33.910 tỷ đồng mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Ban Quản lý dự án 7 vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án mở rộng đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

33.910 tỷ đồng mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận- Ảnh 1.

Theo đó, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND TPHCM về việc thống nhất không đưa tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm (tổng chiều dài khoảng 13 km) vào dự án. UBND TPHCM sẽ bố trí nguồn kinh phí phù hợp để đầu tư 2 đoạn tuyến và hoàn thành đồng bộ với dự án để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Ban Quản lý dự án 7 cũng đề nghị Bộ GTVT thống nhất với UBND tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang không đưa hạng mục đường gom dân sinh (tổng chiều dài khoảng 67 km) vào dự án và đề nghị 2 địa phương thực hiện các hạng mục này như là dự án độc lập.

Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang cũng cần sớm có ý kiến về việc đảm bảo lợi ích hợp pháp giữa nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với nhà đầu tư thực hiện giai đoạn I (đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận) để tránh phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện, vướng mắc trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo.

Về phương án hoàn trả vốn ngân sách nhà nước ứng trước để đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (giai đoạn I), Ban Quản lý dự án 7 đồng thuận với phương án do các nhà đầu tư đề xuất.

Cụ thể, sau khi nhà đầu tư hoàn thành thu phí hoàn vốn đầu tư và kết thúc hợp đồng dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ chuyển giao cho Nhà nước tiếp tục thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước ứng trước để đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Theo đề xuất của các nhà đầu tư, dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91 km, bao gồm cả nút giao Chợ Đệm trong giai đoạn 2024 - 2028, đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách nhà nước tham gia.

Toàn tuyến được đề xuất đầu tư mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục. Nếu đầu tư đồng bộ cả trạm dừng nghỉ và hệ thống kiểm soát, điều hành giao thông thông minh, dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ có tổng mức đầu tư, bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công là 33.910 tỷ đồng.

Trong đó, vốn chủ sở hữu là 5.087 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư), vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 28.823 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư). Dự án sẽ có thời gian hoàn vốn là 18 năm, 3 tháng.

Về tiến độ, dự án sẽ được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án trong giai đoạn từ nay đến quý 3-2025. Dự án sẽ được triển khai thực hiện từ quý 1-2026 đến quý 4-2028.