Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Đồng chí Cao Huy - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; đồng chí Phùng Đức Thắng - Thiếu tướng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Về phía Bộ Công Thương có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Phan Thị Thắng và đại diện các Cục, Vụ chức năng trong Bộ: Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Báo Công Thương...
Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham dự của đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp, Tổng Công ty: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã báo cáo tóm tắt tình hình triển khai nhiệm vụ của Bộ Công Thương đến hết tháng 8/2024, ngành Công Thương đang đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024 (IIP cả năm 2024 tăng trưởng từ 7 - 8%; xuất khẩu tăng trưởng 6%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%). Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và IIP có thể vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua sẽ đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024.
Năm 2024 là năm bứt tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nước năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; khẩn trương hoàn tất trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu);
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số vấn đề như: định hướng quá trình xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, sớm xem xét, phê duyệt sau khi Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Chính phủ; Xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc việc sử dụng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệu, hiệu quả các Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực có kết quả các Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước trong những tháng cuối năm 2024…
Phát biểu tại buổi làm Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ngành Công Thương đã phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn thách thức: mở đầu là đại dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi nguồn cung hàng hóa; khủng hoảng kinh tế và các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước…Đổng thời, nhân sự trong ngành Công Thương có nhiều biến động, thiếu nhân sự, thiếu lãnh đạo Bộ...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dù vậy, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, chưa một ngày nào thiếu vắng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra và thực hiện các quy trình về nhân sự. Trong bối cảnh đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ, giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của ngành Công Thương, đã giúp cho Bộ Công Thương đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trong báo cáo đã đưa ra, giữ được cân bằng và đóng góp một cách tích cực đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, đây có thể được xem là một kỳ tích ấn tượng của ngành.
Theo Bộ trưởng, phía trước sẽ còn có rất nhiều khó khăn, phức tạp vì tình hình thế giới khó đoán định, hội nhập của chúng ta ngày càng sâu, nên việc nội lực hóa luật pháp quốc tế cũng là một thách thức, hàng loạt những cam kết mà Việt Nam phải thực hiện… Với các kiến nghị, vướng mắc do đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kiến nghị trong buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, có chỉ là những khó khăn, vướng mắc điển hình, vì đi vào cụ thể sẽ còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.
Thông qua buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để ngành Công Thương hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, buổi làm việc với Bộ Công Thương hôm nay nhằm lắng nghe và nắm bắt công việc chung, tình hình chung của Bộ về công tác triển khai nhiệm vụ trong 8 tháng năm 2024 và công tác xây dựng ngành Công Thương để triển khai nhiệm vụ đó. Bên cạnh đó, nắm tình hình triển khai công việc từ đầu năm đến nay và những phương hướng trọng tâm công tác trong những tháng cuối năm và thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao Lãnh đạo Bộ Công Thương trong thời gian ngắn đã tích cực chuẩn bị Báo cáo phục vụ buổi làm việc. Báo cáo khái quát nhưng khá toàn diện về ngành Công Thương.
“Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, đất nước còn nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành đã tích cực triển khai toàn diện các mặt công tác và đã đạt những kết quả quan trọng. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp của ngành Công Thương”- Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những kết quả đóng góp của Lãnh đạo Bộ Công Thương từ đầu nhiệm kỳ đến nay và 8 tháng năm 2024.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đó là đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới, thời kỳ mới, vươn lên thực hiện khát vọng tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là mục tiêu và khát vọng đặt ra đối với các cấp, ngành.
3 vấn đề đối với ngành Công Thương cần tập trung
Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn, kiến tạo trong phát triển.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, kể cả văn bản pháp luật, như sửa đổi Luật điện lực, Luật hóa chất… và một loạt Nghị định sửa đổi.
Thứ hai, phải tiếp tục cùng Chính phủ, Đảng, Nhà nước thúc đẩy phục hồi quá trình phát triển đất nước. Dù khó khăn đến mấy, ngành Công Thương phải là ngành chủ lực.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện 3 nội dung: (i) xây dựng quy chế, quy định, nghị định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, trước mắt là trong dự án năng lượng tái tạo (trong đó có điện ngoài khơi); (ii) tiếp tục tập trung triển khai Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch điện VIII; triển khai tháo gỡ dự án đang tồn đọng, trong đó có dự án điện, khí… để giải phóng nguồn lực phục vụ cho phục hồi kinh tế - xã hội; hợp tác, khai thác dầu khí và tăng cường hợp tác quốc tế với dự án đầu tư ra nước ngoài; (iii) xuất nhập khẩu, Chính phủ đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy xuất nhập khẩu và tăng trưởng trong bối cảnh quốc tế phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy chuỗi sản xuất.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương cần tận dụng, khai thác tốt các FTA đã ký, đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA mới trong đó đàm phán FTA với khu vực vùng Vịnh.
Trong lĩnh vực thương mại, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua, kể cả trong điều kiện bão lụt, đã bảo đảm hàng hóa thông suốt thị trường, tăng thương mại trong nước, nhất là Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ Ngoại giao và bộ, ngành liên quan mở rộng mạng lưới hàng hóa Việt Nam ra các thị trường nước ngoài.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc triển khai thương mại điện tử, đã thực hiện đúng theo xu hướng chung của thế giới và cần tiếp tục thúc đẩy xu thế này.
Thứ ba, công tác chuyển đổi số, kinh tế số. Ngoài đề xuất của Bộ Công Thương, đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Đối với các kiến nghị của Bộ Công Thương cũng như kiến nghị của đại diện doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập hợp và giải quyết trong thời gian sớm nhất, tạo đông lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo cac tiêu phát triển kinh tế.