Môi giới đã chủ động
Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường bất động sản quý III năm 2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI), thị trường bất động sản đã dần hồi phục. Nguồn sản phẩm ngày càng đa dạng hơn. Nhu cầu về nhân sự trong lĩnh vực môi giới bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực siết chặt điều kiện hành nghề ít nhiều gây ra sự thiếu hụt cục bộ về nhân sự kinh doanh bất động sản ở các cấp.
Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) cho biết, thị trường ghi nhận sự quay trở lại thị trường và tham gia hoạt động trong các doanh nghiệp lớn của một số lãnh đạo cấp cao, đồng thời cũng xuất hiện sự thay đổi, dịch chuyển chéo về nhân sự lãnh đạo giữa các công ty môi giới, sàn chủ đầu tư.
“Sự thay đổi bộ khung nhân sự tại các doanh nghiệp có thể tạo ra những thế trận mới, cuộc chơi mới. Cơ hội và ưu thế vẫn dành cho các đơn vị có nguồn lực, uy tín, sự chuẩn bị tốt và chiến lược phù hợp”, ông Tiến nói.
Khác với các giai đoạn phát triển nóng, giai đoạn này các chủ đầu tư cũng như đơn vị môi giới không mở rộng tràn lan mà tập trung vào các sản phẩm, thị trường phù hợp với thế mạnh riêng. Các doanh nghiệp môi giới tự tin hơn trong các chiến lược mở rộng địa bàn, loại hình sản phẩm. Sự chuyển dịch đang theo hướng “đồng bộ” dần với các chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị, kinh tế xã hội của Nhà nước.
Trong quý III/2024, các sàn môi giới đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng lực lượng kế thừa để nâng cao khả năng cạnh tranh. Các chương trình đào tạo đa dạng từ kiến thức pháp lý, thị trường, kỹ năng mềm cho đến năng lực lãnh đạo…
Một số doanh nghiệp lớn có nhiều chính sách tài trợ, ưu đãi cho nhân viên kinh doanh học và thi lấy chứng chỉ môi giới. Hoạt động tuyển dụng cũng đã được siết chặt hơn nhưng chú trọng vào chất lượng thay vì tuyển dụng ồ ạt. Không chỉ các đơn vị môi giới mà các cơ sở đào tạo nghiệp vụ, các hiệp hội cũng tích cực tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng của nhân sự trong lĩnh vực bất động sản.
Khảo sát của DXS - FERI về các kỹ năng nhân viên môi giới cho thấy, kết quả ưu tiên hàng đầu là kiến thức pháp luật, thị trường, sản phẩm (47,3%). Thứ hai là kỹ năng về công nghệ, marketing, kỹ năng mềm (33,2%), tiếp theo các kỹ năng lần lượt là đáp ứng điều kiện hành nghề môi giới bất động sản (12,5%), kỹ năng sử dụng ngoại ngữ (3,1%), còn lại là kỹ năng khác (3,9%).
Đối với các tiêu chí ưu tiên khi nhân viên môi giới lựa chọn sàn môi giới để đầu quân, DXS - FERI khảo sát được lần lượt là uy tín công ty, môi trường làm việc (26,8%), sản phẩm phù hợp, dễ bán (25,4%), lương thưởng, hoa hồng, phúc lợi (23,9%), cơ hội phát triển và thăng tiến (22,4%), còn lại chỉ có 1,5% lựa chọn các tiêu chí khác.
“Kết quả này cho thấy, môi giới cá nhân dần có sự điều chỉnh để phát triển sự nghiệp theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, các môi giới cá nhân lựa chọn đầu quân vào sàn môi giới có uy tín và môi trường làm việc tốt. Ưu tiên cập nhật kiến thức pháp luật, thị trường, sản phẩm, kỹ năng về công nghệ, marketing, kỹ năng mềm… để phát triển sự nghiệp lâu dài bên cạnh việc khẩn trương trang bị các điều kiện hành nghề phù hợp với quy định”, ông Tiến nói.
Khách hàng vào thế giằng co
Từ ngày 1/8, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024, Luật các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực đã mang lại những tác động trái chiều và đã hình thành thế giằng co trong tâm lý và hành vi của khách hàng.
“Bắt đầu từ quý 4 năm nay, thị trường có dấu hiệu ấm dần lên và dần cải thiện hơn vào quý III, nhất là thị trường Hà Nội đã tạo ra nhu cầu lớn trong ngắn hạn. Ngoài ra, việc bảng giá đất mới chưa áp dụng dẫn đến tâm lý tranh thủ mua bất động sản khi giá còn chưa tăng”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, các quy định mới bảo vệ người mua nhà nhiều hơn, đồng thời tình hình pháp lý các dự án mới đã được đảm bảo hơn giúp cho khách hàng cảm thấy yên tâm và tự tin hơn khi thực hiện giao dịch.
Dù còn nhiều yếu tố khách quan chưa thuận lợi nhưng tiềm năng và cơ hội từ việc thị trường bất động sản đang ấm dần lên đã kéo nhu cầu mua bất động sản gia tăng trở lại. Mức độ quan tâm có cải thiện dần theo thời gian nhưng không có hiện tượng tăng đột biến, sốt nóng cục bộ như trong các giai đoạn trước đây.
Theo khảo sát của DXS-FERI về các ưu tiên khi mua bất động sản, các yếu tố khách hàng ưu tiên lựa chọn lần lượt là pháp lý dự án (22%), giá bán (19%), uy tín chủ đầu tư (17%), vị trí, tiềm năng phát triển (15%), phương thức thanh toán (12%), còn lại là các yếu tố như khả năng sinh lời, giá trị khác, chính sách ưu đãi….
Đối với khung giá căn hộ khách hàng quan tâm, DXS - FERI khảo sát được, gồm: 33% câu trả lời từ khách hàng lựa chọn bất động sản có giá 3,5 - 5 tỷ đồng, 24% lựa chọn sản phẩm dưới 2,5 tỷ đồng, 18% lựa chọn căn hộ từ 2,5 - 3,5 tỷ đồng, 17% lựa chọn khoảng giá từ 5 - 10 tỷ đồng. Chỉ có 8% lựa chọn bất động sản hạng sang có mức giá trên 10 tỷ đồng.