Thủ tướng chỉ đạo tập trung phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Sáng ngày 16/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL. Thủ tướng đã 5 lần đi kiểm tra và làm việc trực tiếp với các bộ, ngành địa phương. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã nhiều lần kiểm tra, họp và chỉ đạo giải quyết các vướng mắc.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội song có những điểm nghẽn, hạn chế về hạ tầng giao thông. Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông khu vực.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Các dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần; Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm 2 dự án thành phần; Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Dự án cầu Rạch Miễu 2; Dự án cầu Đại Ngãi.
Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025. Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km và 2 dự án cầu, đường bộ.
Còn dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và Dự án cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85) hoàn thành năm 2027. Hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%.
Theo Thủ tướng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Theo quy hoạch được phê duyệt, khu vực khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng gần 1.200 km. Trước nhiệm kỳ này, toàn vùng chỉ có 39 km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Với sự quyết liệt của Trung ương và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét.
Đến nay, toàn vùng có 120 km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác; có 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và đang phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025; có 215 km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư (gồm: Đức Hòa - Mỹ An (74 km), Mỹ An - Cao Lãnh (26 km), Hà Tiên - Rạch Giá (100 km), cầu Cần Thơ 2 (15 km).
Thị trường bất động sản "vào guồng đua" cuối năm
Ông Dương Quốc Thủy - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Cần Thơ nhấn mạnh, bất động sản Tây Nam bộ đang có nhiều cơ hội để “cất cánh” trong vận hội phát triển của bất động sản thời kỳ mới nhờ lực đẩy từ hạ tầng giao thông. Theo đó, sóng gió bất động sản năm 2023 đang dần khép, thị trường ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng xuất hiện những điểm sáng, tạo bước đệm từ cuối năm.
Gần đây, thị trường xuất hiện một số dự án “điểm” kick off hoặc giới thiệu sản phẩm mới khiến bất động sản nơi đây nhộn nhịp trở lại. Chẳng hạn, mới đây Nam Long chính thức kick off dự án Nam Long II Central Lake giai đoạn 2 tại Q.Cái Răng, Tp.Cần Thơ. Vào tháng 11/2024 chủ đầu tư này sẽ mở bán với 274 sản phẩm thấp tầng, bao gồm 258 sản phẩm đất nền (18 biệt thự song lập, 41 biệt thự đơn lập, 152 nhà phố liên kế, 47 nhà phố thương mại) và 16 nhà phố thương mại xây sẵn. Đây cũng là nguồn cung đất nền hiếm hoi trong khu đô thị xuất hiện tại Tp.Cần Thơ ở giai đoạn cuối năm. Trước đó, Nam Long cũng đã thành công tại Cần Thơ với 2 dự án khu đô thị kiểu mẫu là Nam Long 1 quy mô 23ha ra mắt 2002 và Nam Long Hồng Phát 16ha ra mắt năm 2016.
Trong khi đó, xét chung nguồn cung của Tây Nam Bộ thì cuối năm nay một số sản phẩm rục rịch thị trường, chủ yếu nguồn hàng cũ mở bán giai đoạn tiếp. Chẳng hạn như tại An Giang có dự án The New City Châu Đốc, KĐT Bắc Long Xuyên, KDC Kênh Đào, KDC Chợ Kênh F, Nhà phố tại dự án Phúc An Asuka; tại Hậu Giang có dự án CLD Maison, dự án Cát Tường 2, KDC Đại Thành Ngã 7, DIC Vị Thanh…
Theo Hiệp hội bất động sản Cần Thơ (CaREA), giá bất động sản trong năm 2024 tại vùng ĐBSCL hầu như giữ nguyên, không tăng so với năm 2023. Cụ thể, giá đất nền bình quân tại Tp.Cần Thơ khoảng 31,2 triệu đồng/m2; An Giang 19,3 triệu đồng/m2; Kiên Giang 16 triệu đồng/m2; Đồng Tháp 15,1triệu đồng/m2; Bạc Liêu – Cà Mau 13 triệu đồng/m2; Tiền Giang – Hậu Giang 12,7 triệu đồng/m2; Vĩnh Long 11,8 triệu đồng/m2; Sóc Trăng 10,4 triệu đồng/m2; Bến Tre 9,4 triệu đồng/m2 và Trà Vinh 7,4 triệu đồng/m2.
Dự báo của CaREA, nhu cầu vẫn sẽ tập trung ở phân khúc căn hộ và đất nền có nhu cầu ở thực, với mức giá phù hợp. Các nhà đầu tư dồn dòng tiền vào các dự án đất nền có sổ sẵn tại khu trung tâm TP. Giá phân khúc đất nền dự báo sẽ tăng từ cuối năm 2024 bởi quy định không được phân lô bán nền ở các đô thị loại đặc biệt, I, II, III có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Thực tế, nếu so với thị trường khu vực khác, Tây Nam Bộ là một thị trường ít biến động, chưa bị sốt ảo, thổi giá nên nhà đầu tư ít rủi ro hơn khu đầu tư; giá cả còn ở ngưỡng hợp lý nên vẫn "rộng cửa" rộng cho nhà đầu tư.
Về thị trường, CaREA nhận định các nhà đầu tư tiếp tục triển khai, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với dự án cũ. Đồng thời, hoạt động M&A dự án có thể tăng mạnh khi mà các dự án có hướng ra ở công tác pháp lý. Niềm tin thị trường tăng nhẹ ở giai đoạn cuối năm, cộng với nhiều thông tin tích cực tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như quy hoạch, hạ tầng, khu công nghiệp... sẽ là động lực thúc đẩy bất động sản trong tương lai. Khi các dự án cũ được tháo gỡ về mặt pháp lý, nguồn cung nhà ở có thể tăng mạnh ở giai đoạn 2025 - 2026.
Trong báo cáo mới quý 3/2024 mới đây, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cũng khẳng định, thị trường bất động sản đang có những điểm sáng tích cực về giao dịch cũng như tâm lý người mua. Cụ thể, các dự án mới ra hàng ghi nhận tỉ lệ người quan tâm, booking/đặt cọc tốt, trên 70%. Nhiều căn/nền có vị trí đẹp để mua được nhà đầu tư còn phải chấp nhận trả tiền chênh. Theo đơn vị này, trong quý cuối năm, thị trường xuất hiện một số dự án quy mô lớn bắt đầu triển khai chạy rumor giúp thị trường trở lên nhộn nhịp hơn.
Quả thực, những bệ đỡ hạ tầng giao thông và niềm tin người mua nhà ngày càng cải thiện đã và đang tạo nên "làn gió mới" cho thị trường bất động sản dịp cuối năm. Dẫu thách thức vẫn còn song cơ hội là hiện diện khi các bên cùng lúc nỗ lực để đưa thị trường vào nhịp mới, phát triển bền vững, lành mạnh.