Bilibili, nền tảng chia sẻ video lớn nhất nhì Trung Quốc, có hơn 300 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và có tới 3,8 triệu người sáng tạo nội dung.
Tuy vậy, từ cuối tháng 3, một số vlogger nổi tiếng nhất đã ngừng hoạt động, rút lui.
Sixth Tone đưa tin trong số 100 người KOL hàng đầu của Bilibili năm 2018, gần 20% không còn đăng tải nội dung mới. Lý do đến từ việc trang này liên tục sửa đổi chính sách kiếm tiền gây bất lợi cho nhiều kênh.
The Paper trích dẫn lời của những người sáng tạo nội dung ẩn danh cho biết doanh thu của họ từ nền tảng video đã giảm từ 30% đến 90%.
Cuộc đình công của sao mạng
Một lượng lớn sao mạng đồng loạt rời bỏ nền tảng này khiến nhiều người hâm mộ hoang mang.
Tuy nhiên, ở một góc khác, việc những người sáng tạo "đình công" đồng nghĩa với việc họ coi mình là "công nhân" ở mức độ nào đó.
Việc loạt ngôi sao nổi tiếng rời bỏ Bilibili được cho là do các chính sách bất lợi của nền tảng này. |
Bilibili, và không ít vlogger, có thể sẽ phản bác lại bằng cách chỉ ra rằng những KOL làm việc độc lập. Bằng chứng là họ không ký hợp đồng lao động, được hưởng quyền tự chủ cao và có thể tự do chuyển đổi giữa các nền tảng để tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế là Bilibili và YouTube gần như độc quyền đối với toàn bộ lĩnh vực này của thị trường, khiến những người sáng tạo nội dung có rất ít lựa chọn thay thế để tạo ra lợi nhuận.
Người tạo video dài không thể dễ dàng chuyển sang TikTok để tìm kiếm một thỏa thuận lợi ích tốt hơn. Ngay cả những người tìm thấy giải pháp thay thế phù hợp cũng biết rằng "ngôi nhà mới" của họ cũng có thể thay đổi kế hoạch kiếm tiền bất cứ lúc nào.
Những người sáng tạo nội dung không "độc lập" như bề ngoài.
Thực tế là ngay cả khi có toàn quyền kiểm soát quá trình sáng tạo, họ cũng không thể tiếp cận trực tiếp những người theo dõi mình: Cả kênh phân phối và doanh thu của họ đều được kiểm soát hoàn toàn bởi các nền tảng.
Mặt trái
Với sự phụ thuộc vào các nền tảng video, vlogger có thể được hiểu là những người lao động được tuyển dụng linh hoạt trong nền kinh tế tự do.
Mô tả đó khiến nhiều người làm sáng tạo lo lắng, đặc biệt là những người thích nghĩ mình là doanh nhân nhỏ hoặc ông chủ tương lai.
Kết quả của cuộc chiến giằng co này sẽ được quyết định bởi hai yếu tố.
Đầu tiên là cách nhóm KOL này tự xác định bản thân, liệu họ có nhận ra rằng nội dung của họ là thứ giúp nền tảng tồn tại hay ngược lại, họ thấy mình phụ thuộc vào nền tảng để kiếm sống.
Thứ hai là khả năng tổ chức và hành động tập thể. Không thể bỏ qua sức mạnh của người hâm mộ và công chúng: Nếu được người dùng ủng hộ, vlogger sẽ có nhiều đòn bẩy hơn trong các cuộc đàm phán với nền tảng.
Thực tế, người sáng tạo nội dung phụ thuộc vào nền tảng do không thể tự tiếp cận người xem. |
Làn sóng gián đoạn cũng buộc phải xem xét lại mối quan hệ giữa lao động và nền tảng trong thời đại kỹ thuật số.
Trước đây, xung đột lao động được hiểu là xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều người, bao gồm tài xế, người chuyển phát nhanh và vlogger, tham gia vào thị trường với tư cách là những đối tác độc lập.
Nhưng sự độc lập này lại rất phụ thuộc: Bất kỳ nền tảng nào có thể nắm quyền kiểm soát thị trường đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định đều có quyền lực to lớn đối với những "doanh nhân tự thân", khiến họ rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương, mơ hồ, mà việc thoát ra là điều gần như không thể.
Sự phát triển của kinh tế nền tảng đã mang đến cho mọi người vô số cơ hội. Tuy nhiên, đổi lại, các nền tảng đã thao túng ý thức về giá trị bản thân của người lao động và giá trị mà họ gán cho sức lao động của mình.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.