TP Hồ Chí Minh: Chuyển sang xe bus cỡ nhỏ là phù hợp, nhưng cần lộ trình

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải chọn loại xe bus cỡ nhỏ để giao thông thuận lợi hơn, nhưng cần thời gian và lộ trình.

Một trong những khó khăn mà TP Hồ Chí Minh đang đối mặt là tình trạng giao thông quá tải do số lượng phương tiện tăng nhanh hơn so với hạ tầng. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm và khi trời mưa, xe bus quá lớn (chủ yếu loại 50 chỗ ngồi), không phù hợp với điều kiện đường sá thành phố; lề đường thì bị chiếm dụng kinh doanh mua bán, người đi bị phải tràn xuống đường khiến lòng đường vốn chật lại càng thêm chật và lưu thông khó khăn.

Nhiều ý kiến đề nghị chính quyền thành phố thay đổi kích cỡ xe bus, sử dụng loại xe 30 chỗ ngồi trở xuống; đồng thời xử lý rốt ráo và mạnh tay với tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

Phản hồi thông tin về vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, dù đã có nhiều giải pháp như đầu tư, mở rộng các tuyến đường và tăng cường lực lượng CSGT, tình trạng ùn tắc vẫn còn diễn ra. Vì vậy, vào các khung giờ cao điểm, TP đã hạn chế một số phương tiện lưu thông nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

TP Hồ Chí Minh có lượng phương tiện giao thông đăng ký và tham gia lưu thông ngày càng tăng trong khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp với tốc độ gia tăng của phương tiện. Đặc biệt thời gian vừa qua học sinh, sinh viên các cấp nhập học nên gia tăng số lượng phương tiện và người tham gia giao thông, cùng với tình trạng thời tiết mưa lớn, một số tuyến đường ngập nước dẫn đến tình trạng một số tuyến đường bị ùn ứ, kẹt xe gia tăng.

Thành phố đã đầu tư mở rộng các con đường, các tuyến vành đai, cầu vượt, hầm chui và lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường các hoạt động điều tiết giao thông nhưng tại một số thời điểm vẫn còn xảy ra tình trạng ùn ứ, phương tiện di chuyển khó khăn.

Vì vậy vào các khung giờ cao điểm, Thành phố Hồ Chí Minh đã hạn chế một số phương tiện lưu thông như xe tải (theo Quyết định 23/2019/ QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2019), nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đối với phương tiện bus là phương tiện giao thông công cộng xếp vào loại phương tiện được hưởng một số ưu tiên như: những tuyến tổ chức 1 chiều ô tô nhưng phương tiện bus ngoại lệ, được ưu tiên lưu thông 2 chiều.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay: "Phương tiện bus có kích thước lớn, loại 50 chỗ ngồi và 30 chỗ đứng thích hợp cho việc vận chuyển hành khách với số lượng lớn, đặc biệt là lượng học sinh, sinh viên rất hiệu quả, do kích thước lớn nên việc di chuyển qua các giao lộ, vào bến, trạm dừng chờ... có khó khăn, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Tuy nhiên, nếu thay thế phương tiện có kích thước nhỏ hơn thì với số lượng hành khách lớn phải huy động nhiều phương tiện hơn, dẫn đến số lượng, tần suất phương tiện tăng lên, người điều khiển phương tiện cũng tăng lên, vì vậy cần có đánh giá, tổ chức thí điểm tính hiệu quả. Công an Thành phố (Phòng CSGT) đã đề xuất với Sở Giao thông Vận tải chọn loại phương tiện bus nhỏ, loại 30 chỗ ngồi, loại 24 chỗ ngồi lưu thông các lộ trình có khổ đường nhỏ để phương tiện lưu thông thuận lợi và đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên cần thời gian lộ trình để thay thế các loại xe bus nhỏ.

"Ngoài ra, trong công tác chỉ đạo thời gian vừa qua, Ban Giám đốc Công an Thành phố đã tập trung quán triệt, chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và Công an cấp xã tăng cường phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức, sắp xếp, tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ giao các đơn vị nghiệp vụ tập trung kiểm tra các đơn vị trong thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc về nội dung này, quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố" - Thượng tá Hà cho biết thêm.