàng này đã nâng mục tiêu giá ba tháng từ 2.800 USd lên 3.000 USD một ounce và tăng dự báo trung bình năm 2025 từ 2.800 USd lên 2.900 USD một ounce. "Thị trường vàng tăng giá có vẻ sẽ tiếp tục dưới thời ông Trump 2.0 với các cuộc chiến thương mại và căng thẳng địa chính trị củng cố xu hướng đa dạng hóa dự trữ hoặc phi đô la hóa và hỗ trợ nhu cầu vàng của khu vực chính thức tại các thị trường mới nổi", Citi Research lưu ý.