Khi nào triển khai thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM?

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM kiến nghị triển khai thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố sau khi hình thành, đưa vào khai thác các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7.

Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND TP báo cáo rà soát tiến độ thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, nội dung đáng chú ý là Sở đã đề xuất chưa thực hiện thu phí ô tô vào trung tâm thành phố theo đề án “Thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP.HCM".

Theo Sở GTVT TPHCM, trong dự thảo thuyết minh Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 do Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất có nêu: Với mục tiêu ưu tiên phát triển giao thông công cộng, việc hạn chế giao thông cá nhân được thực hiện thông qua việc thu phí ô tô, đặc biệt là ở khu vực trung tâm TP. Theo đó, thu phí ô tô các khu vực gồm quận 1 và một phần quận 3 trong giai đoạn đầu trước năm 2030 và mở rộng khu vực thu phí đến trong vành đai trong của hệ thống metro (tuyến số 6) khi các tuyến metro số 1 , 2, 3, 4, 5, 6, 7 hoàn thành ở khu vực trung tâm và đưa vào hoạt động.

Do đó, việc tổ chức triển khai đầu tư hệ thống thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP cần xem xét thực hiện theo lộ trình phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng.

Khi nào triển khai thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM?- Ảnh 1.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM kiến nghị triển khai thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố sau khi hình thành, đưa vào khai thác các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7. (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, Sở GTVT TPHCM cho biết, phương án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố là một trong các giải pháp đồng bộ với các nhóm giải pháp thuộc Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM” đã được phê duyệt. Đây là giải pháp nhằm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tái đầu tư hạ tầng giao thông.

Theo Sở GTVT, Sở đã giao cho Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông Đô thị nghiên cứu, đánh giá tình hình giao thông trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực trung tâm thành phố nói riêng về hiện trạng quy hoạch hạ tầng giao thông; vận tốc lưu thông các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố; dự báo khả năng tăng trưởng các loại phương tiện cá nhân, tỷ lệ đáp ứng của hệ thống giao thông công cộng, dự báo tình hình giao thông khu vực trong thời gian tới để đề xuất phương án triển khai thực hiện.

Theo Sở GTVT việc thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố sẽ tác động đến tình hình giao thông, nhu cầu lưu thông của nhân dân và nhiều khía cạnh của xã hội. Do đó, Đề án sẽ được nghiên cứu kỹ, tham vấn các đơn vị chức năng và các chuyên gia đầu ngành để thực hiện phản biện xã hội và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo tính pháp lý và khoa học phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ ưu tiên phát triển hoàn thiện các bến bãi đỗ xe ở khu vực vành đai, tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng và các tiện ích phục vụ cho hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Đến năm 2035, xây dựng hoàn thành thêm các tuyến metro khác gồm: tuyến số 3 (Hiệp Bình Phước - vòng xoay Dân Chủ - Tân Kiên - An Hạ) dài 29,5 km; tuyến số 4 (depot Đông Thạnh - Bến Thành - ga Bà Chiêm đường Vành đai 3) dài 36,8 km; tuyến số 5 (ga Võ Chí Công đường Vành đai 2 - ngã tư Bảy Hiền - depot Đa Phước) dài 32,5 km; tuyến số 6 (Bà Quẹo - sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Triệu - Phú Hữu) dài 22,8 km.