Thói quen buổi sáng của 'đàn ông vượt trội'

Thói quen buổi sáng của Ashton Hall phản ánh áp lực hiện đại lên nam giới, pha trộn giữa ám ảnh thể hình và lý tưởng nam tính khó lòng đạt được.

Ashton Hall trở nên nổi tiếng khi đăng clip chia sẻ thói quen sinh hoạt buổi sáng.

Đoạn video lan truyền gần đây của Ashton Hall, influencer thể hình người Mỹ, đã khiến mạng xã hội bùng nổ với vô số lời trêu chọc, chế ảnh và cả những tranh luận nghiêm túc.

Trong video, Hall bắt đầu ngày mới của mình lúc 3h52 bằng cách tháo miếng băng dán miệng, sau đó là hàng loạt hoạt động “tối ưu bản thân” kéo dài hơn 5 tiếng: ngâm mặt vào nước đá, chà vỏ chuối lên da, thiền, bơi, tập luyện và thưởng thức nước đóng chai Saratoga. Mọi thứ được quay trong ánh sáng mờ ảo, tỉ mỉ đến từng giây, không khác gì một đoạn quảng cáo cao cấp.

Dù có vẻ buồn cười và hơi “quái dị”, video nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ, thu về hơn 900 triệu lượt xem trên các nền tảng. Nhưng đằng sau những tràng cười ấy là một câu hỏi nghiêm túc hơn: Đâu là ranh giới giữa cảm hứng sống lành mạnh và áp lực phải trở thành một “alpha male” hoàn hảo - người đàn ông vượt trội về cả thể chất lẫn tinh thần?

Đàn ông kiểu "alpha"

Theo CNN, những video như của Ashton Hall thuộc một thể loại nội dung đang bùng nổ: Lối sống “tối ưu hóa” dành cho nam giới, nơi cơ thể đẹp, kỷ luật thép và thói quen phi thường là chìa khóa dẫn đến thành công.

Robert Lawson, giáo sư ngôn ngữ học xã hội tại Đại học Birmingham (Anh), cho rằng xã hội Mỹ đã chuyển từ quan điểm coi trọng tinh thần sang ám ảnh hình thể, nhất là từ thập niên 80 với sự nổi lên của Arnold Schwarzenegger và các chiến dịch quảng cáo nam tính kiểu Calvin Klein.

dan ong alpha anh 1

Clip ghi lại thói quen buổi sáng của Hall viral khắp cõi mạng.

Ngày nay, nam giới không chỉ cần tập gym, mà còn phải uống thực phẩm chức năng, tính macro dinh dưỡng, kiểm soát rụng tóc, tăng cường não bộ. Những người như Joe Rogan, Andrew Huberman hay chính Ashton Hall đều cổ vũ tư tưởng: “Bạn có thể hack cơ thể để sống tốt hơn”. Đằng sau các clip là những sản phẩm họ bán, từ bột protein đến khóa huấn luyện cá nhân giá hàng nghìn USD.

Vấn đề, theo Lawson, là cuộc sống đó quá xa rời thực tế. Ai có thể dậy lúc 3h52 và tập luyện hàng tiếng đồng hồ khi còn công việc, gia đình, trách nhiệm xã hội? Những video ấy thường chỉ quay một người đàn ông đơn độc - không vợ con, không bạn bè, không sự lộn xộn của cuộc sống thực.

Còn trong bài viết của The Guardian, cây bút Sarah Manavis phân tích sâu hơn: Ashton Hall không giống những “alpha influencer” như "kẻ nguy hiểm nhất TikTok" Andrew Tate - những người công khai phát ngôn kỳ thị phụ nữ và cổ vũ bạo lực. Thay vào đó, Hall thể hiện sự lịch thiệp, sạch sẽ, nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn truyền tải mô hình nam tính kiểu cũ, nơi người đàn ông là trung tâm, còn phụ nữ là những đôi tay mờ nhạt phục vụ phía sau hậu trường.

Dù không nói lời kỳ thị, những hình ảnh ấy vẫn ngấm ngầm tái khẳng định trật tự giới bảo thủ, nơi đàn ông được tôn vinh nếu họ đủ kỷ luật, chăm chỉ, độc lập và... cô độc.

Theo Sarah, chính sự “dễ chấp nhận” của nội dung kiểu Hall khiến nó trở nên nguy hiểm hơn, bởi nó len lỏi vào nhận thức người trẻ mà không gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ như kiểu Tate.

Không ồn ào nhưng thấm lâu

Patrick Wyman, nhà sử học và tác giả podcast Tides of History, cho rằng video như của Hall đánh trúng vào khủng hoảng hiện diện của nam giới hiện đại. Dữ liệu cho thấy nhiều nam giới Mỹ đang tụt hậu: tỷ lệ học đại học giảm, thất nghiệp tăng, tỷ lệ tự tử và nghiện ngập cao hơn nữ giới. Trong hoàn cảnh ấy, thể hình và lối sống “grindset” (kiên trì, kỷ luật cực đoan) trở thành chốn nương náu tinh thần.

Các video này mang đến cảm giác “kiểm soát” và “ý nghĩa”: Chỉ cần bạn chăm chỉ dậy sớm, kỷ luật hơn, đẹp hơn, bạn sẽ thành công, có thể sống ở penthouse Miami, có người phục vụ bữa sáng và kiếm hàng triệu USD từ mạng xã hội. Và nếu bạn chưa đạt được điều đó? Có thể là lỗi của bạn vì chưa đủ cố gắng.

dan ong alpha anh 2

Kỷ luật thép và những thói quen cực đoan trở thành áp lực vô hình lên nam giới hiện đại, dẫn đến những hình mẫu nam tính khó đạt được.

Tư tưởng này, dù không bạo lực, có thể gây hại sâu sắc. Nó thiết lập một hình mẫu nam tính đơn nhất, phi thực tế và đầy áp lực, khiến nhiều chàng trai cảm thấy thất bại nếu không đạt được. Nghiên cứu cho thấy nội dung #fitspiration (truyền cảm hứng thể hình) có thể khiến nam giới tự ti về ngoại hình, tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn ăn uống.

"Chúng ta đang vẽ ra một hình mẫu đàn ông mà phần lớn người thực không thể đạt đến. Khi điều đó không xảy ra, nam giới không chỉ thất vọng, họ có thể bắt đầu trở nên oán giận và tìm đến những cộng đồng tiêu cực hơn", Lawson nói.

Việc dậy sớm, rèn luyện, sống lành mạnh vốn không sai, nhưng khi những thói quen ấy trở thành chuẩn mực áp đặt, khi thành công được gắn chặt với hình thể hoàn hảo và lối sống cô lập, chúng ta đang tạo ra một phiên bản nam tính độc hại thế hệ mới: Không ồn ào, nhưng thấm sâu và dai dẳng hơn.

Ashton Hall không phải là nguyên nhân, nhưng là biểu tượng rõ nét cho xu hướng cần được nhìn nhận thẳng thắn, trước khi những hình mẫu “lý tưởng” ấy biến thành chiếc bóng đè nặng lên một thế hệ đàn ông đang đi tìm chính mình, theo cây bút của The Guardian Sarah Manavis.

Cẩm nang 'sống sót' nơi công sở

Trong MENTOR - Từ sinh viên chất đến nhân sự chiến, tác giả Lê Công Minh chia sẻ trải nghiệm vượt qua và học hỏi từ thất bại: Từ nam sinh thi trượt đại học đến giám đốc truyền thông kỹ thuật số, nhân viên Big 4 kiểm toán, sáng lập trung tâm tiếng Anh… Đây là nơi những bạn trẻ "lênh đênh" chốn công sở dễ tìm thấy mình và học hỏi để vươn lên trên con đường sự nghiệp.