"Thành phố học tập toàn cầu" nằm ở tỉnh không thuộc diện sáp nhập: Dành hẳn 1/3 ngân sách cho điều này

Năm 2024, thành phố này cùng với Thành phố Hồ Chí Minh đã được UNESCO ghi danh vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu".

Địa phương được nhắc tới chính là Sơn La.

Theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, Sơn La nằm trong số 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước được đề xuất giữ nguyên hiện trạng, không sáp nhập với tỉnh thành khác, bên cạnh TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh.

Thành phố Sơn La, thuộc tỉnh Sơn La, nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc Việt Nam, là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế bền vững như: Tài nguyên thiên nhiên và du lịch sinh thái; Văn hóa đa dạng của các dân tộc; Phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp xanh…

Vào ngày 14/2/2024, thành phố Sơn La cùng với Thành phố Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu". Sự kiện này nâng tổng số thành phố trong mạng lưới lên 356, thuộc 79 quốc gia, với hơn 390 triệu người dân được hưởng lợi từ các cơ hội học tập suốt đời.

"Thành phố học tập toàn cầu" nằm ở tỉnh không thuộc diện sáp nhập: Dành hẳn 1/3 ngân sách cho điều này- Ảnh 1.

Thành phố Sơn La.

Thành phố Sơn La được UNESCO ghi danh là do:

- Đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và học tập suốt đời: Tính từ năm 2020 đến khi được công nhận là "Thành phố học tập toàn cầu", thành phố Sơn La đã dành khoảng 1.440 tỷ đồng (chiếm 33,7% tổng ngân sách) để phát triển hệ thống giáo dục. Thành phố đã nâng cấp cơ sở vật chất như trường học, trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa tại các phường, xã. Đặc biệt, thành phố đã tăng cường cơ hội học tập cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

- Cam kết xóa mù chữ và phổ cập giáo dục: Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh Sơn La đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tại thành phố Sơn La, tỷ lệ người biết chữ cao, đặc biệt trong nhóm dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh giáo dục người lớn thông qua các chương trình học tập cộng đồng. Phát triển mô hình "xã hội học tập", khuyến khích mọi người học tập suốt đời.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục: 100% trường học trên địa bàn đã được nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả hệ thống phòng học thông minh và các phần mềm hỗ trợ giảng dạy như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom.  Thành phố còn mở rộng các khóa học trực tuyến. Giai đoạn 2021-2024, thành phố đã tổ chức 141 đợt tập huấn với 3.487 lượt giáo viên tham gia, nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

- Tích cực hợp tác và học hỏi từ các thành phố khác: Sơn La đã tham gia nhiều chương trình hợp tác giáo dục quốc tế. Tích cực triển khai các mô hình học tập từ những thành phố đã được UNESCO công nhận trước đó.

- Giáo dục tại Sơn La không chỉ phục vụ cho học sinh mà còn nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs)...

Những nỗ lực này đã giúp thành phố Sơn La trở thành một trong số ít địa phương của Việt Nam được UNESCO công nhận, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đưa lĩnh vực giáo dục của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Việc được ghi danh vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực xây dựng xã hội học tập của thành phố Sơn La, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc thúc đẩy giáo dục chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân.